Cách trị trật khớp cổ chân và những điều cần biết

Trật khớp mắt cá chân/trật khớp bàn chân/trật khớp cổ chân gọi chung là trật khớp chân là tình trạng khá phổ biến thường gặp trong hoạt động hàng ngày. Tuy chỉ là chấn thương nhỏ nhưng cũng có thể khiến bạn vô cùng đau đớn. Tình trạng đau có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào chấn thương của bạn.

Trật mắt cá chân có thể khiến mắt cá chân bị biến dạng và không thể di chuyển mắt cá chân của bạn.

Trong khi đó, trật khớp bàn chân thường gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hay do chơi thể thao. nếu không biết cách xử lý kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Còn trật khớp cổ chân là một trong những tình trạng thường gặp trên lâm sàng, thường xảy ra do bị chấn thương ở cổ chân. Bệnh biểu hiện bằng dấu hiệu đau ở vùng chấn thương nhưng nếu không được xử lý kịp thời và không đúng phương pháp sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng. Cổ chân là một vùng có tập chung nhiều tĩnh mạch nông lớn nên khi bị chấn thương dễ gây ra hiện tượng sưng phù, thậm chí là chảy máu. Cảm giác đau thường ít, không kéo dài nhưng triệu chứng sưng cổ chân thì kéo dài và đó thường là lý do để bệnh nhân đi khám.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Trật khớp cổ chân. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Trật khớp cổ chân là gì?

Khớp là nơi liên kết giữa các đầu xương để tạo thành một cấu trúc tổng thể, cho phép cơ thể chuyển động linh hoạt. Bình thường, người trưởng thành sẽ có khoảng 206 chiếc xương và khoảng 360 khớp xương. Tuy nhiên, số lượng chính xác này có thể thay đổi theo từng người. Phân loại theo chức năng, khớp có 3 loại bao gồm: Khớp bất động (như khớp giữa các xương sọ), khớp bán động (như khớp đốt sống) và khớp động hay khớp hoạt dịch (phổ biến ở các chi).

Một khớp hoạt dịch bao gồm các thành phần sau:

  • Chỏm và ổ khớp là nơi mà các đầu xương dài nối với nhau;
  • Các dây chằng có nhiệm vụ là phương tiện giữ cho khớp chắc chắn;
  • Bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp đóng vai trò nuôi sụn khớp và bôi trơn và ngăn ngừa nhiễm trùng khớp
  • Mạch nuôi khớp

Trật khớp là tình trạng có sự di lệch đột ngột hoàn toàn hoặc không hoàn toàn giữa các mặt khớp với nhau hoặc giữa các đầu xương ra khỏi vị trí ổ khớp.

Trật khớp cổ chân cũng là một trong những tổn thương thường gặp trên lâm sàng, nó xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng ban đầu của bệnh là đau và có thể kèm theo các dấu hiệu viêm khớp sau chấn thương, bệnh thường gặp là viêm hoạt mạc khớp dưới sên sau tổn thương dây chằng khớp.

Tổn thương vùng cổ chân nếu không có kèm gãy xương thì đa số là tổn thương bao khớp và dây chằng cổ chân. Đó hay được gọi là tình trạng bong gân và cần phải cố định cổ chân để các dây chằng có thể lành lại. Tuy nhiên trên lâm sàng, cần phải phân biệt rõ giữa trật khớp và bong gân do đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau và cách xử trí cũng khác nhau. Trong trật khớp cổ chân, bệnh nhân gần như không thể cử động được cổ chân. Nhưng ngược lại, trong bong gân, cổ chân có thể vận động được 1 phần.

Trật khớp cổ chân
Trật khớp cổ chân

Nhận biết dấu hiệu của trật khớp cổ chân:

  • Biến dạng khớp cổ chân.
  • Phần mềm xung quanh vùng tổn thương có dấu hiệu sưng tấy, bầm tím.
  • Bệnh nhân cảm thấy đau nhói, hạn chế vận động
  • Bàn chân không thể cử động như bình thường, dáng đi khập khiễng
  • Có cảm giác tê rần như kiến bò ở các chi của bàn chân.

Các nguyên nhân gây trật khớp cổ chân

Trước khi tìm hiểu các cách trị trật chân hiệu quả, bạn cần biết đâu là nguyên nhân gây ra trật khớp cổ chân.

