Truyền hóa chất điều trị ung thư và những điều bạn cần biết

Ung thư hiện nay là căn bệnh hết sức nguy hiểm, là nỗi lo sợ của rất nhiều người. Bất cứ ai đều nghĩ mắc phải ung thư có nghĩa là chết, không có cách nào cứu sống được. Vì thế tâm lý người bệnh rất suy sụp, sợ hãi. Ngày nay với sự tiến bộ của nền y học, các nhà khoa học đã tìm ra các phương pháp điều trị khỏi rất nhiều bệnh ung thư. Các phương pháp điều trị chủ yếu như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (truyền hóa chất) cho bệnh nhân ung thư đã đem lại hiệu quả đáng kể. Bài viết này sẽ đề cập đến phương pháp hóa trị hay còn gọi là truyền hóa chất nhằm cung cấp cho người đọc kiến thức rõ hơn về phương pháp điều trị này.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Truyền hóa chất. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Truyền hóa chất là gì?

Truyền hóa chất hay là hóa trị liệu là một trong những phương thức điều trị bệnh ung thư được áp dụng rất nhiều trên lâm sàng. Truyền hóa chất là việc dùng thuốc đưa vào cơ thể để loại bỏ và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào lành. Thuốc có tác dụng thông qua cơ chế làm dừng hoặc làm chậm lại sự phân chia của các tế bào ung thư.

Truyền hóa chất được sử dụng bằng cách tiêm truyền hoặc thuốc uống. Bệnh nhân ung thư thường được tiêm truyền thuốc thông qua ven (tĩnh mạch) tại phòng khám ngoại trú hoặc trong bệnh viện. Các loại thuốc hóa trị dạng uống thường được phát để bệnh nhân có thể tự uống tại nhà.
Truyền hóa chất
Truyền hóa chất

Mục đích của truyền hóa chất là gì?

Mục đích của truyền hóa chất trong điều trị ung thư là:

  • Điều trị bệnh ung thư
  • Làm khối u chậm phát triển
  • Làm giảm bớt kích thước u tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật hoặc xạ trị.
  • Làm giảm bớt triệu chứng của ung thư (ví dụ như đau)
  • Diệt các tế bào ung thư còn sót lại ở mức vi thể sau khi khối u được phẫu thuật lấy bỏ (điều trị bổ trợ), điều trị bổ trợ này mục đích giúp đề phòng bệnh tái phát.

Khi nào cần truyền hóa chất?

Truyền hóa chất được áp dụng bằng nhiều con đường khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau của quá trình điều trị ung thư kể từ khi phát hiện bệnh nhằm mục đích tiêu diệt được hết những tế bào ung thư và ngăn chặn tái phát. Tùy vào mức độ của bệnh, loại ung thư và điều kiện của bệnh nhân mà có phác đồ điều trị khác nhau.

Trong trường hợp không thể tiêu diệt được các tế bào ung thư, thì hóa trị có tác dụng làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Thông thường đa số các bệnh ung thư ở giai đoạn sớm đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Hóa trị được sử dụng khi ung thư đã ở giai đoạn muộn với mục tiêu là tiêu diệt, làm giảm sự phát triển của khối u.

Các phác đồ hóa trị liệu thường kéo dài từ 2-5 ngày, có khi tới 14 ngày, giữa các đợt điều trị là khoảng thời gian cho bệnh nhân nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Thời gian này thường kéo dài khoảng 2-3 tuần. Nên tuân thủ điều trị đúng hẹn, không tự ý rút ngắn hay kéo dài vì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Một số trường hợp việc điều trị phải lùi lại vì tình trạng của bệnh nhân và kết quả của một số xét nghiệm máu chưa đạt yêu cầu. Cần trao đổi trực tiếp và hỏi bác sĩ điều trị để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Các đường truyền hóa chất vào cơ thể

Các thuốc hóa chất điều trị ung thư được đưa vào cơ thể bằng các con đường: Truyền tĩnh mạch; Tiêm bắp hay tiêm dưới da; Đường uống; Các khoang: màng phổi, màng bụng, bàng quang… Cụ thể, các con đường đưa hóa chất vào cơ thể như:

  • Tiêm bắp
  • Động mạch: thuốc được đưa trực tiếp vào động mạch nuôi dưỡng khối u cần tiêu diệt
  • Ổ bụng: được áp dụng đối với các loại ung thư trong khoang bụng như ung thư đường tiêu hoá, ung thư buồng trứng, có tổn thương phúc mạc. Khi đó ta đưa thuốc vào ổ bụng để thuốc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch là đường hay được sử dụng nhất vì dễ thực hiện và có thể đến được nhiều cơ quan.
  • Uống: thường có dạng viên.
  • Bôi tại chỗ: thuốc được dùng dưới dạng kem bôi.

