Xét nghiệm máu là gì và những điều cần biết

Xét nghiệm máu là các loại xét nghiệm được các bác sĩ thực hiện trên các mẫu máu được lấy vào các ống chống đông khác nhau tùy mục đích xét nghiệm, nhằm đo hàm lượng một số chất nhất định trong máu hoặc đếm các loại tế bào máu khác nhau, có thể được thực hiện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ chẩn đoán bệnh hoặc tìm kiếm các tác nhân gây bệnh, kiểm tra kháng thể hoặc sàng lọc ung thư sớm nhờ các dấu hiệu của khối u hoặc để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Xét nghiệm máu. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu hay là xét nghiệm máu huyết học, là xét nghiệm được thực hiện trên bệnh phẩm mẫu máu để đo hàm lượng một số định chất có trong máu hoặc đếm các loại tế bào máu. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để tìm các bất thường hoặc các tác nhân gây bệnh, kiểm tra kháng thể hoặc các triệu chứng của khối u, hoặc để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu tổng quát là gì?

Xét nghiệm máu tổng quát là một trong những xét nghiệm máu thường quy được chỉ định trong các trường hợp khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm định kỳ 6 tháng/ lần giúp phát hiện sớm các bệnh thường gặp và sử dụng trong tầm soát sớm các bệnh lý, khám tiền hôn nhân, khám sức khỏe tổng quát,…

Xét nghiệm máu để làm gì?

Xét nghiệm máu nhằm mục đích kiểm tra nhóm máu và phát hiện rất nhiều bệnh như:

  • Bệnh về máu

Xét nghiệm máu tổng quát có thể phát hiện các bệnh về máu và các rối loạn ảnh hưởng đến các thành phần trong máu như thiếu máu, viêm nhiễm, bệnh ký sinh trùng, chức năng đông máu, ung thư máu,… Các bệnh lý này được bác sĩ chẩn đoán qua các thông số xét nghiệm này như:

Kiểm tra các tế bào hồng cầu: hồng cầu bất thường về số lượng và hình dạng có khả năng là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, mất nước, xuất huyết hoặc các tình trạng rối loạn khác của hồng cầu.

Kiểm tra các tế bào bạch cầu: Số lượng bạch cầu bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, ung thư máu hoặc rối loạn hệ miễn dịch.

Kiểm tra các tiểu cầu: Mức tiểu cầu bất thường sẽ gây ra rối loạn chức năng đông máu hoặc huyết khối.

Hemoglobin (Hb): hemoglobin bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, thiếu máu hồng cầu hình liềm, hội chứng thalassemia hoặc các rối loạn khác. Nếu bệnh nhân bị đái tháo đường, lượng đường dư thừa trong máu có khả năng liên kết với hemoglobin và dẫn đến tăng mức hemoglobin A1c (HbA1c) – chất chỉ điểm trong chẩn đoán đái tháo đường.

Hematocrit (Hct): Hematocrit cao đồng nghĩa với việc bạn đang bị mất nước. Mức hematocrit thấp khả năng cao là dấu hiệu của thiếu máu. Sự bất thường chỉ số Hct cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn về máu hoặc tủy xương.

Thể tích trung bình của hồng cầu (MCV): Mức MCV bất thường thể hiện tình trạng thiếu máu nói chung hoặc chứng thiếu máu cục bộ.

  • Kiểm tra chức năng gan và thận

Xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận thông qua đo nồng độ ure và creatinine máu. Cả hai thành phần này đều là những chất thải được thận lọc ra khỏi cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy hai thông số này bất thường thì khả năng cao là dấu hiệu của bệnh thận, rối loạn chức năng thận hoặc các bệnh lý về gan như viêm gan A, B, C, E, D,.. xơ gan, ung thư gan…

  • Bệnh về đường huyết

Xét nghiệm máu giúp xác định lượng đường có trong máu. Lượng đường vượt quá giới hạn có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Đối với xét nghiệm máu có yêu cầu đo glucose máu lúc đói, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Ngoài ra, có một số xét nghiệm đường huyết khác được thực hiện sau bữa ăn hoặc bất kỳ lúc nào mà không cần chuẩn bị trước.

  • Rối loạn mỡ máu (cholesterol, triglycerid, HDL-C, VLDL-C)

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định được nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân thông qua các thông số xét nghiệm máu liên quan đến cholesterol:

Nồng độ VLDL cholesterol: Gây tắc nghẽn trong lòng mạch máu, gây xơ vữa động mạch.

