Ung thư (tên tiếng anh: Cancer) là căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mỗi năm và hiện tại chưa thuốc đặc trị. Các tế bào ung thư khác với các tế bào bình thường ở chỗ: chúng phân chia mất kiểm soát (loạn sản) và xâm lấn vào vị trí của các cơ quan khác (di căn). Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,…sử dụng thuốc đích là một phương pháp mới để điều trị ung thư mà ít ảnh hưởng đến các tế bào bình thường của cơ thể.
Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Thuốc đích. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.
Thuốc đích là gì?
Thuốc đích là các thuốc được sử dụng điều trị ung thư, được hấp thu vào cơ thể bằng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Các thuốc tác dụng tại đích đều có chung cơ chế hoạt động là gắn đặc hiệu vào gen hay protein chuyên biệt chỉ có ở tế bào ung thư dẫn đến ngăn cản sự phát triển của khối u. So với phương pháp hóa trị, điều trị tại đích đem đến lợi ích vượt trội cho bệnh nhân.
Phân loại thuốc đích
Thuốc tác dụng tại đích phân chia thành 2 loại chính:
+ Thuốc phân tử nhỏ (gắn vào thụ thể trong tế bào): là thuốc có trọng lượng phân tử nhỏ có thể đi vào trong tế bào ung thư, gắn đặc hiệu vào gen hoặc các protein trong tế bào. Các thuốc phân tử nhỏ điều trị ung thư sử dụng theo đường uống.
+ Kháng thể đơn dòng (gắn vào thụ thể nằm trên tế bào): bản chất là protein gắn chuyên biệt vào thụ thể nằm trên bề mặt các tế bào khối u. Đa phần kháng thể đơn dòng sử dụng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch
Cơ chế tác động của thuốc đích
Dưới đây là 6 cơ chế tác động của thuốc đích lên tế bào ung thư:
+ Tiêu diệt tế bào ung thư: Một tế bào bình thường có chu kỳ sống tuân theo qui luật “sinh – lão – bệnh – tử”. Tức là tế bào sinh ra, lớn lên và chết đi theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên các tế bào ung thư sức sống mãnh liệt và tuổi thọ dài hơn so với tế bào bình thường. Do đó, một trong cơ chế tác động của thuốc đích chữa ung thư là thúc đẩy quá trình “chết theo chương trình tế bào”. Chết theo chu trình (còn gọi là apoptosis) là một phương thức giúp cơ thể loại bỏ các tế bào không cần thiết hoặc các tế bào bất thường, trong đó có tế bào ung thư
+ Gây độc tế bào ung thư: Một số kháng thể đơn dòng có gắn với dược chất gây độc cho tế bào khối u là thuốc hóa trị. Khi kháng thể đơn dòng gắn vào thụ thể nằm trên bề mặt tế bào ung thư, thuốc hóa trị sẽ đi vào bên trong các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
+ Ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư: Các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định được một số phân tử có vai trò truyền tín hiệu kích thích quá trình tăng sinh và phát triển của tế bào khối u. Một số thuốc đích chữa ung thư sẽ ức chế quá trình truyền tín hiệu giữa các phân tử này và tế bào ung thư, từ đó hạn chế sự phát triển của tế bào ác tính. Một số thuốc tác động theo cơ chế này như Temsirolimus đã được sử dụng lâm sàng điều trị ung thư tế bào thận.
+ Kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư: các tế bào ung thư có khả năng né tránh hệ miễn dịch. Do đó, một số thuốc điều trị tại đích sẽ nhận diện và đánh dấu các tế bào ung thư giúp hệ miễn dịch dễ dàng tiêu diệt chúng.
+ Giảm lượng hoocmon kích thích sự phát triển của khối u (liệu pháp hormon):
Một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến,…sự gia tăng nồng độ hormon trong máu có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các khối u ác tính. Do đó, thuốc tác dụng tại đích theo liệu pháp hormon sẽ ức chế sự tổng hợp của các hormon hoặc làm giảm tác dụng của chúng trên tế bào ung thư.
