Giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường gặp ở bệnh nhân xơ gan chủ yếu do rượu. Giãn tĩnh mạch thực quản có thể được phát hiện bằng nội soi, ở mức độ nặng và nghiêm trọng có thể bị vỡ và gây xuất huyết tiêu hóa. Vậy giãn tĩnh mạch thực quản có mấy độ?
1. Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?
Giãn tĩnh mạch thực quản là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh gan, đặc biệt là xơ gan (do rượu, virus viêm gan B, viêm gan C, …). Xơ gan gây ra hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy giảm chức năng gan, từ đó làm giãn các tĩnh mạch thực quản.
Giãn tĩnh mạch thực quản nếu tiến triển đến mức độ nguy hiểm có thể bị vỡ và xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Xuất huyết tiêu hóa có nguy cơ tái phát trong những lần sau và dẫn đến tình trạng mất máu, gây sốc và tử vong, nếu không phát hiện và điều trị giãn tĩnh mạch thực quản trên bệnh nhân xơ gan.
2. Giãn tĩnh mạch thực quản có mấy độ?
Giãn tĩnh mạch thực quản được phát hiện bằng nội soi
Giãn tĩnh mạch thực quản có mấy độ được phân cấp theo kích thước của các búi giãn tĩnh mạch.
Độ 1 – Nhỏ: Các búi giãn tĩnh mạch thực quản thẳng và nhỏ.
Độ 2 – Trung bình: Các búi giãn tĩnh mạch có kích thước tương đối lớn, có hình dáng xâu chuỗi và chiếm diện tích khoảng trên 1/3 trong lòng thực quản. Khi bơm hơi, các búi giãn không bị xẹp.
Độ 3 – Lớn: Các búi giãn tĩnh mạch có kích thước lớn, có hình dáng giống khối u và chiếm diện tích trên 1⁄3 trong lòng thực quản.
Tuy nhiên, Hiệp hội Nghiên cứu các bệnh về gan Hoa Kỳ (AASLD) đã đưa ra khuyến cáo nên phân cấp độ giãn tĩnh mạch thực quản thành 2 cấp độ là nhỏ (kích thước búi giãn <5mm) và lớn (kích thước búi giãn >5mm) do tỷ lệ các búi giãn tiến triển từ nhỏ đến lớn tương đối cao (7%/năm).
Để đánh giá sự tiến triển của các búi giãn, các bác sĩ dựa vào những yếu tố chính sau:
Tăng mức chênh lệch áp lực tĩnh mạch gan: HVPG >10mmHgXơ gan mất bù (Child-Pugh B/C)Xơ gan do rượuTăng sự xuất hiện của các lằn đỏ trong tĩnh mạch thực quản so với thời điểm nội soi ban đầu.
3. Biến chứng của giãn tĩnh mạch thực quản và phòng ngừa, điều trị
Xuất huyết tiêu hóa do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản – hậu quả của giãn tĩnh mạch thực quản không được điều trị
Một trong những biến chứng nghiêm trọng của giãn tĩnh mạch thực quản là xuất huyết tiêu hóa. Biến chứng này có thể gây sốc và dẫn đến tử vong khi người bệnh mất quá nhiều máu mà không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, biến chứng này có thể được phát hiện và phòng ngừa hiệu quả bằng phương pháp nội soi thực quản. Dựa vào các yếu tố tiến triển búi giãn như kích thước, có lằn đỏ khi nội soi hay không, phân độ Child-Pugh, bác sĩ sẽ tiên lượng nguy cơ chảy máu và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
3.1. Búi giãn tĩnh mạch thực quản có kích thước nhỏ, chưa có lằn đỏ, không chảy máu, Child-Pugh phân độ A
Điều trị bằng thuốc chẹn beta không chọn lọc làm giảm chậm nguy cơ hình thành và tiến triển các búi giãn tĩnh mạch thực quản và từ đó hạn chế tình trạng xuất huyết. Khi sử dụng thuốc chẹn beta, bệnh nhân không cần nội soi lại.
Nội soi thực quản được thực hiện trong 1 – 2 năm (1 năm nếu các yếu tố bệnh chưa được loại bỏ và 2 năm nếu các yếu tố bệnh đã được loại bỏ) trên các bệnh nhân không điều trị bằng thuốc chẹn beta để kịp thời phát hiện các lằn đỏ trong tĩnh mạch thực quản hoặc sự tiến triển của các búi giãn.