Nồng độ HDL cholesterol: Làm giảm tình trạng tắc nghẽn trong động mạch.

Triglyceride là chất béo có trong máu.

Nồng độ cholesterol và triglyceride bất thường cho biết nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Đối với xét nghiệm máu đo lường các thành phần này, bệnh nhân cần phải nhịn ăn 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo độ chính xác.

  • Các bệnh liên quan đến hoạt động của enzyme

Enzyme giúp điều hòa và xúc tác cho các phản ứng hóa học trong cơ thể. Xét nghiệm kiểm tra enzyme trong máu thường được sử dụng để chẩn đoán cơn đau thắt ngực.

Bên cạnh đó xét nghiệm máu còn giúp phát hiện các bệnh như Gout, HIV, đánh giá đáp ứng của cơ thể với thuốc và các bệnh về não như thiếu máu não, nhiễm trùng não,…

Ý nghĩa xét nghiệm máu

Mục đích của việc thực hiện xét nghiệm máu là:

  • Xác định nguyên nhân của các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, bầm tím, giảm cân.
  • Chẩn đoán các bệnh lý đa hồng cầu.
  • Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân
  • Xác định lượng máu đã mất khi bị mất máu nhằm đánh giá thiếu máu.
  • Chẩn đoán các bệnh lý về máu.
  • Kiểm tra phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc hoặc điều trị xạ trị để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
  • Kiểm tra những ảnh hưởng của hiện tượng chảy máu bất thường đến các tế bào máu.
  • Kiểm tra số lượng các thành phần máu.
  • Kiểm tra tình trạng thể chất người bệnh.

Từ đó, xét nghiệm máu giúp:

– Phát hiện các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.

– Đánh giá chức năng đông máu và rối loạn đông máu.

– Đánh giá hiệu quả điều trị.

– Đánh giá hoạt động và chức năng của các cơ quan trong cơ thể như: Gan, thận, tim, tuyến giáp.

– Chẩn đoán và theo dõi các bệnh như: tiểu đường, thiếu máu, ung thư, bệnh mạch vành, suy thận,…

Xét nghiệm máu gồm những chỉ số nào?

Xét nghiệm máu gồm những chỉ số nào?
Xét nghiệm máu gồm những chỉ số nào?

RBC (RED BLOOD CELLS) – SỐ LƯỢNG HỒNG CẦU

Là số lượng hồng cầu trong một đơn vị máu toàn phần.

Giá trị bình thường ở Nam: 4,5 – 5,8 T/L; Nữ: 3,9 – 5,2 T/L.

Tăng trong các trường hợp như: Cô đặc máu, bệnh đa hồng cầu nguyên phát, thiếu oxy kéo dài (bệnh tim, bệnh phổi…).

Giảm trong các trường hợp như: Thiếu máu, mất máu, suy tủy…

HGB (HEMOGLOBIN) – HUYẾT SẮC TỐ

Là lượng huyết sắc tố trong một đơn vị máu toàn phần. Xét nghiệm này dùng để đánh giá tình trạng thiếu máu.

Giá trị bình thường ở Nam: 130 – 180 g/L; Nữ: 120 – 165 g/L.

Tăng trong các trường hợp như: Cô đặc máu, thiếu oxy mạn tính…

Giảm trong các trường hợp như: Thiếu máu, mất máu, máu bị hòa loãng, suy tủy…

Giá trị chẩn đoán của HGB:

+ Chẩn đoán thiếu máu khi HGB ở Nam < 130 g/L; Nữ < 120 g/L.

+ Khi HGB < 80 g/L: cân nhắc truyền máu.

+ Khi HGB < 70 g/L: cần truyền máu.

+ Khi HGB < 60 g/L: truyền máu cấp cứu.

HCT (HEMATOCRIT) – THỂ TÍCH KHỐI HỒNG CẦU

Là tỉ lệ thể tích khối hồng cầu trên tổng thể tích máu toàn phần.

Giá trị bình thường ở Nam: 0,39 – 0,49 L/L; Nữ: 0,33 – 0,43 L/L.

Tăng trong các trường hợp như: cô đặc máu, thiếu oxy mạn tính, rối loạn dị ứng, giảm lưu lượng máu, bệnh đa hồng cầu.

Giảm trong các trường hợp như: Thiếu máu, mất máu, máu bị hòa loãng, suy tủy, thai nghén…

MCV (MEAN CORPUSCULAR VOLUME) – THỂ TÍCH TRUNG BÌNH HỒNG CẦU

Là thể tích trung bình mỗi hồng cầu, công thức tính MCV = HCT/RBC.