Trong hầu hết trường hợp, khớp cổ chân bị trật chủ yếu liên quan đến xương và dây chằng ở bộ phận này bị chấn thương. Tình trạng này có thể do:

  • Té ngã, va chạm mạnh khiến xương cổ chân gãy, lệch khỏi vị trí ban đầu;
  • Chấn thương thể thao gây nứt xương cổ chân hoặc rách dây chằng…;
  • Rèn luyện thể chất quá sức;

Các đối tượng có nguy cơ cao bị trật cổ chân:

  • Tham gia nhiều hoạt động thể thao quá sức
  • Đã từng bị bong gân mắt cá chân và gãy chân hoặc trật khớp cổ chân.
  • Mắt cá chân có cấu tạo không bình thường ngay từ khi sinh ra.
  • Mắc hội chứng Ehlers-Danlos với biểu hiện bệnh trên da, mô và khớp lỏng lẻo do Collagen sản xuất không bình thường.
  • Hút thuốc lá hay béo phì.

Trật khớp cổ chân nên làm gì?

Nguyên tắc xử trí ban đầu khi gặp bệnh nhân bị trật khớp cổ chân là R – I – C – E:

R (rested): Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động cổ chân và có thể tiến hành gắn nẹp bảo vệ để hạn chế sự di lệch ổ khớp. Một lưu ý là tuyệt đối không tự ý nắn chỉnh khớp cổ chân do nếu nắn sai cách có thể làm nặng hơn tình trạng trật khớp và gây đau đớn cho bệnh nhân.

I (ice): Chườm lạnh quanh cổ chân để làm co mạch, giảm đau và giảm sưng nề. Tại nhà bạn có thể cho đá vào túi nilon sạch rồi chườm lên chỗ chấn thương.

C (compression): Sử dụng băng thun để băng ép vừa phải cho bệnh nhân từ bàn chân lên đến gối nhằm hạn chế sưng nề do ứ trệ máu tĩnh mạch tại vùng chấn thương. Lưu ý không được chườm ấm hay chườm nóng vì có thể sẽ làm tăng tình trạng phù nề cổ chân.

E (elevation): Cho bệnh nhân nằm kê chân cao lên khoảng từ 10 – 20cm để tăng sự lưu thông tuần hoàn máu nhưng không nên kê quá cao sẽ làm tê chân do giảm lượng máu động mạch di chuyển đến bàn chân.

Sau khi đã thực hiện các xử trí ban đầu, đưa bệnh nhân đi khám và kiểm tra sớm bằng chụp X-quang để chẩn đoán chính xác nhất xem là bệnh nhân bị trật khớp hay gãy xương, đồng thời xác định vị trí tổn thương khớp để có hướng điều trị tiếp theo. Trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều trường hợp mà bị chấn thương cổ chân gây đau nhưng do chủ quan nên chỉ nghĩ đơn giản bị bong gân và tự xử trí bằng các phương pháp truyền thống như đắp lá, bó thuốc… Dẫn đến không những không hỗ trợ việc điều trị mà còn có thể gây ra những biến chứng nặng nề hơn cho vùng khớp tổn thương.

Trật khớp chân là một thương tích không hề nhẹ, dễ để lại nhiều biến chứng và di chứng nên cần được điều trị đúng, kịp thời theo hướng dẫn của những bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị trật khớp tùy thuộc vào mức độ tổn thương nặng nhẹ và vị trí tổn thương để có những phương án điều trị phù hợp. Điều trị trật khớp cổ chân bao gồm:

  • Nắn chỉnh khớp: có gây tê tại chỗ, gây tê vùng hoặc gây mê người bệnh tùy theo mức độ tổn thương của khớp chân để bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị và thực hiện tiến hành điều trị.
  • Bất động khớp sau nắn chỉnh: có thể bất động bằng cách bó bột hoặc sử dụng dụng cụ trợ đỡ. Thời gian bất động ngắn hay dài sẽ phụ thuộc vào độ nặng nhẹ của trật khớp và các tổn thương phần mềm, thần kinh và mạch máu.
  • Phục hồi chức năng vận động khớp sau khi đã tháo bỏ dụng cụ bất động khớp: Quá trình tập luyện sẽ được bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng đến phức tạp hơn, từ cường độ thấp lên cường độ cao theo sức chịu đựng của bệnh nhân.

Chẩn đoán trật mắt cá chân như thế nào?

Chẩn đoán trật mắt cá chân thông qua khám lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm hình ảnh để có những đánh giá chính xác nhất về xương, khớp và các mô mềm. Bao gồm:

  • X-quang: Cung cấp hình ảnh giúp bác sĩ đánh giá tình trạng xương được rõ hơn;
  • Chụp cộng hưởng từ: Nếu bác sĩ nghi ngờ có nứt xương hoặc tổn thương dây chằng nghiêm trọng hoặc tổn thương bề mặt khớp mắt cá thì sẽ chỉ định chụp MRI;
  • Chụp CT: Sự kết hợp nhiều hình ảnh X-quang từ nhiều góc độ khác nhau bằng máy tính để tạo ra những hình ảnh mặt cắt cho thấy chi tiết rõ hơn bên trong cơ thể bao gồm xương và khớp.