Các loại hóa trị

  • Hóa trị bổ trợ: nhằm diệt nốt các tế bào còn sót lại trong cơ thể sau khi khối u đã được phẫu thuật lấy bỏ, giúp đề phòng khối u tái phát trở lại.
  • Hóa trị tân bổ trợ: được sử dụng trước phẫu thuật nhằm làm nhỏ kích thước u, tránh cho bệnh nhân một phẫu thuật cắt bỏ quá rộng rãi.
  • Hóa trị tấn công: chủ yếu được sử dụng trong các phác đồ điều trị bệnh ung thư máu cấp, dùng trong giai đoạn điều trị tấn công.
  • Hóa trị củng cố: một khi hóa trị tấn công trước đó đã đạt được sự thoái lui của bệnh, hóa trị củng cố nhằm duy trì kết quả đó.
  • Hóa trị duy trì: thường dùng với liều thấp hơn nhằm kéo dài thời gian lui bệnh.
  • Hóa trị triệu chứng: là phương pháp áp dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhằm làm giảm nhẹ triệu chứng, giúp bệnh nhân giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh.

Các loại thuốc được sử dụng trong truyền hóa chất

Các hóa chất lý tưởng chỉ tập trung vào tiêu diệt tế bào ung thư. Hiện nay, chỉ có một vài loại thuốc có tác dụng như vậy. Mỗi loại thuốc được dùng đều có những cơ chế tác dụng và tác dụng phụ khác nhau. Các nhóm thuốc dùng trong truyền hóa chất được phân chia theo cơ chế tác dụng như sau:

Các thuốc gây độc tế bào

Hóa trị truyền thống dựa trên cơ chế gây độc tế bào, làm tổn thương ADN, tiêu diệt cả tế bào lành và tế bào ung thư. Các chất ức chế chuyển hóa như 5-fluorouracil, methotrexate, tác dụng đặc hiệu lên chu kì tế bào và không có mối liên quan tuyến tính với mức độ đáp ứng- liều. Các loại thuốc hóa trị khác (các chất liên kết chéo ADN, còn được gọi là các chất alkyl hóa) có mối quan hệ đáp ứng – liều tuyến tính, tiêu diệt nhiều tế bào u  thì cũng tăng độc tính đối với cơ thể. Khi dùng liều cao nhất, các chất alkyl hóa có thể gây ra ức chế tủy xương, cần phải cấy ghép tủy xương / tế bào gốc để khôi phục chức năng tủy xương.

Đơn hóa trị có thể có hiệu quả với 1 số ung thư nhất định (như ung thư nguyên bào nuôi, bệnh bạch cầu tế bào tóc). Các phác đồ đa hóa trị liệu, với cơ chế tác động và độc tính khác nhau giúp tăng khả năng diệt tế bào u, giảm độc tính nhờ vào việc giảm liều và giảm khả năng kháng thuốc. Các phác đồ này điều trị hiệu quả đối với bệnh bạch cầu cấp, ung thư tinh hoàn, u lymphô Hodgkin, u lympho không Hodgkin và ít hiệu quả hơn với các khối u đặc như ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư vòm mũi họng. Phác đồ đa hóa trị liệu thường phối hợp các hóa chất nhất định với nhau, điều trị lặp lại theo chu kỳ. Khoảng cách giữa các chu kỳ là khoảng thời gian ngắn nhất cho phép các mô lành hồi phục. Truyền liên tục có thể giúp tăng khả năng diệt tế bào với các thuốc đặc hiệu với chu kỳ tế bào (5-fluorouracil).