Điều trị búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng thuốc chẹn beta giúp làm giảm nguy cơ hình thành và tiến triển bệnh
3.2. Búi giãn tĩnh mạch thực quản có kích thước nhỏ, có lằn đỏ, không chảy máu, Child-Pugh phân độ B/C
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản chủ yếu là sử dụng thuốc chẹn beta không chọn lọc (nadolol, propranolol) với liều dung nạp là tối đa.
3.3. Búi giãn tĩnh mạch thực quản có kích thước từ trung bình đến lớn, chưa có lằn đỏ, không chảy máu, Child-Pugh phân độ A
Khuyến cáo sử dụng thuốc chẹn beta không chọn lọc (như nadolol, propranolol) hoặc thuốc chẹn alpha-adrenergic (carvedilol) trên bệnh nhân có kích thước búi giãn tĩnh mạch thực quản từ trung bình đến lớn và không có nguy cơ chảy máu cao.
Cân nhắc điều trị bằng phương pháp nội soi thắt vòng cao su trên những bệnh nhân chống chỉ định, từ chối hoặc không dung nạp thuốc chẹn beta.
3.4. Búi giãn tĩnh mạch thực quản có kích thước từ trung bình đến lớn, có lằn đỏ, không chảy máu, Child-Pugh phân độ B/C
Để ngăn ngừa chảy máu lần đầu trên những bệnh nhân có kích thước búi giãn tĩnh mạch thực quản từ trung bình đến lớn và có nguy cơ chảy máu cao, các phương pháp bao gồm:
Dùng thuốc chẹn beta không chọn lọc (nadolol, propranolol) hoặc thuốc chẹn beta không chọn lọc chẹn beta – chẹn alpha-adrenergic (carvedilol): Ngoài ngăn ngừa chảy máu, thuốc còn có hiệu quả tốt giúp làm giảm phát tán vi khuẩn, từ đó làm giảm nguy cơ viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn ban đầu, cổ trướng và hội chứng gan thận.Nội soi thắt búi giãn bằng vòng cao su: Phương pháp này nên được thực hiện 2 – 3 tuần cho đến khi búi giãn tĩnh mạch thực quản được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó, theo dõi bằng nội soi 3, 6, 12 tháng.
3.5 Điều trị xuất huyết tiêu hóa do biến chứng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản
Trường hợp xuất huyết tiêu hóa do biến chứng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản cần sử dụng thuốc co mạch để làm chậm lưu lượng máu chảy vào tĩnh mạch cửa
Khi giãn tĩnh mạch thực quản bị vỡ và gây chảy máu, tình trạng này cần được kiểm soát và ngăn chặn sớm để hạn chế nguy cơ sốc và tử vong đối với bệnh nhân.
Xử trí và điều trị biến chứng chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm các kỹ thuật và phương pháp sau:
Cầm máu và bồi hoàn thể tích máu bằng cách truyền máu và các chế phẩm từ máu.
Dùng thuốc co mạch để làm chậm lưu lượng máu chảy vào tĩnh mạch cửa. Thuốc có thể được dùng kéo dài từ 3 – 5 ngày sau khi chảy máu và khi nội soi.
Nội soi để chẩn đoán, xác định và thắt tĩnh mạch bằng vòng thun.
Trường hợp điều trị thắt vòng thun giãn tĩnh mạch thực quản thất bại thì cần thực hiện phương pháp TIPS – thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh.
Kiểm soát chảy máu bằng cách sử dụng catheter có bóng chèn hoặc đặt stent kim loại.
Dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng trong chảy máu.
Phẫu thuật ghép gan trong trường hợp bệnh nhân xuất huyết tái phát hoặc bệnh gan tiến triển nặng. Phương pháp này có hiệu quả cao nếu tìm được gan ghép phù hợp.
Giãn tĩnh mạch thực quản được phân cấp thành 2 mức độ cơ bản là nhỏ và lớn dựa vào kích thước của búi giãn. Nội soi thực quản là phương pháp giúp phát hiện và điều trị dự phòng giãn tĩnh mạch thực quản bị vỡ gây chảy máu.
Để phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan, ngoài việc tái khám đều đặn và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần duy trì một nếp sống khoa học và lành mạnh:
Nên hạn chế những đồ uống có cồn như rượu bia vì đây là các loại đồ uống gây hại cho gan
Ăn uống lành mạnh, áp dụng chế độ phù hợp với người bị xơ gan như ăn nhiều hoa quả và rau xanh, hạn chế chất béo và muối,..Nên thường xuyên theo dõi để duy trì cân nặng và thường xuyên tập luyện để nâng cao thể chất.
Ðặc biệt, những bệnh nhân xơ gan cần thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan – mật định kỳ. Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao cần đến cơ sở y tế để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn