Chỉ số AST trong máu là gì và những điều bạn cần biết

Chỉ số AST là một loại xét nghiệm máu, đánh giá tổn thương tế bào gan. Các aminotransferase là chỉ điểm rất nhạy trong đánh giá tổn thương tế bào gan bao gồm aspartate aminotransferase (AST) và alanine aminotransferase (ALT) . AST được tìm thấy trong gan, cơ tim, cơ xương, thận, não, tụy, phổi, bạch cầu, hồng cầu, với hoạt tính theo thứ tự giảm dần

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nặng, chiếm 5% trọng lượng cơ thể trẻ em và 3% trọng lượng cơ thể người lớn. Bên cạnh đó, Gan là cơ quan đa chức năng, đảm nhận vai trò sống còn đối với cơ thể: tiêu hóa thức ăn, dự trữ chất dinh dưỡng, chuyển hóa thuốc, giải độc, tạo các yếu tố đông máu,…AST (còn gọi là SGOT) là một enzym có trong tế bào gan. Xét nghiệm AST trong máu nhằm đánh giá sức khỏe của tế bào gan, từ đó có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến gan như: viêm gan virus, viêm gan do rượu, theo dõi tác dụng phụ của thuốc,…

Chỉ số AST là gì?

AST (tên tiếng anh: Aspartate aminotransferase) còn gọi là SGOT là một loại enzym có mặt chủ yếu trong bào tương hoặc ti thể của tế bào gan. Ngoài ra, một lượng nhỏ men AST có thể tìm thấy ở tế bào cơ tim, cơ vân, não, thận và tụy,…Enzym AST xúc tác cho phản ứng chuyển nhóm amino giữa một aminoacid (aspartat) và một ceto acid (alpha-ketoglutarate) tạo thành 2 sản phẩm: aminoacid mới (glutamat) và một cetoacid mới (oxaloacetat). Phản ứng chuyển amino có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Một mặt, cetoacid mới được tạo thành (oxaloacetat) sẽ tham gia vào chu trình Crebs cung cấp năng lượng ATP cho tế bào hoạt động. Mặt khác, Glutamat được tạo thành có ý nghĩa là chất vận chuyển NH3 – một chất độc trong cơ thể đến gan để thải trừ bằng chu trình Ure.

Ở người có chức năng gan bình thường, nồng độ enzym AST thường thấp. Tuy nhiên, ở một số bệnh lý liên quan đến gan (viêm gan, xơ gan, tác dụng phụ của một số thuốc…), tế bào gan sẽ bị tổn thương giải phóng ồ ạt các loại men gan vào trong máu dẫn đến chỉ số AST trong máu tăng cao bất thường.

Chỉ số AST là gì
Chỉ số AST là gì

Chỉ số AST bình thường trong cơ thể

Nồng độ AST trong máu có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới, cụ thể như sau:

Nữ giới: từ 9 đến 32 đơn vị/lít (< 35 IU / L)

Nam giới: từ 10 đến 40 đơn vị/lít (< 50 IU/L)

Sơ sinh và trẻ em:  dưới 60 đơn vị/lít

Chỉ số AST tăng cao liên quan đến bệnh lý nào?

Chỉ số AST tăng cao và các bệnh lý về gan

Chỉ số AST tăng cao và các bệnh lý về gan
Chỉ số AST tăng cao và các bệnh lý về gan

Enzym AST có mặt chủ yếu trong bào tương hoặc ti thể của tế bào gan. Do đó, chỉ số AST trong máu tăng cao gợi ý tình trạng bệnh lý làm tổn thương tế bào gan.

Một số nguyên nhân dẫn đến nồng AST cao hơn mức bình thường (tổn thương gan mạn tính)

+ Viêm gan mãn tính (viêm gan B, viêm gan C, do rượu bia,…)

+ Xơ gan

+ Tắc đường mật

+ Ung thư gan

Một số nguyên nhân dẫn đến nồng độ AST tăng rất cao (tổn thương gan cấp tính)

+ Viêm gan do nhiễm virus giai đoạn cấp tính

+ Các bệnh về gan có liên quan tới hoại tử tế bào gan, xơ hóa gan, ứ mật trong gan

+ Tổn thương tế bào gan do tác dụng phụ có hại của thuốc hoặc các chất độc khác

+ Tắc nghẽn mạch máu, giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng và oxy cho tế bào gan (huyết khối)

Chỉ số AST cao và bệnh lý ngoài gan

Chỉ số AST cao liên quan đến tác dụng phụ của thuốc
Chỉ số AST cao liên quan đến tác dụng phụ của thuốc

Enzym AST chủ yếu được tổng hợp tại tế bào gan. Tuy nhiên, một lượng nhỏ men AST có thể tìm thấy ở các cơ quan khác như: cơ bắp, cơ tim, não, thận, tuyến tụy,…Do đó, chỉ số AST tăng cao có thể là dấu hiệu của bệnh lý ngoài gan, bao gồm:

+ Viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim (thiếu máu cơ tim)

+ Vận động cơ bắp mạnh, tổn thương cơ bắp

+ Viêm tuyến tụy cấp tính

+ Tắc mạch phổi

+ Bệnh huyết tán (bệnh tan máu)

Chỉ số AST cao liên quan đến tác dụng phụ của thuốc

Gan là cơ quan chuyển hóa thuốc chủ yếu của cơ thể. Thuốc khi hấp thu vào cơ thể và sẽ được gan chuyển hóa theo 3 con đường chính. Một là làm tăng tác dụng của thuốc tại cơ quan đích. Hai là làm giảm hoạt tính của thuốc. Ba là chuyển hóa thuốc thành chất độc cho cơ thể. Đa số thuốc chuyển hóa theo con đường thứ hai: gan làm giảm hoạt tính của thuốc và thải trừ thuốc qua đường nước tiểu hoặc qua phân. Tổn thương gan do tình trạng chức năng gan bị ảnh hưởng bởi các thuốc tân dược, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu hoặc thực phẩm chức năng. Nguyên nhân dẫn đến tổn thương gan do thuốc thường liên quan đến sử dụng quá liều thuốc hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài. Đánh giá mức độ tổn thương gan do thuốc bằng xét nghiệm chỉ số men gan, trong đó chỉ số AST.

Một số thuốc có nguy cơ gây ngộ độc gan như:

+ Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol (Tên gọi khác: Acetaminophen)

+ Thuốc kháng bơm proton H+ (điều trị loét dạ dày – tá tràng): Omeprazole

+ Thuốc kích thích tăng trưởng cơ bắp Anabolic steroids, hormon sinh dục nam và nữ, thuốc tránh thai đường uống

+ Thuốc điều trị bệnh tâm thần như Chlorpromozine (Thorazine): Giả -xơ gan mật nguyên phát.

+ Nhóm thuốc kháng sinh như: Ciprofloxacin, Erythromycin estolate, Tetracycline

+ Thuốc ngủ Diazepam (Valium): Viêm gan cấp tính và bệnh lý về đường dẫn mật.

+ Thuốc gây mê Halothan, giảm đau nhóm Salicylate (Aspirin): Viêm gan cấp tính và mạn tính.

+ Thuốc điều trị cao huyết áp Methyldopa(Aldomet): Gây bệnh viêm gan tự miễn.

+ Thuốc điều trị tiểu đường Rosiglitazone(Avandia): Gây suy gan.

+ Thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, streptomycin: Gây ngộ độc cho gan.

+ Thuốc đông y (Thuốc Nam, thuốc Bắc): Lạm dụng thuốc đông y làm tổn thương gan nặng thậm chí hôn mê gan có thể dẫn đến tử vong.

+ Thuốc tẩy giun như Albendazol, Metronidazol: Gây viêm gan nếu sử dụng liều cao, kéo dài.

Xét nghiệm AST là gì?

Xét nghiệm AST là một xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của bệnh nhân nhằm xác định nồng độ AST trong máu, từ đó giúp bác sĩ kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương gan. Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc tránh thai,…có thể tăng nồng độ AST dẫn đến sai lệch kết quả của xét nghiệm. Do đó, trước khi làm xét nghiệm, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng hoặc các thuốc đã sử dụng trong thời gian gần đây.

Khi nào cần xét nghiệm AST?

Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm AST nếu người bệnh xuất hiệu các dấu hiệu của tổn thương gan như:

+ Vàng da và mắt: là tình trạng da và kết mạc mắt có màu vàng do nồng độ bilirubin (sắc tố mật ) tăng cao trong máu. Nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý như: bệnh liên quan đến hồng cầu, bệnh liên quan đến tế bào gan, bệnh liên quan đến đường dẫn mật trong gan và bệnh liên quan đến đường dẫn mật ngoài gan

+ Mệt mỏi, gầy sút cân: Gan đảm nhận chức năng tiêu hóa của cơ thể. Do đó khi gan tổn thương, cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến tình trạng tế bào thiếu năng lượng (mệt mỏi), gầy sút cân.