Giá trị bình thường trong khoảng: 85 – 95 fL.

Tăng trong các trường hợp như: Thiếu VTM B12, thiếu acid folic, bệnh gan, nghiện rượu, tăng sản hồng cầu, suy tuyến giáp, bất sản tủy, tan máu cấp…

Giảm trong các trường hợp như: Thiếu sắt, thalassemia, thiếu máu trong các bệnh mạn tính, suy thận mạn, nhiễm độc chì…

MCH (MEAN CORPUSCULAR HEMOGLOBIN – LƯỢNG HST TRUNG BÌNH HỒNG CẦU)

Là lượng HST trong mỗi hồng cầu, công thức tính MCH = Hb/RBC.

Giá trị bình thường trong khoảng: 28 – 32 pg.

Tăng trong các trường hợp: thiếu máu ưu sắc, bệnh hồng cầu hình cầu di truyền…

Giảm trong các trường hợp: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu đang tái tạo.

MCHC (MEAN CORPUSCULAR HEMOGLOBIN CONCENTRATION) – NỒNG ĐỘ HUYẾT SẮC TỐ TRUNG BÌNH HỒNG CẦU

Là nồng độ có trong một thể tích khối hồng cầu, công thức tính MCHC = Hb/HCT.

Giá trị bình thường trong khoảng: 320 – 360 g/L.

Tăng trong các trường hợp như: Mất nước ưu trương, thiếu máu ưu sắc…

Giảm trong các trường hợp như: Thiếu máu đang hồi phục, thiếu máu do thiếu acid Folic hoặc vitamin B12, xơ gan, nghiện rượu,..

RDW (RED DISTRIBUTION WIDTH) – ĐỘ RỘNG PHÂN BỐ KÍCH THƯỚC HỒNG CẦU

Là chỉ số dùng để đánh giá mức độ đồng đều về kích thước giữa các hồng cầu.

Giá trị bình thường: 11 – 15%

Giá trị chẩn đoán:

+ RDW tăng kết hợp MCV tăng: Thiếu hụt vitamin B12, thiếu hụt acid folic, thiếu máu tan máu do miễn dịch, ngưng kết lạnh, bệnh bạch cầu lympho mạn.

+ RDW tăng kết hợp MCV bình thường: có khả năng thiếu sắt giai đoạn sớm, thiếu hụt vitamin B12 giai đoạn sớm, thiếu hụt acid folic giai đoạn sớm, thiếu máu do bệnh globin.

+ RDW tăng kết hợp MCV giảm: thiếu sắt, sự phân mảng hồng cầu, bệnh thalassemia.

WBC (WHITE BLOOD CELLS) – SỐ LƯỢNG BẠCH CẦU

Là số lượng tế bào bạch cầu trong một thể tích máu toàn phần.

Giá trị bình thường trong khoảng: 4 – 10 G/L.

Tăng trong các trường hợp: Viêm, nhiễm khuẩn, bệnh máu ác tính, các bệnh bạch cầu, sử dụng một số thuốc như corticosteroid…

Giảm trong các trường hợp như: Suy tủy, nhiễm virus, dị ứng, nhiễm khuẩn nặng…

NEU (NEUTROPHIL) – BẠCH CẦU HẠT TRUNG TÍNH

Là tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu hạt trung tính.

Giá trị bình thường: 43 – 76 % hoặc 2 – 8 G/L.

Tăng trong các trường hợp: Nhiễm trùng cấp tính (viêm phổi, viêm ruột thừa, áp se…), nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật lớn mất nhiều máu, stress, một số ung thư, bệnh bạch cầu dòng tủy…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm độc nặng, sốt rét, nhiễm virus, suy tủy, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sau xạ trị…

EOS (EOSINOPHIL) – BẠCH CẦU HẠT ƯA ACID

Là tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu hạt ưa acid.

Giá trị bình thường: 2 – 4% hoặc 0,1 – 0,7 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm ký sinh trùng, dị ứng, một số bệnh máu…

Giảm trong các trường hợp: Nhiễm khuẩn cấp, các phản ứng miễn dịch, sử dụng các thuốc corticoid…

BASO (BASOPHIL) – BẠCH CẦU HẠT ƯA BASE

Là tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu hạt ưa base.

Giá trị bình thường: 0 – 1% hoặc 0.01 – 0,25 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm độc, tăng sinh tủy, các rối loạn dị ứng…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm khuẩn cấp, các phản ứng miễn dịch, sử dụng các thuốc corticoid…

LYM (LYMPHOCYTE) – BẠCH CẦU LYMPHO

Là tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu lympho.