Điều trị trật cổ chân

Cách trị trật khớp cổ chân
Cách trị trật khớp cổ chân

Cách chữa trật cổ chân bằng các phương pháp đơn giản

  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi tại giường nếu bạn bị trật khớp cổ chân. Bạn không nên di chuyển hoặc làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cổ chân bị thương. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng trật chân trở nên tồi tệ hơn;
  • Chườm đá lạnh: Bạn áp đá vào mắt cá bị thương để giảm sưng và giảm đau. Bạn đặt đá lạnh vào mắt cá chân bị đau từ 15-30 phút mỗi 4 hoặc 5 giờ. Nếu bạn gặp một số vấn đề về sức khỏen khác như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch, hãy nói với bác sĩ của bạn trước khi bạn sử dụng bất kỳ điều trị nào;
  • Đè ép: Sau khi sưng biến mất, có thể sử dụng nẹp hoặc băng để giúp giữ cho mắt cá ổn định và hỗ trợ cho mắt cá bị thương. Chú ý không quấn mắt cá chân quá chặt, vì như vậy sẽ khiến máu không thể chảy bình thường vào vùng bị tổn thương;
  • Nâng cao: Bạn nâng mắt cá chân lên cao trên tim trong 48 giờ đầu sau khi bị thương (bằng cách nằm và kê cao lên chân).

Điều trị không phẫu thuật

  • Nạng và nẹp: Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng nạng hoặc nẹp nếu bạn cảm thấy khó đi bộ;
  • Bất động: Phương pháp điều trị này sử dụng một thiết bị đặc biệt để giữ cho mắt cá chân bị thương của bạn được ổn định và ngăn ngừa thương tích thứ phát xảy ra. Bác sĩ của bạn có thể sẽ yêu cầu bạn đặt một ít áp lực trên mắt cá chân bị ảnh hưởng. Những thiết bị đặc biệt này sẽ được gỡ bỏ khi không cần thiết nữa;
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể được khuyến cáo ngay lập tức sau khi sưng phù đã giảm. Nhà trị liệu sẽ sử dụng thiết bị hoặc dạy cho bạn một số bài tập để giúp bạn lấy lại chức năng hoạt động bình thường như trước;

Điều trị phẫu thuật

  • Hầu hết tình trạng trật khớp chân hay bị bong gân có thể trở nên tốt hơn với phương pháp điều trị và chăm sóc không cần phẫu thuật, vì vậy phẫu thuật thường không được khuyến cáo.
  • Nhưng trong  một số trường hợp cần phẫu thuật, ví dụ trong trường khớp cổ chân không tốt hơn sau khi điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật hoặc cổ chân bị sưng tồi tệ hơn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành loại bỏ các mảnh xương và sụn lỏng lẻo hay sửa chữa các dây chằng bị rách, gân ở cổ chân và mắt cá chân (bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ hở);
  • Nạng, thanh nẹp giúp cố định và phục hồi cơ thể có thể được khuyến cáo sau khi phẫu thuật để bảo vệ cổ chân và lấy lại sức mạnh của chân, cũng như tính linh hoạt và phạm vi chuyển động bị mất của cố chân do chấn thương.

Một số sai lầm thường mắc phải khi xử lý chấn thương

Xem trật khớp là chấn thương nhẹ, có thể tự khỏi

Nhiều người cho rằng trật khớp bàn chân là những tổn thương nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần thiết phải đến cơ sở y tế. Tuy nhiên trên thực tế, khi cơ thể con người xảy ra bất kỳ chấn thương dù nhỏ hay lớn cũng cần điều trị kịp thời và hiệu quả theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc kéo dài thời gian trong quá trình chữa bệnh hoặc xử lý sai cách dễ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Trật khớp nếu ở mức độ nhẹ cũng cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để không gây ra các biến chứng.

Dùng dầu nóng, rượu ngâm để xoa bóp bàn chân bị trật khớp

Dùng dầu nóng, rượu ngâm xoa vào bàn chân bị trật khớp có thể sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường vì nó sẽ làm nóng vùng tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn và dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp.

Dùng các loại thuốc lá dân gian đắp vào vùng chấn thương

Đây là một phương thức chữa bệnh dân gian chưa được qua kiểm chứng. Vậy nên nó có thể để lại những biến chứng nặng nề nếu không phù hợp với cơ địa bệnh nhân.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến  Trật khớp cổ chân.  Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.

0929620660 0985226318 Zalo Facebook