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân, cần cân nhắc giữa hiệu quả và độc tính. Cần phải đánh giá chức năng của các cơ quan trước khi dùng các thuốc hóa trị liệu có độc tính đối với cơ quan đó (ví dụ siêu âm tim trước khi sử dụng doxorubicin). Cần giảm liều lượng hoặc loại bỏ một số thuốc nhất định ở những bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính (bleomycin), suy thận (methotrexate), hoặc rối loạn chức năng gan (như taxan).

Mặc dù có các biện pháp phòng ngừa, các tác dụng phụ vẫn thường gặp khi dùng các thuốc gây độc tế bào. Các mô lành thường bị ảnh hưởng nhất là những mô có mức độ phân bào cao nhất như: tủy xương, nang lông, biểu mô đường tiêu hóa.

Chẩn đoán hình ảnh (như chụp CT, MRI, PET) thường được làm sau 2 đến 3 đợt điều trị nhằm đánh giá đáp ứng điều trị. Quyết định tiếp tục điều trị nếu có đáp ứng tốt. Nếu ung thư vẫn tiếp tục tiến triển hoặc không cải thiện, phải đổi phác đồ hoặc ngừng điều trị. Nếu tình trạng bệnh vẫn ổn định khi điều trị và bệnh nhân có thể chịu được điều trị, thì quyết định tiếp tục điều trị và tiên lượng tiến triển của bệnh.

Điều trị nội tiết

Liệu pháp nội tiết sử dụng các chất chủ vận hormon hoặc thuốc đối kháng để tác động đến sự phát triển của khối u. Có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp nội tiết đáp ứng cực kỳ tốt trong ung thư tuyến tiền liệt, với các tế bào u đáp ứng phát triển với androgen. Các loại ung thư có thụ thể hormon trên tế bào của chúng (ví dụ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung) thường có thể điều trị giảm nhẹ bằng phương pháp điều trị đối kháng hormon hoặc cắt bỏ tuyến nội tiết. Các tác nhân có tính chất của hormon có thể điều trị bằng cách ức chế sự bài tiết các hormon tuyến yên (hormon hoàng thể hoá: LH), chặn thụ thể androgen (bicalutamide, enzalutamide) hoặc estrogen (tamoxifen), ức chế sự chuyển hóa androgens thành estrogen bởi aromatase (letrozole) hoặc ức chế sự tổng hợp androgens tại tuyến thượng thận (abiraterone). Tất cả các chất chặn hormon này gây ra các tác dụng phụ liên quan đến sự thiếu hụt hormon như bốc hỏa và các chất đối kháng androgen cũng gây ra rối loạn chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường và bệnh tim.

Dùng prednisone, glucocorticosteroid cũng được xem là liệu pháp hormon. Thường được sử dụng để điều trị các khối u có nguồn gốc từ hệ thống miễn dịch (u lympho, bệnh bạch cầu dòng lympho, đa u tủy xương).

Điều hòa đáp ứng sinh học

Interferon có bản chất là protein được tổng hợp bởi các tế bào của hệ miễn dịch như một phản ứng bảo vệ miễn dịch sinh lý  của cơ thể đối với các kháng nguyên ngoại lai (virut, vi khuẩn, các tế bào lạ khác). Chất này có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu tế bào tóc, bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, ung thư hắc tố tiến triển tại chỗ, ung thư tế bào thận di căn. Tác dụng phụ có thể gặp của interferon bao gồm mệt mỏi, trầm cảm, buồn nôn, giảm bạch cầu, sốt rét run và đau cơ.

Các Interleukin nhất là lymphokine IL-2 được tạo ra bởi các tế bào lympho T hoạt hóa có thể được sử dụng trong điều trị ung thư hắc tố di căn và có thể có hiệu quả tốt trong ung thư tế bào thận.

Ipilimimab là chất kích thích đáp ứng tự miễn, kích hoạt đáp ứng ức chế khối u như ung thư hắc tố và một số loại u khác.

