Huyết áp cao: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Huyết áp cao là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm không có triệu chứng. Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Bệnh huyết áp cao. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch nhằm mục đích đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.

Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất từ 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất vào 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, stress, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống.

Khi bị lạnh sẽ gây co mạch, dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc tăng co bóp cơ tim, ăn mặn sẽ làm huyết áp tăng lên. Khi bị nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.

Huyết áp được biểu hiện qua 2 chỉ số:

  • Huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu): bình thường từ 90 đến 139 mmHg
  • Huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương): bình thường từ 60 đến 89 mmHg.

Huyết áp cao là gì?

  • Huyết áp bình thường: Đối với người trưởng thành, khi huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg được gọi là huyết áp bình thường.
  • Huyết áp cao: Khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg được gọi là huyết áp cao.
  • Tiền cao huyết áp: chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120-139 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg).

Để kết luận một người bị tăng huyết áp hay không, cần căn cứ vào trị số huyết áp của nhiều thời điểm khác nhau. Do đó cần phải đo huyết áp thường xuyên, nhiều lần trong ngày, theo dõi trong nhiều ngày. Đo huyết áp cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau tối thiểu 1 phút ở tư thế đứng.

Huyết áp cao là gì?
Huyết áp cao là gì?

Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến huyết áp là yếu tố bên trong cơ thể và yếu tố bên ngoài cơ thể.

Yếu tố bên trong cơ thể

  • Sức co bóp của tim: Là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến huyết áp. Tim đập nhanh hay chậm đều tác động trực tiếp đến huyết áp. Nếu tim đập càng nhanh và mạnh sẽ tạo áp lực máu đến thành động mạnh càng lớn, từ đó huyết áp sẽ tăng cao và ngược lại.
  • Sức cản của động mạch: động mạch co giãn tốt, máu sẽ lưu thông dễ dàng hơn, giúp huyết áp ổn định hơn. Nếu thành mạch đàn hồi kém hoặc bị xơ vữa động mạch thì lượng máu sẽ lưu thông kém hơn. Sức cản của động mạch càng lớn thì nguy cơ cao huyết áp càng tăng.
  • Lượng máu: lượng máu trong cơ thể tăng, áp lực máu trong động mạch tăng làm cho huyết áp tăng

Yếu tố bên ngoài cơ thể

  • Tư thế ngồi: tư thế ngồi hoặc đứng làm thay đổi chỉ số huyết áp trung bình của cơ thể. Đây là một yếu tố ít ai để ý và thường xuyên mắc phải. Ngồi sai tư thế sẽ làm lượng máu lưu thông khó khăn và dẫn đến huyết áp đo được không chính xác.
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt: thói quen ăn uống hằng ngày không chỉ ảnh hưởng đến huyết áp mà còn ảnh hưởng đến nhiều bệnh lý khác. Ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng nguy cơ xơ cứng thành mạch, gây tăng huyết áp.
  • Sinh hoạt không điều độ, làm việc căng thẳng, thường xuyên thức khuya, ít tập thể dục… là những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp, làm huyết áp không ổn định.

Phân độ huyết áp cao

Dựa vào trị số huyết áp có được sau khi đo huyết áp đúng quy trình, huyết áp được phân độ như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120 – 129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80 – 84 mmHg.
  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và huyết áp tối thiểu < 90 mmHg.

Trường hợp huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng chung phân độ thì ưu tiên chọn mức cao hơn để xếp loại. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng được phân độ theo chỉ số huyết áp tâm thu

Tại sao huyết áp cao?