+ Bụng chướng hoặc sưng

+ Mất cảm giác muốn ăn: Mỗi ngày gan sản xuất khoảng 600ml – 1 lít dịch mật  để tiêu hóa thức ăn. Khi chức năng gan suy giảm, quá trình tổng hợp và bài xuất dịch mật bị ảnh hưởng dẫn đến tiêu hóa kém, ăn không ngon

+ Ngứa da: Gan có chức năng giải độc cho cơ thể. Khi gan tổn thương, các chất độc tích tụ dưới tổ chức dưới da kích thích thụ thể cảm giác gây ngứa.

+ Nước tiểu sẫm màu và phân bạc màu

+ Phù nề ở chân và mắt cá chân: Gan có chức năng chuyển hóa muối nước. Khi gan tổn thương, nước tích trữ ở khoảng gian bào gây ra hiện tượng phù nề.

+ Bầm tím: Gan tổng hợp chủ yếu các yếu tố đông máu trong cơ thể. Do đó khi gan tổn thương, mạch máu dễ bị vỡ, vết thương lâu lành hơn dẫn đến tình trạng bầm tím.

AST và các chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng gan

AST và các chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng gan
AST và các chỉ số xét nghiệm đánh giá chức năng gan

Như chúng ta đã biết, enzym AST không chỉ có ở tế bào gan mà còn hiện diện ở tế bào khác: cơ tim, cơ vân, não, thận, tuyến tụy,…Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh lý liên quan đến gan, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan thường gặp bao gồm:

+ Xét nghiệm nồng độ ALT (hay SGPT) trong máu: ALT là một loại enzym đặc trưng có trong tế bào gan. Nồng độ ALT tăng cao gợi ý những tổn thương tại gan.

+ Xét nghiệm AST (hay SGOT): AST là một loại enzym có mặt chủ yếu có trong tế bào gan và một số tế bào khác như: cơ tim, cơ vân, não, thận….Chỉ số AST trong máu tăng cao là dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh lý về gan.

+ Xét nghiệm nồng độ ALP (alkaline phosphatase): alkaline phosphatase là một loại enzym tồn tại ở gan, ống mật và xương. ALP tăng liên quan đến bệnh lý về gan, tắc mật hay bệnh về xương.

+ Xét nghiệm GGT (Gamma glutamyl transferase): Nồng độ enzym GGT trong máu tăng là dấu hiệu của tổn thương gan hay đường dẫn mật

+ Xét nghiệm albumin và protein toàn phần: Gan là cơ quan sản xuất chủ yếu tổng hợp protein huyết tương cho cơ thể, trong đó có albumin. Khi chức năng gan suy giảm, protein trong huyết tương giảm, biểu hiện trên lâm sàng là triệu chứng phù.

+ Xét nghiệm bilirubin: Bilirubin là sản phẩm thoái hóa khi hồng cầu bị phá hủy. Sau đó, bilirubin được đưa tới gan để xử lý tiếp. Chức năng gan suy giảm làm tăng nồng độ bilirubin trong máu, dẫn đến triệu chứng vàng da (hoàng đản)

+ Xét nghiệm thời gian prothrombin (PT): Đây là xét nghiệm để xác định thời gian đông máu. Thời gian prothrombin thường kéo dài ở bệnh nhân suy gan do gan là cơ quan duy nhất tổng hợp các yếu tố đông máu cho cơ thể.

Điều trị men gan cao

Men gan là một nhóm enzym có trong tế bào gan (AST, ALT, ALP, GGT…) giúp gan thực hiện các chức năng quan trọng như: tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa thuốc, giải độc,…Men gan cao là dấu hiệu của sự tổn thương tế bào gan, có thể xuất phát từ bệnh lý ở gan hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị bệnh lý ở gan (điều trị nguyên nhân)

+ Viêm gan do nhiễm virus: sử dụng thuốc kháng virus như Peg- interferon, ribavirin,…

+ Viêm gan do rượu bia: ngừng sử dụng rượu bia, các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá,…

+ Gan nhiễm mỡ: thuốc hạ cholesterol máu như nhóm fibrat, nhóm statin,…

Thực phẩm hỗ trợ chức năng gan

+ Các loại acid amin: Arginin, ornithin, carnitin, acid glutamic…Nhóm thuốc này có vai trò tái tạo gan, thích hợp cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể.

+ Cholin: thuốc được sử dụng cho các bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ do rượu

+ Các loại vitamin nhóm B và E có tác dụng cải thiện và bảo vệ tế bào gan

+ Các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược: silymarin, rau má, nhân trần, diệp hạ châu,…

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến AST.  Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.

 

0929620660 0985226318 Zalo Facebook