+ Ức chế sự tăng sinh mạch máu: Các khối u ác tính thường giàu mạch máu. Do đó các thuốc nhắm trúng đích chữa ung thư sẽ ức chế sự hình thành mạch máu, ngăn chặn sự cung cấp máu nuôi dưỡng tế bào ung thư. Từ đó, các tế bào ung thư sẽ không phát triển được, kích thước khối u sẽ thu nhỏ.
Thuốc đích được sử dụng trên đối tượng nào?
Tùy từng loại ung thư, sẽ có thuốc đích điều trị khác nhau. Các thuốc nhắm trúng đích có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp hóa trị hoặc xạ trị để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.
Thuốc đích chữa ung thư phổi
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính trong đó có sự tăng trưởng không kiểm soát của tế bào bất thường ở một hoặc cả hai bên phổi, thường là các tế bào ở niêm mạc đường hô hấp (phế quản, tiểu phế quản, phế nang,…). Khối u ác tính ngăn cản hoạt động trao đổi khí ở phổi làm suy giảm chức năng phổi. Ở nước ta, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau ung thư gan với hơn 20.000 người chết mỗi năm.
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi: khói thuốc lá, người sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại. Yếu tố di truyền (gen) làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Ung thư phổi có mấy loại?
Ung thư phổi chia thành hai loại: ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 84% tổng số ca mắc) và ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 16% tổng số ca mắc)
Dấu hiệu của ung thư phổi
Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không có triệu chứng đặc biệt nào. Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển, có thể xuất hiện một số dấu hiệu chỉ điểm ung thư phổi như:
+ Ho kéo dài không rõ nguyên nhân, ho ra máu
+ Ho kéo dài
+ Thở khò khè hoặc khó thở
+ Khàn tiếng
+ Thường xuyên có cảm giác đau vùng ngực
+ Khó nuốt, chán ăn
+ Mệt mỏi hoặc suy nhược; bệnh nhân gầy sút cân không rõ nguyên nhân
+ Thường xuyên nhiễm trùng phổi (ví dụ như viêm phổi)
Các thuốc đích chữa ung thư phổi
- Kháng thể đơn dòng điều trị ung thư phổi
+ Bevacizumab (tên thương mại: Avastin): là kháng thể đơn dòng gắn vào yếu tố VEGF (vascular endothelial growth factor: yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu), ngăn cản sự hoạt hóa các thụ thể tyrosine kinase thông qua VEGF từ đó ngăn cản quá trình tăng sinh mạch máu nuôi dưỡng tế bào ung thư. Bevacizumab sử dụng kết hợp với carboplatin và paclitaxel được chỉ định trong điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, không vảy trong giai đoạn tiến triển, di căn hay tái phát của bệnh. Liều dùng Bevacizumab khuyến cáo điều trị ung thư phổi: 15 mg/kg truyền tiêm tĩnh mạch mỗi 3 tuần.
+ Ramucirumab (tên thương mại: Cyramza )là một kháng thể đơn dòng tái tổ hợp được dùng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch, ngăn cản sự phát triển khối u bằng cách ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu 2 (VEGFR2).
- Thuốc phân tử nhỏ điều trị ung thư phổi
Nhờ kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, các nhà khoa học đã xác định được mối liên hệ giữa gen đột biến và sự phát triển và di căn của các khối u ác tính. Do đó, thuốc nhắm trúng đích có tác dụng “khóa các gen đột biến”, ngăn chặn sử tăng sinh mất kiểm soát của tế bào ung thư.
Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân mắc ung thư phổi có liên quan đến 1 trong 5 loại đột biến gen: EGFR, ALK, ROS1, BRAF và KRAS. Trong đó, đột biến gen EGFR ((Epidermal growth factor receptor – thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là đột biến thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi. Ở Việt Nam, cứ 100 bệnh nhân ung thư phổi có khoảng 40-50 người mang đột biến gen EGFR
Hiện nay, nhóm thuốc cho bệnh nhân có đột biến gen EGFR có 3 thế hệ đang được sử dụng
+ Thuốc thế hệ thứ 1: Erlotinib và Gefitinib
+ Thuốc thế hệ thứ hai: Afatinib và Dacomitinib
+ Thuốc thế hệ thứ 3: Osimertinib
Thuốc đích chữa ung thư gan
Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là bệnh lý ác tính trong đó có sự phát triển và tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào bất thường ở gan. Ung thư gan một trong căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam với 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư gan mỗi năm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan: xơ gan (nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, rượu bia), nhiễm chất độc Aflatoxin của nấm Aspergillus có trong các loại thực phẩm bị mốc: lạc, đỗ,…
Ung thư gan có mấy loại?
Ung thư gan có hai loại là: ung thư gan nguyên phát và ung thư gan di căn
Dấu hiệu của ung thư gan là gì?
Cũng như các bệnh ung thư khác, ung thư gan thường diễn biến âm thầm. Tuy nhiên nếu bạn gặp phải các triệu chứng dưới đây hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu chỉ điểm ung thư gan thường gặp:
+ Vàng da: là hiện tượng da và niêm mạc có màu vàng do tăng nồng độ sắc tố mật (bilirubin) trong máu. Khối u ở gan chèn ép và làm tắc nghẽn đường dẫn mật trong gan, dịch mật (trong đó có sắc tố mật) bị trào ngược từ đường dẫn mật vào các xoang gan, đi vào máu và lắng đọng ở da và niêm mạc. Vàng da có thể kết hợp với triệu chứng: nước tiểu sẫm màu và phân bạc màu.
+ Vàng mắt: biểu hiện củng mạc mắt có màu vàng sậm
+ Ngứa: triệu chứng ngứa thường xuất hiện trước vàng da. Bệnh nhân có cảm giác ngứa với mức độ tăng dần và không khỏi khi điều trị bằng thuốc da liễu trị ngứa. Nguyên nhân của triệu chứng này là do acid mật lắng đọng ở các tổ chức da gây kích thích thụ thể cảm giác ngứa.
+ Gầy sút cân: Các bệnh nhân mắc ung thư gan có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa (mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng, khó tiêu). Bệnh nhân gầy sút cân trong một thời gian ngắn.
+ Đau bụng vùng gan và gan to
Thuốc đích điều trị ung thư gan
Bên cạnh các phương pháp điều trị ung thư gan truyền thống như: phẫu thuật loại bỏ khối u, ghép gan, hóa trị hay xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích (sử dụng thuốc đích) là phương pháp điều trị mới giúp tiêu diệt các tế bào ung thư mà ít ảnh hưởng đến các tế bào gan khỏe mạnh.
- Dưới đây là thuốc đích sử dụng chủ yếu trong điều trị ung thư gan hiện nay:
+ Sorafenib (tên thương mại Nexavar): đây là thuốc đích có tác dụng: ngăn sự tăng sinh của các mạch máu nuôi dưỡng tế bào ung thư; ức chế sự hình thành và hoạt động của enzym tyrosine kinase, khiến cho tế bào ung thư không phát triển được. Liều dùng Sorafenib được khuyến cáo để điều trị ung thư gan: dùng 400mg mỗi lần, 2 lần/ngày, uống ít nhất 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn.
+ Lenvatinib (tên thương mại Lenvima): thuốc này có tác dụng nhận biết và gắn vào tế bào ung thư ở gan, ngăn chặn quá trình phân chia, phát triển của khối u. Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Lenvatinib: đau khớp, đau cơ, sút cân,…
+ Regorafenib (tên thương mại Stivarga): thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu nuôi dưỡng tế bào khối u, ngăn quá trình tổng hợp 1 số loại protein – yếu tố tăng trưởng kích thích khối u phát triển. Liều khuyến cáo của Regorafenib điều trị ung thư gan: 160mg Regorafenib mỗi lần, uống một liều duy nhất trong ngày trong 21 ngày đầu tiên trong chu kì 28 ngày.