Một số nguyên nhân khiến bạn bị cao huyết áp như:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ bị cao huyết áp càng tăng, tình trạng này khá phổ biến ở những người cao tuổi
  • Thừa cân, béo phì: thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng cao huyết áp.
  • Uống rượu bia nhiều: Thói quen này gây ra rất nhiều tác hại cho sức khỏe, trong đó có cao huyết áp.
  • Căng thẳng: căng thẳng thường xuyên cũng là tác nhân gây cao huyết áp.
  • Ăn mặn: Quá nhiều muối trong thức ăn sẽ làm cho tình trạng cao huyết áp trầm trọng hơn..
  • Lười tập thể dục: Những người ít vận động dễ bị béo phì, gia tăng nguy cơ cao huyết áp.
  • Thuốc tránh thai: Một số nghiên cứu cho thấy, việc dùng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm gia tăng tình trạng cao huyết áp của bạn.

Triệu chứng huyết áp cao?

Các triệu chứng của tình trạng huyết áp cao rất phức tạp và biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thể trạng từng người. Những triệu chứng có thể nặng nhẹ khác nhau, những tác động gây ra những phản ứng khác nhau đối với từng bệnh nhân.

Các triệu chứng huyết áp cao thường gặp như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt. Các triệu chứng nặng nề hơn như: đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng,…

Triệu chứng huyết áp cao
Triệu chứng huyết áp cao

Nhịp tim không đều

Nhịp tim không đều, hay là đánh trống ngực, là cảm giác tim đang đập nhanh hơn bình thường. Nhịp tim không đều phổ biến hơn khi huyết áp cao hơn 140/90mmHg vì tim phải làm việc nhiều hơn và nhanh hơn để đẩy máu vào mạch máu và duy trì việc cung cấp máu bình thường cho toàn bộ mô cơ thể.

Vấn đề về thị lực

Vấn đề về thị lực xảy ra do huyết áp cao mãn tính gây tổn thương các mạch máu nhỏ mang máu đến nuôi các bộ phận khác nhau của mắt.

Một trong những vấn đề chính là tổn thương gây ra ở võng mạc. Bệnh lý võng mạc có thể rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị mất thị lực hoàn toàn.

Ngoài ra, tăng huyết áp cũng có thể gây ra bệnh thần kinh thị giác do tổn thương dây thần kinh thị giác.

Nhức đầu

Khi huyết áp tăng cao sẽ làm tăng áp lực bên trong sọ não và gây ra cơn đau đầu dữ dội. Đau đầu do cao huyết áp khác với đau nửa đầu hoặc đau đầu khác và nó không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.

Đau ngực

Người bị tăng huyết áp mãn tính có thể bị đau ngực nhẹ tương tự như đánh trống ngực, đây là một triệu chứng không thể bỏ qua vì nó cho thấy được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, có thể xuất hiện triệu chứng ra mồ hôi, khó thở và buồn nôn.

Chóng mặt

Chóng mặt có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cao huyết áp nhưng không nên bỏ qua triệu chứng này, đặc biệt là nếu khởi phát đột ngột. Chóng mặt đột ngột, cơ thể mất thăng bằng, việc đi lại khó khăn là những dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ.

Đỏ mặt

Đỏ bừng mặt xảy ra khi các mạch máu ở mặt giãn ra. Đỏ bừng mặt có thể xảy ra khi căng thẳng cảm xúc, tiếp xúc với nhiệt hoặc nước nóng, uống rượu và tập thể dục – tất cả những điều này đều có thể là tác nhân làm tăng huyết áp tạm thời.

Việc nhận biết các triệu chứng huyết áp cao cần phải nghĩ đến các nguyên nhân gây huyết áp cao, nguyên nhân vận động hay nguyên nhân do bệnh lý. Tuổi cao có nguy cơ bị huyết áp cao hơn người trẻ, nguy cơ này cũng cao hơn ở nam so với nữ. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác tình trạng tăng huyết áp, người bệnh cần được thăm khám và theo dõi một cách kỹ lưỡng và liên tục.

Huyết áp cao dẫn đến hậu quả gì?