Các thuốc gây biệt hóa

Các thuốc này có tác dụng gây biệt hóa các tế bào u. Tất cả các thuốc chứa acid retinoic dạng trans có hiệu quả cao trong điều trị bệnh bạch cầu cấp tế bào tiền thân dòng tủy. Các thuốc khác trong nhóm này gồm các hợp chất asen và các thuốc giảm methyl hóa như azacytidine và deoxyazacytidine. Khi sử dụng đơn lẻ, các thuốc này chỉ có tác dụng điều trị tạm thời, nhưng vai trò của chúng trong phòng ngừa và kết hợp với thuốc gây độc tế bào là vô cùng hữu hiệu.

Thuốc ức chế tăng sinh mạch.

Các khối u đặc tiết ra các yếu tố tăng trưởng hình thành các mạch máu mới để nuôi dưỡng, tạo điều kiện phát triển khối u. Một số loại thuốc có tác dụng ức chế quá trình này đã được sử dụng trên lâm sàng. Thalidomide là thuốc ức chế tăng sinh mạch, đây chỉ là một trong nhiều tác dụng của nó mang lại. Bevacizumab là một kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (VEGF) có hiệu quả chống lại ung thư thận và ung thư đại tràng. Các chất ức chế thụ thể VEGF như sorafenib và sunitinib cũng có tác dụng trong điều trị ung thư thận, ung thư tế bào gan và các khối u khác.

Chất ức chế dẫn truyền tín hiệu

Nhiều tế bào u biểu mô có đột biến kích hoạt các con đường dẫn truyền tín hiệu dẫn đến tăng sinh liên tục và không biệt hóa tạo khối u. Những con đường đột biến này bắt nguồn từ việc kích hoạt các thụ thể yếu tố phát triển trên bề mặt tế bào truyền tín hiệu đến thụ thể yếu tố phát triển và các protein sau đó truyền tới nhân tế bào. Ba loại thuốc tiêu biểu của nhóm này là imatinib (chất ức chế BCR-ABL tyrosine kinase trong bệnh bạch cầu mạn dòng tủy) và erlotinib, gefitinib (chất ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) đang được sử dụng thường quy trên lâm sàng. Các chất ức chế khác có cơ chế tác dụng theo nhóm này đang được nghiên cứu.

Kháng thể đơn dòng

Các kháng thể đơn dòng kháng trực tiếp các kháng nguyên đặc hiệu khối u nhằm chống lại mô ung thư. Trastuzumab, một kháng thể kháng protein HER-2 hoặc ErbB-2, khi kết hợp cùng với hóa trị liệu đã mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư vú di căn có bộc lộ HER-2. Các kháng thể chống lại các kháng nguyên CD được bộc lộ trên các tế bào ung thư, như CD20 và CD33 được dùng để điều trị các bệnh nhân u lympho không Hodgkin (rituximab, kháng thể kháng CD20) và bạch cầu cấp dòng tủy.

Hiệu quả của các kháng thể đơn dòng có thể tăng lên khi gắn chúng với hạt nhân phóng xạ. Loại thuốc có tác dụng như vậy được sử dụng để điều trị u lympho không Hodgkin.

Vắc xin ung thư

Vắc xin ung thư được đưa vào cơ thể để kích hoạt hoặc tăng cường đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tế bào ung thư. Phương pháp này đã được nghiên cứu rộng rãi nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Gần đây, sipuleucel-T, một liệu pháp miễn dịch bắt nguồn từ tế bào tua tự thân đã làm kéo dài thời gian sống đáng kể ở những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn.

Một phương pháp mới đang được nghiên cứu là biến đổi tế bào T của bệnh nhân để nhận diện kháng nguyên liên quan đến khối u (CD19) giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại khối u đó. Các báo cáo thử nghiệm ban đầu cho thấy có sự cải thiện ở những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho và một vài thể bạch cầu cấp đã kháng hóa trị.

Phương pháp truyền hóa chất, quy trình truyền theo đường tĩnh mạch

Đến nay, có hơn 100 loại thuốc hóa trị ung thư được phân thành nhiều nhóm khác nhau dựa trên cơ chế tác dụng hoặc cấu trúc hóa học của thuốc. Tùy thuộc vào từng loại ung thư, tình trạng bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định cách thức sử dụng các loại thuốc này cho phù hợp.