Giá trị bình thường: 17 – 48% hoặc 1 – 5 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm khuẩn mạn, chứng tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm khuẩn và virus, bệnh bạch cầu dòng lymphomanj, viêm loét đại tràng, suy thượng thận…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm khuẩn cấp, sử dụng thuốc corticoid…

MONO (MONOCYTES) – BẠCH CẦU MONO

Là tỉ lệ % hoặc số lượng tuyệt đối của bạch cầu Mono.

Giá trị bình thường: 4 – 8% hoặc 0,2 – 1,5 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm virus, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, các ung thư, viêm ruột, bệnh bạch cầu dòng mono, u lympho, u tủy…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm máu bất sản, bệnh bạch cầu dòng lympho, sử dụng thuốc corticoid…

PLT (PLATELET) – SỐ LƯỢNG TIỂU CẦU

Là số lượng tiểu cầu trong một đơn vị máu toàn phần.

Giá trị bình thường trong khoảng: 150 – 400 G/L.

Tăng trong các trường hợp: hội chứng rối loạn sinh tủy, dị ứng, ung thư, sau cắt lách…

Giảm trong các trường hợp:

+ Giảm sản xuất tiểu cầu: suy tủy, xơ gan, nhiễm virus ảnh hưởng đến tủy xương (Dengue, Rubella, Viêm gan B,C…), bệnh giảm tiểu cầu, hóa trị…

+ Tăng phá hủy tiểu cầu: phì đại lách, đông máu rải rác trong lòng mạch, các kháng thể kháng tiểu cầu…

MPV (MEAN PLATELET VOLUME) – THỂ TÍCH TRUNG BÌNH TIỂU CẦU

Là chỉ số dùng để đánh giá thể tích trung bình của tiểu cầu trong mẫu máu xét nghiệm.

Giá trị bình thường: 5 – 8 fL.

Tăng trong các trường hợp: bệnh tim mạch sau nhồi máu cơ tim, ĐTĐ, tiền sản giật, hút thuốc lá, cắt lách, stress, nhiễm độc do tuyến giáp…

Giảm trong các trường hợp: thiếu máu do bất sản, hóa trị, bạch cầu cấp, lupus ban đỏ, giảm sản tủy xương…

PCT (PLATELETCRIT) – THỂ TÍCH KHỐI TIỂU CẦU

Giá trị bình thường trong khoảng: 0,016 – 0,036 L/L.

Tăng trong các trường hợp như: ung thư đại trực tràng…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm nội độc tố, nghiện rượu…

PDW (PLATELET DISTRIBUTION WIDTH) – ĐỘ RỘNG PHÂN BỐ KÍCH THƯỚC TIỂU CẦU

Giá trị bình thường: 11 – 15%.

Tăng trong các trường hợp: ung thư phổi, bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm khuẩn huyết…

Giảm trong các trường hợp: nghiện rượu…

P-LCR (PLATELET LARGER CELL RATIO) – TỶ LỆ TIỂU CẦU CÓ KÍCH THƯỚC LỚN

Là tỷ lệ phần trăm của tiểu cầu có thể tích vượt quá giá trị bình thường của thể tích tiểu cầu (12 fL) trong tổng số lượng tiểu cầu.

Giá trị bình thường: 0,13 – 0,43% hoặc 150 đến 500 G/L

P-LCR tăng (thường kết hợp MPV tăng) được coi là một chỉ số đánh giá yếu tố nguy cơ liên quan đến các biến cố thiếu máu cục bộ/ huyết khối và nhồi máu cơ tim.

Xét nghiệm máu bao lâu có kết quả?

Việc xét nghiệm máu bao lâu có kết quả không chỉ phụ thuộc vào bác sỹ và người làm xét nghiệm mà còn phụ thuộc nhiều vào các kỹ thuật xét nghiệm máu khác nhau, các phương pháp xét nghiệm máu, các chỉ định xét nghiệm máu. Thông thường, nếu chỉ có ý định làm các xét nghiệm máu phổ biến như công thức máu, đường máu, mỡ máu… thì chỉ sau từ 2 – 3 giờ đồng hồ đã có kết quả. Tuy nhiên với các xét nghiệm máu để tìm tác nhân vi khuẩn, virus thì sau 1 tuần sẽ có kết quả.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm máu, bác sỹ sẽ nhận định kết quả và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và định hướng chữa trị kịp thời hiệu quả.