+ Cabozantinib (Cabometyx) là thuốc ức chế enzym tyrosine kinase, từ đó làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Thuốc đích chữa ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là gì?
Đại tràng (còn gọi là ruột già) là đoạn xa của ống tiêu hóa bắt đầu từ manh tràng đến ống hậu môn. Ung thư đại tràng là sự phát triển bất thường của các tế bào ở đại tràng hình thành nên khối u ác tính.
Dấu hiệu của ung thư đại tràng?
Một số dấu hiệu của ung thư đại tràng nên biết:
+ Thay đổi thói quen đại tiện: xen kẽ táo bón và tiêu chảy
+ Xuất hiện máu và chất nhầy trong phân
+ Cảm giác đau quặn từng cơn, đầy hơi, khó đi đại tiện
+ Mệt mỏi, gầy sút cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
Các dấu hiệu trên thường không điển hình, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác: viêm đại tràng, hội chứng lỵ,…
Thuốc đích chữa ung thư đại tràng
Dưới đây là một số thuốc đích được sử dụng trong điều trị ung thư đại tràng
+ Thuốc đích ngăn sự hình thành mạch máu nuôi dưỡng tế bào ung thư: Bevacizumab (Avastin), Ziv-aflibercept (Zaltrap), Ramucirumab (Cyramza),…
+ Thuốc đích nhắm vào EGFR (một loại protein kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư): Cetuximab (Erbitux), Panitumumab (Vectibix)….
+ Thuốc đích ức chế enzym kinase: Regorafenib (Stivarga)
Ưu điểm và nhược điểm của thuốc đích
Ưu điểm của thuốc tác dụng tại đích
Tính ưu việt của thuốc tác dụng tại đích so với sử dụng phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư
+ Về cơ chế tác dụng: thuốc tác dụng tại đích gắn đặc hiệu vào gen hoặc các protein chuyên biệt ở tế bào ung thư trong khi đó, các thuốc hóa trị tác động theo cơ chế gây độc và chết tế bào
+ thuốc tác dụng tại đích chỉ tác động và tiêu diệt các tế bào khối u, trong khi đó phương pháp hóa trị tiêu diệt cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh bình thường. Do đó sử dụng thuốc tác dụng tại đích gây ra ít tác dụng phụ cho bệnh nhân hơn so với pp hóa trị
Nhược điểm của thuốc tác dụng đích
+ Các tế bào khối u trở nên kháng các thuốc tác dụng tại đích. Cơ chế đề kháng: một là các tế bào ung thư tiếp tục phát triển mà không phụ thuộc vào “đích” đã được phát hiện trước đó; hai là thuốc đích làm thay đổi tình trạng đột biến khiến cho thuốc không còn hiệu quả để tiêu diệt khối u.
+ Chi phí điều trị bằng thuốc đích khá cao, vượt quá khả năng chi trả của một số bệnh nhân. Điều này cũng dẫn đến việc thuốc đích chưa được sử dụng phổ biến trên thực tế
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc đích
Mặc dù các thuốc nhắm trúng đích gắn chuyên biệt và tiêu diệt các tế bào ung thư, tuy nhiên, chúng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các tế bào khỏe mạnh nằm bên cạnh. Tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng thuốc đích: tiêu chảy, viêm gan. Một số tác dụng phụ khác của thuốc điều trị tại đích cần quan tâm như:
+ Tổn thương về da: khô da, đỏ da, biến đổi móng, mất sắc tố lông tóc
+ Tổn thương trên hệ tim mạch: tăng huyết áp, hình thành cục máu đông và chậm liền vết thương
+ Ức chế hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.
Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Thuốc đích. Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.