Phương pháp truyền hóa chất, quy trình truyền theo đường tĩnh mạch
Phương pháp truyền hóa chất, quy trình truyền theo đường tĩnh mạch

Chuẩn bị bệnh nhân

  • Giải thích cho người bệnh và người nhà về tình trạng bệnh và hiệu quả mang lại khi điều trị hóa chất đường tĩnh mạch, giải thích rõ những tác dụng phụ có thể gặp phải (cần hết sức thận trọng, tránh gây ra suy sụp tinh thần ở người bệnh)
  • Làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và các xét nghiệm đánh giá chức năng tim, gan, thận: điện tim, siêu âm tim (nếu cần), ure, creatinin, acid uric, men gan, bilirubin,…
  • Đo chiều cao, cân nặng, tính diện tích da cơ thể của người bệnh
  • Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hoặc đường truyền dưới da

Chuẩn bị thuốc, hóa chất

Thuốc hóa chất sẽ được pha trong dung dịch natri clorua 0.9% hoặc dung dịch glucose 5% (tùy theo đặc tính của từng loại thuốc hóa chất). Chuẩn bị thuốc hóa chất trước khi truyền được thực hiện tại khoa Dược lâm sàng, trong các buồng an toàn sinh học.

Khoa Dược lâm sàng sẽ chuyển dung dịch hóa chất đã pha đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ điều trị đến khoa lâm sàng.

Các bước tiến hành

  1. Điều dưỡng lâm sàng sau khi nhận thuốc hóa chất đã pha, kiểm tra lại các thông tin dán trên nhãn chai thuốc, bao gồm: các thông tin hành chính về người bệnh (họ tên, tuổi, giới, năm sinh, số giường bệnh), tên loại thuốc hóa chất, hàm lượng thuốc được pha trong chai, thời điểm pha thuốc, đối chiếu với y lệnh đã ghi trong bệnh án.
  2. Đo các chỉ số sinh tồn của người bệnh trước khi truyền thuốc hóa chất.
  3. Thiết lập đường truyền tĩnh mạch cho người bệnh với dung dịch natri clorua 0.9%, nên sử dụng dây truyền đếm giọt. Trong trường hợp không thể đặt catheter tĩnh mạch trung tâm thì đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi nhưng phải đảm bảo kim nằm trong lòng mạch, tránh lấy các tĩnh mạch nhỏ dễ vỡ làm cho thuốc hóa chất tràn ra ngoài mạch làm viêm mô mềm xung quanh.
  4. Thay chai dung dịch natri clorua 0.9% bằng chai dung dịch hóa chất đã được chuẩn bị sẵn, điều chỉnh tốc độ truyền theo y lệnh ghi trong bệnh án. Một số thuốc cần phải được truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ hoặc tốc độ truyền tăng dần theo thời gian.
  5. Theo dõi người bệnh 24/24 trong suốt quá trình truyền thuốc hóa chất đường tĩnh mạch. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra ngay khi truyền như: phản ứng phản vệ, dị ứng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt.
  6. Ngừng truyền thuốc hóa chất ngay nếu có bất kỳ một phản ứng bất thường nào xảy ra, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch natri clorua và báo ngay cho bác sĩ điều trị để kịp thời xử trí.

Truyền hóa chất gây ra những tác dụng phụ gì?

Trước khi bắt đầu điều trị, hầu hết bệnh nhân và gia đình đều quan tâm và lo lắng đến các tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào điều trị cũng đều có tác dụng phụ giống nhau, mức độ biểu hiện cũng khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng, đường dùng và cũng tùy thuộc vào từng cơ thể người bệnh.

Các tác dụng phụ thường gặp của hóa trị như:

  • Nôn và buồn nôn;

Đây là triệu chứng hầu hết các bệnh nhân điều trị đều gặp phải. khi có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, bệnh nhân nên ăn ít hơn trong ngày, chia nhỏ các bữa ăn hoặc ăn một số đồ ăn nhẹ đơn giản khi cảm thấy đói. Nếu buồn nôn nhiều, không thể tự khắc phục được thì nên báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn sử dụng thuốc chống nôn hiệu quả.