Ăn rồi xét nghiệm máu được không?

Câu trả lời là cả có và không, điều này phụ thuộc vào từng loại xét nghiệm máu nhất định.

Đối với xét nghiệm máu được tiến hành để xác định nhóm máu thì ăn rồi vẫn có thể làm xét nghiệm máu mà không ảnh hưởng gì đến kết quả. Nhóm máu được xác định dựa trên loại kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu. Ngoài ra, xét nghiệm nội tiết hay xét nghiệm miễn dịch cũng không cần người bệnh phải nhịn ăn.

Tuy nhiên, nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu là cần thiết đối với một số trường hợp nhất định như xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm mỡ máu,…

Có nên xét nghiệm máu khi mang thai?

Xét nghiệm máu khi mang thai mục đích để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời dự đoán trước các nguy cơ cho thai kỳ và trong cuộc sinh. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm máu và kết quả thăm khám, bác sĩ sản khoa sẽ đề xuất hướng can thiệp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Thông thường sau khi xác định có thai, sản phụ cần làm những xét nghiệm như kiểm tra nhóm máu, nhóm máu Rh, huyết đồ, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho thai nhi.

Có nên xét nghiệm máu cho trẻ?

Xét nghiệm máu cho trẻ là xét nghiệm cận lâm sàng, thường được chỉ định sau khi trẻ được thăm khám ban đầu với bác sĩ chuyên khoa. Đa phần 2/3 trẻ đến khám được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu … đặc biệt xét nghiệm máu cho trẻ được dùng rất phổ biến, giúp đánh giá và phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể, từ đó bác sĩ đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Vậy nên, việc xét nghiệm máu cho trẻ là điều hết sức cần thiết và nên làm để theo dõi sức khỏe cũng như phát hiện các bất thường của trẻ.

Xét nghiệm máu gót chân

Lấy máu gót chân là phương pháp sử dụng kim chích 1 – 2 giọt máu ở gót chân trẻ sơ sinh rồi thấm vào giấy chuyên dụng, để khô, sau đó bắt đầu xét nghiệm và cho kết quả trong một thời gian nhất định. Mục đích của xét nghiệm này để phát hiện sớm những bệnh liên quan đến nội tiết hay rối loạn di truyền từ khi bé chào đời.

Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy máu gót chân là xét nghiệm sàng lọc các bệnh bẩm sinh hiệu quả. Thông qua xét nghiệm lấy máu gót chân có thể biết được trẻ có mắc bệnh nguy hiểm nào không và tìm phương án điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa những hệ lụy xấu cho sức khỏe của trẻ.

Xét nghiệm lấy máu gót chân thực hiện cho bé sơ sinh 2 – 7 ngày tuổi. Thời điểm lý tưởng nhất để lấy máu xét nghiệm là khi bé đủ 24 giờ sau sinh vì sẽ sớm có kết quả và sớm có biện pháp bảo vệ bé hiệu quả.

Với những bé sinh non hoặc thiếu cân nên thực hiện xét nghiệm này trước ngày thứ 20. Nếu trẻ phải truyền máu sau sinh thì có thể lấy máu xét nghiệm sau 3 tháng.

Ngày nay hầu hết các bệnh viện đều có thể thực hiện được xét nghiệm lấy máu gót chân cho trẻ. Trường hợp trẻ được sinh ở những cơ sở không đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm, có thể nhờ nhân viên y tế giúp đỡ lấy mẫu máu gót chân của trẻ gửi đến các bệnh viện có dịch vụ sàng lọc sơ sinh để làm xét nghiệm.

Trẻ mắc bệnh rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh nếu không chữa trị kịp thời có nguy cơ cao bị thiểu năng trí tuệ, kém phát triển. Tuy nhiên, những bệnh lý này thường chưa bộc lộ rõ ràng ở trẻ sơ sinh nên rất khó phát hiện và chẩn đoán. Đến khi trẻ bắt đầu có những dấu hiệu lâm sàng thì đã ở giai đoạn muộn để chữa trị, hầu hết không còn khả năng hồi phục hoàn toàn.

Sàng lọc sơ sinh thông qua xét nghiệm lấy máu gót chân giúp trẻ phát hiện và được chữa trị sớm một số bệnh lý về rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh, nhờ đó mà tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 95%, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và bình thường. Các bệnh lý có thể phát hiện nhờ xét nghiệm lấy máu gót chân như: thiếu men G6PD, tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Xét nghiệm máu.  Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.