Hậu quả mà cao huyết áp gây ra sẽ càng nặng và nguy hiểm theo thời gian nếu không kịp chữa trị. Những hậu quả của huyết áp cao như:

Huyết áp cao dễ gây đột quỵ 

Đột quỵ là một trong những hậu quả nguy hiểm hàng đầu mà bệnh cao huyết áp gây ra. Cơn đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào não bộ không nhận được đủ máu và oxy cần thiết để duy trì chức năng. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tử vong hoặc gây giảm thị lực, giảm trí nhớ, liệt nửa người và rối loạn về ngôn ngữ,…

Đột quy do tăng huyết áp gây ra chủ yếu do 2 nguyên nhân chính là:

+ Xuất huyết (chiếm tỷ lệ 13%): Áp lực máu cao tác động lên thành mạch gây vỡ mạch máu não làm máu chảy vào các mô sâu trong não hoặc không gian giữa não và hộp sọ gây chết một phần não bộ.

+ Thiếu máu cục bộ (chiếm 87%): Do mảng xơ vữa trong mạch máu phát triển dày lên theo thời gian, nứt vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch não.

Cao huyết áp dẫn tới suy tim 

Tim cần hoạt động với tần suất cao hơn để chống lại áp lực cao trong lòng mạch do tăng huyết áp khiến cho thất trái dày hơn. Từ đó khiến cho việc bơm máu khó khăn và về lâu dài dẫn đến suy tim. Các triệu chứng dễ nhận biết khi bị suy tim đó là: khó thở, ho khan, phù nề chân tay…

Tổn thương các động mạch

Huyết áp cao làm tăng áp lực lên thành của động mạch khiến thành mạch bị tổn thương và để lại các mô sẹo. Đây là nơi mà cholesterol, canxi và các chất khác bám vào hình thành nên các mảng xơ vữa khiến cho mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng và hẹp lại.

Mảng xơ vữa do cao huyết áp gây ra là căn nguyên của các bệnh khác như:

+  Bệnh động mạch ngoại biên: Gặp khi bị ắc nghẽn tại các động mạch ngoại vi làm biến đổi màu da, gây đau, tê bì, chuột rút, đi lại nặng nề và nặng nề hơn có thể gây hoại tử.

+ Bệnh mạch vành: Mảng xơ vữa cũng gây tắc nghẽn mạch vành, làm giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng cơ tim và gây ra cơn đau thắt ngực, nếu tắc nghẽn kéo dài có thể gây hoại tử một vùng cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim và cần được cấp cứu khẩn cấp.

Suy thận do cao huyết áp 

Suy thận cũng là một trong những biến chứng mà tình trạng tăng huyết áp gây ra. Do bị thu hẹp các mạch máu nuôi dưỡng cho thận gây ảnh hưởng tới chức năng lọc máu để điều chỉnh cân bằng muối nước trong cơ thể, dẫn tới suy thận.

Thận là cơ quan điều chỉnh huyết áp nhờ khả năng sản xuất hormon renin giúp cơ thể điều hòa huyết áp. Nếu việc tăng huyết áp kéo dài sẽ làm cho thận giảm khả năng thực hiện chức năng này gây khó khăn cho việc điều trị.

Giảm thị lực 

Huyết áp cao làm tăng áp lực mạch máu nuôi dưỡng các dây thần kinh thị giác và mắt khiến chúng dễ bị vỡ gây xuất huyết và làm giảm thị lực của người bệnh, biểu hiện các triệu chứng như nhìn mờ, trường hợp nặng có thể dẫn tới mù lòa.

Rối loạn chức năng sinh dục 

– Ở nữ giới: Huyết áp cao làm giảm lưu lượng máu tới cơ quan sinh dục, có thể gây khô âm đạo dẫn tới việc làm giảm ham muốn tình dục.

– Ở nam giới: Sự bơm máu vào các mạch máu trong thể hang là cơ chế duy trì khả năng cương dương. Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thể hang, làm rối loạn chức năng cương dương.

