Những điều cần biết về bệnh cuồng động nhĩ

Cuồng động nhĩ là rối loạn nhịp nhanh trên thất thường gặp. Tỉ lệ cuồng động nhĩ ở nam giới nhiều hơn nữ giới 2,5 lần và phổ biến hơn ở bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh thường diễn biến tự nhiên từ không triệu chứng đến suy giảm huyết động, thậm chí có thể đột tử.

1. Bệnh cuồng nhĩ là gì?

Cuồng nhĩ hay còn gọi là cuồng động nhĩ, là rối loạn nhịp nhĩ nhanh do vòng vào lại lớn tại tâm nhĩ, sự khử cực nhanh trong tâm nhĩ có thể cùng chiều hay ngược chiều kim đồng hồ, tần số nhanh có thể lên đến 300 lần/phút. Cuồng động nhĩ là một rối loạn tim khá hay gặp, thường không tồn tại lâu dài vì cuồng động nhĩ thường có xu hướng chuyển về nhịp xoang hoặc chuyển sang tình trạng rung nhĩ.

Trên lâm sàng, cuồng nhĩ thường gặp ít hơn so với rung nhĩ, tuy nhiên bệnh lý này cũng có nguyên nhân và hậu quả ảnh hưởng huyết động tương tự rung nhĩ. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh cuồng nhĩ cũng có những thời điểm xảy ra rung nhĩ.

Xác suất xảy ra biến cố huyết khối tắc mạch trong chứng cuồng động nhĩ thường chỉ bằng 1/2 so với trong rung nhĩ (trừ trường hợp xảy ra đồng thời rung nhĩ ở người bệnh cuồng nhĩ). Thêm vào đó, cơ chế của chứng rung nhĩ là do các vòng vào lại nhỏ tại tâm nhĩ, trong khi đó cơ chế của bệnh cuồng nhĩ là do vòng vào lại lớn tại tâm nhĩ, từ đó dẫn đến biên độ sóng F trong cuồng nhĩ sẽ to hơn so với biên độ sóng F trong rung nhĩ trên điện tâm đồ.

2. Dấu hiệu cuồng nhĩ điển hình

Biểu hiện của bệnh cuồng nhĩ còn tùy thuộc vào tần số đáp ứng thất và bệnh tim nền dẫn đến cuồng nhĩ ở từng bệnh nhân cụ thể. Nếu tần số thất < 120 lần/phút và đều đặn, người bệnh cuồng nhĩ y có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy các dấu hiệu mơ hồ. Hầu hết bệnh nhân cuồng động nhĩ sẽ cảm nhận cơn đánh trống ngực khi tần số đáp ứng thất của người bệnh nhanh hơn 120 lần/phút và không đều.

Ngoài ra, bệnh cuồng nhĩ còn có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến giảm cung lượng tim như:

Hồi hộp;

Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức;

Khó thở nhẹ;

Cảm giác như sắp ngất;

Giảm cung lượng tim nặng sẽ gây khó thở nhiều hơn, đau ngực, ngất.

cuồng động nhĩ

Khó thở nhẹ là biểu hiện của bệnh cuồng nhĩ

3. Chẩn đoán bệnh cuồng nhĩ như thế nào?

Trên điện tâm đồ hình ảnh cuồng nhĩ điển hình sẽ thấy sóng hoạt hóa nhĩ đều đặn và liên tục, hình dạng răng cưa được nhìn rõ nhất ở DII, DIII và aVF;

Nghiệm pháp xoa xoang cảnh: Làm tăng mức block nhĩ thất, giúp bộc lộ rõ sóng cuồng nhĩ, nếu sử dụng thêm thuốc làm ức chế dẫn truyền qua nút nhĩ thất (Adenosine) để làm chậm tần số đáp ứng thất.

Lúc này sẽ lộ rõ sóng cuồng nhĩ. Lưu ý phương pháp này không có tác dụng cắt cơn cuồng nhĩ.

4. Cuồng nhĩ điều trị như thế nào?

Điều trị tổng quát bệnh cuồng nhĩ giống với rung nhĩ theo các nguyên tắc:

Chuyển nhịp về nhịp xoang;

Duy trì nhịp xoang;

Kiểm soát tần số thất trong cơn cuồng nhĩ;

Dự phòng thuyên tắc huyết khối, đặc biệt ở những bệnh nhân có kèm rung nhĩ.

Kiểm soát tần số thất ở cuồng nhĩ thường khó khăn hơn trong rung nhĩ. Do đó, phần lớn bệnh nhân mới xuất hiện cơn cuồng động nhĩ lần đầu và dẫn truyền nhĩ thất 1:1 dai dẳng hoặc ở bệnh nhân có rối loạn huyết động thì lựa chọn hàng đầu là chuyển nhịp bằng phương pháp sốc điện đồng bộ hoặc phương pháp tạo nhịp vượt tần số. Thông thường chỉ cần thực hiện phương pháp sốc điện chuyển nhịp với mức năng lượng thấp (khoảng 50J) là đã cho hiệu quả. Trước khi thực hiện chuyển nhịp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thuốc chống đông máu tương tự như trong rung nhĩ.

Nếu chỉ chuyển nhịp bằng thuốc, cần kiểm soát tần số thất bằng các loại thuốc như thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi thuộc phân loại Nondihydropyridine (Verapamil, Diltiazem) trước khi bắt đầu cho thuốc chuyển nhịp. Có rất nhiều thuốc chống loạn nhịp sử dụng để chuyển về nhịp xoang (đặc biệt là IA và IC) làm chậm tần số khử cực nhĩ, rút ngắn thời kỳ trơ của nút nhĩ thất (hiệu ứng cường phế vị) hoặc xảy ra cả hai tác dụng trên dẫn đến tình trạng đổi cơn cuồng nhĩ có khử cực nhĩ rất nhanh với mức block nhĩ thất cao biến thành cơn cuồng nhĩ có khử cực nhĩ chậm hơn một ít nhưng có mức block 1:1, điều này làm tăng đáp ứng thất và có thể gây ra các rối loạn huyết động. Các loại thuốc này còn có thể sử dụng lâu dài để dự phòng tái phát cơn cuồng nhĩ.

Phương pháp tạo nhịp vượt tần số chống nhịp nhanh bằng cách sử dụng máy tạo nhịp tim có thể thay thế cho phương pháp điều trị bằng cách sử dụng thuốc chống loạn nhịp kéo dài.

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định thủ thuật triệt đốt cuồng nhĩ để cắt đứt vị trí trọng yếu của vòng vào lại điện học trong cuồng nhĩ, giúp ngăn chặn tái phát cuồng nhĩ đặc biệt là cuồng nhĩ điển hình.

Bệnh nhân mắc cuồng nhĩ mạn tính hoặc cuồng nhĩ tái phát nhiều lần được chỉ định sử dụng thuốc chống đông đường uống (warfarin với mục tiêu INR đạt từ 2-3, thuốc ức chế thrombin trực tiếp hoặc sử dụng các thuốc ức chế yếu tố Xa) với cách thức lựa chọn thuốc tương tự như trong điều trị rung nhĩ.

Cuồng động nhĩ là rối loạn nhịp nhanh trên thất thường gặp. Bệnh thường diễn biến tự nhiên từ không triệu chứng đến suy giảm huyết động, thậm chí có thể đột tử. Vì thế, khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị khi cần thiết.

Khám tim mạch

Khi có dấu hiệu bệnh cuồng nhĩ, người bệnh nên được thăm khám sớm

Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn

0929620660 0985226318 Zalo Facebook