  • Mệt mỏi, chán ăn;

Mệt mỏi có thể kéo dài một thời gian dài và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Các triệu chứng thường gặp là : Cảm thấy cơ thể không có năng lượng, ngủ nhiều, không muốn hoặc không có khả năng làm các hoạt động bình thường, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ, khó suy nghĩ hoặc tập trung làm bất cứ việc gì, khó khăn khi tìm kiếm từ diễn đạt suy nghĩ và nói… Để giảm thiểu tình trạng mệt mỏi bệnh nhân có thể thử các hoạt động thư giãn, chẳng hạn như đi bộ, nghe nhạc, đọc sách hoặc đi chơi với bạn bè, gia đình.Và ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi, cố gắng tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện hơn là nằm cả ngày trên giường bệnh.

  • Rối loạn tiêu hóa: táo bón hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày
  • Tê đầu ngón tay, ngón chân
  • Rụng tóc; Xám da;

Truyền hóa chất có bị rụng tóc không?

Rụng tóc là tác dụng phụ mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi hóa trị là rụng tóc, điều này gây mặc cảm cho người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Dùng tóc giả là một biện pháp thay thế có thể giúp người bệnh tự tin hơn, đỡ mặc cảm hơn khi ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, cần lựa chọn tóc giả có chất lượng tốt cũng như thường xuyên vệ sinh đúng cách tóc giả và da đầu, không đội tóc giả quá lâu, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng tiết nhiều mồ hôi. Nếu sau đội tóc giả da đầu có các dấu hiệu như viêm, sẩn, ngứa phải báo ngay cho bác sĩ để được điều trị đúng cách.

  • Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ;
  • Sốt nhẹ;
  • Thay đổi các chỉ số xét nghiệm máu, chức năng gan, thận…;
  • Chảy máu (niêm mạc, tiêu hóa).

Các tác dụng phụ trên thường chỉ kéo dài trong vài ngày điều trị, sau đó sẽ giảm dần và hết hẳn khi bệnh nhân kết thúc điều trị.

Những lưu ý khi truyền hóa chất

Ăn gì khi truyền hóa chất?

Ngoài việc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, bạn nên xây dựng chế độ ăn hợp lý:

  • Ăn uống đủ chất, không ăn kiêng, ăn chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày để khắc phục tình trạng nôn;
  • Ăn nhiều hoa quả; Uống nhiều nước (khoảng 1,5 – 2 lít/ ngày), có thể dùng nước ép hoa quả, sữa kèm theo…;

Xây dựng chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp:

  • Hạn chế lao động nặng;
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng;
  • Vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân tốt.

Bạn không nên:

  • Uống rượu, bia;
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng các chất kích thích;
  • Ăn kiêng thái quá;
  • Tự ý dùng thuốc không hỏi ý kiến của bác sĩ.

Truyền hóa chất sống được bao lâu?

Bệnh nhân truyền hóa chất sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

– Tình trạng sức khỏe của người bệnh.

– Khả năng tiếp nhận thuốc của cơ thể bệnh nhân.

– Sự phát triển của các tế bào ung thư.

– Giai đoạn phát hiện bệnh.

– Loại ung thư mắc phải.

Khi truyền hóa chất, một số cơ quan sẽ bị tổn thương, làm cơ thể bị suy yếu và không đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị, do đó phải bỏ dở phác đồ điều trị bệnh và ra đi mãi mãi.

Tuy nhiên, cũng có các trường hợp bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, từ đó hoàn thành xong phác đồ điều trị, nên có thể sống thêm được 5 năm, 10 năm hay vài chục năm.

Truyền hóa chất có sinh con được không?

Đối với phụ nữ điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị thì sau 5 năm khỏi ung thư, phụ nữ vẫn có thể mang thai vì lúc đó sức khỏe người mẹ đã ổn định và đặc biệt thuốc điều trị ung thư hết tác dụng, không còn ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý,  trong thời gian điều trị và sau điều trị trong vòng 5 năm, nên sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả cao,vì nếu lỡ có thai khi đang điều trị ung thư hoặc khi hóa chất chưa đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể thì việc mang thai sẽ không tốt, thường gây ra các dị tật bất thường về thai, và ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Truyền hóa chất.  Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.

0929620660 0985226318 Zalo Facebook