Ảnh hưởng đến tư duy và trí nhớ 

Tắc mạch máu và hẹp mạch máu làm cho việc nuôi dưỡng não bộ bị ảnh hưởng, dẫn tới việc khó tập trung và ảnh hưởng đến chức năng của não bộ, trí nhớ, khó tập trung vào học tập và làm việc làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống hằng ngày.

Xử lý huyết áp cao tại nhà

Cách phòng ngừa cao huyết áp
Cách phòng ngừa cao huyết áp

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị tăng huyết áp đột ngột, người bệnh hoặc những người xung quanh cần xử trí theo các bước sau đây:

B1: Nằm hoặc ngồi yên tại chỗ, hít thở sâu và thả lỏng cơ thể

Chọn nơi thoáng khí để nghỉ ngơi, tránh đông người, cởi bỏ nón mũ và nới lỏng quần áo. Khi nằm, kê đầu cao khoảng 30 độ so với mặt phẳng, để chân thấp hơn đầu tránh tình trạng máu dồn lên não, làm tăng áp lực lên mạch máu não. Nếu thấy khó thở thì kê gối ở sau lưng. Tuyệt đối không đứng dậy đi lại tránh bị choáng ngất.

Khi có dấu hiệu nôn mửa, nên nằm nghiêng để tránh tắc nghẽn đường hô hấp. Ngoài ra, không ăn nếu có dấu hiệu đột quỵ và cũng không uống cà phê hay nước uống có cồn.

B2: Đo huyết áp cánh tay để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tùy theo chỉ số huyết áp và triệu chứng mà người bệnh gặp phải mà có cách xử trí sẽ khác nhau.

Trường hợp 1: Nếu lần đo đầu tiên, chỉ số huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên (huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg) và không có bất kỳ triệu chứng tổn thương cơ quan đích nào (ví dụ đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu, liệt nửa người, thay đổi thị lực, khó nói, co giật, tiểu máu, nôn ói nhiều), hãy giữ bình tĩnh, nghỉ ngơi, chờ 15 phút và đo lại huyết áp.

Trong lần đo thứ 2, nếu huyết áp vẫn cao và vẫn không có bất cứ biểu hiện nào thì đây là cơn tăng huyết áp khẩn trương. Trường hợp này không cần dùng các thuốc hạ huyết áp cấp tốc như Nifedipin nhỏ giọt. Việc hạ huyết áp quá nhanh bằng Nifedipin cho những người bị tăng huyết áp khẩn trương có thể gây thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.

Tuy nhiên vẫn cần đến gặp bác sĩ để được xử trí và điều chỉnh lại các thuốc điều trị tăng huyết áp đường uống nhằm giúp huyết áp giảm từ từ về mức an toàn.

Trường hợp 2: Nếu huyết áp trong lần đo đầu tiên từ 180/120 mmHg trở lên (HATT ≥ 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 120mmHg) và kèm theo bất kỳ 1 triệu chứng bất thường nào kể trên, khả năng cao đây là cơn tăng huyết áp cấp cứu. Trường hợp này phải gọi cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc nhanh chóng tới bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, một số mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp hạ huyết áp nhanh chóng như:

  • Uống nước rau cần tây, nước râu ngô, nước rau cải hoặc các loại nước giúp lợi tiểu khác.
  • Xoa bóp ở “rãnh huyết áp”: Dùng ngón cái và ngón trỏ, cầm hai vành tai và vuốt từ trên xuống dưới tại vị trí rãnh sau tai – rãnh xiên xuống có một hõm sâu ở phía dưới. Thời gian mát xa khoảng 5-6 phút cho đến khi tai đỏ và nóng lên.
  • Bấm huyệt hai bên thái dương và làm nóng bàn chân, lặp lại các thao tác này nhiều lần. Các huyệt có thể thực hiện bao gồm: vị trí nằm giữa 2 đầu lông mày, vị trí lõm giao điểm của đuôi lông mày và đuôi khóe mắt, vị trí gấp 2 vành tai về phía trước, giao điểm của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai.

Lưu ý: tất cả các mẹo hạ áp tại nhà chỉ là phương án tạm thời. Việc quan trọng nhất trong xử lý cơn tăng huyết áp cấp cứu vẫn là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất.

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng các thuốc điều trị tăng huyết áp tác dụng nhanh, mạnh, ít tác dụng phụ qua đường truyền tĩnh mạch. Mục tiêu điều trị là đưa huyết áp tâm thu hạ xuống < 25% trong 1 giờ đầu, ổn định ở mức 160/100 mmHg trong 2 – 6 giờ tiếp theo và cẩn trọng đưa về mức bình thường sau 24 – 48 giờ.

Chế độ ăn huyết áp cao

Một chế độ ăn hợp lý, khoa học là một nhân tố quan trọng để phòng và chống tăng huyết áp hiệu quả. Ðiều chỉnh chế độ ăn và giảm cân là các biện pháp điều trị không dùng thuốc.

Huyết áp cao kiêng gì?

Giảm năng lượng cung cấp nếu có béo phì là việc làm hết sức cần thiết. Thể trọng tăng lên cũng góp phần làm huyết áp tăng, thể trọng càng tăng nhiều thì huyết áp càng tăng cao. Vì vậy cần tiết chế ăn uống, duy trì thể trọng cân đối, không nên để thừa cân.

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axít béo no, hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối (mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán và khoai tây chiên)
  • Các thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá muối, giò, chả, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, trứng cũng không tốt cho người bị tăng huyết áp. Chất béo từ động vật không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Thay vào đó nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản vừa giảm bớt các món thịt mỡ vừa cung cấp thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp.
  • Hạn chế tối thiểu việc cung cấp đường và các chế phẩm từ đường như bánh, mứt, kẹo….
  • Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể: mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 2,3 gam muối/người trưởng thành sẽ giúp giảm huyết áp xuống 2-8 mmHg. Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết đối với người bị tăng huyết áp có kèm suy tim hoặc người lớn tuổi. Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người bị tăng huyết áp cần kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm và chọn lựa đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, dùng gia vị thay thế vị mặn của muối.
  • Hạn chế các chất kích thích: bỏ rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc. Nên sử dụng các thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như: hạt sen, ngó sen…
  • Người tăng huyết áp nên tăng lượng muối kali trong thức ăn đồng thời với việc uống thuốc hạ huyết áp, không nên uống trực tiếp những thuốc bổ sung kali. Các loại rau củ quả tươi chứa nhiều kali như quýt, chuối, khoai tây, rau bí, quả bơ, cà chua, cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô,… rất tốt cho thành mạch. Tuy nhiên, người bệnh tăng huyết áp có kèm theo suy thận, phù thũng, tiểu ít thì không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa kali.
  • Thiếu canxi cũng gây ảnh hưởng đến tăng huyết áp. Mỗi ngày uống 1 ly sữa bò hoặc sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt. Các loại rau như rau cải, cần tây, mộc nhĩ, tảo… cũng chứa hàm lượng canxi lớn. Người tăng huyết áp nên ăn thực phẩm biển chứa nhiều iod như rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển… để tránh bị xơ cứng động mạch.
  • Người tăng huyết áp nên ăn nhiều rau xanh, rau củ và quả chín để cung cấp nhiều chất xơ, kali, magiê, vitamin C và vitamin A, E. Đây là những chất dinh dưỡng có tác động tốt tới huyết áp. Một bữa ăn nhiều chất xơ mang lại hiệu quả tốt trong việc dự phòng và điều trị nhiều bệnh tim mạch trong đó có tăng huyết áp. Lợi ích lớn nhất của chất xơ là các sợi xơ tạo thành gel hòa tan trong nước như chất xơ trong các loại rau.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Bệnh huyết áp cao.  Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.

0929620660 0985226318 Zalo Facebook