Tai biến mạch máu não: Những điều cần biết và cách phòng ngừa

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là một trong 10 nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu hiện nay. Bệnh xảy ra đột ngột, khó có thể kiểm soát nhưng nếu quan tâm sức khoẻ ngay từ bây giờ thì bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được tai biến này.

Não bộ là một cơ quan quan trọng, chi phối các hoạt động sống của con người từ cơ bản như vận động, cảm giác cho đến tư duy phức tạp.

Tai biến mạch máu não hiểu theo một cách đơn giản là tình trạng não bộ thiếu máu đến nuôi dưỡng một cách đột ngột, dẫn đến hoại tử tế bào não và hậu quả là sự suy giảm chức năng của cơ quan này. Tình trạng này giống như máy tính hay điện thoại của bạn không hoạt động được khi không có điện vậy.

Theo thống kê của WHO, tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây ra tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Hàng năm, có tới 15 triệu người bị tai biến mạch máu não và trong đó chỉ có 1/3 là có khả năng hồi phục hoàn toàn. Những người còn lại hoặc tử vong hoặc để lại di chứng.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Tai biến mạch máu não. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não là tình trạng có các thiếu sót thần kinh với những triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa và xảy ra đột ngột do mạch máu não ( gồm động mạch, mao mạch hoặc hiếm hơn là tĩnh mạch) bị tắc hoặc vỡ mà không do chấn thương sọ não. Khi đó não sẽ không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất sẽ khiến cho các tế bào não chết dần. Thời gian tai biến càng dài thì não tổn thương càng nặng và đáng tiếc bệnh nhân sẽ tiến gần tới bờ vực tử vong thêm một bước. Những cơ quan trên cơ thể được chỉ huy bởi não bộ sẽ không tiếp tục hoạt động được nữa khiến cho bệnh nhân bị tê liệt, không thể giao tiếp được,…

Phân loại tai biến mạch máu não

Nhồi máu não

Chiếm khoảng 80% tổng số ca tai biến do lưu lượng tuần hoàn máu lên não giảm khi mạch máu bị hẹp hoặc tắc. Lúc này một phần của não sẽ bị ngừng cung cấp máu kể cả oxy, thời gian kéo dài sẽ khiến khu vực đó bị hoại tử. Khi bệnh nhân bị nhồi máu não có thể cấp cứu trong vòng 4 tiếng  kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, cần đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tổn thương não và giúp giảm những nguy cơ để lại di chứng cho cơ thể.

Xuất huyết não

Chiếm  khoảng 20 % tổng số ca bệnh tuy nhiên tỉ lệ tử vong cực kỳ cao do máu tràn vào mô, làm tổn thương đến não gây nên tình trạng phù não. Khi đó áp lực các mô xung quanh tăng lên dẫn đến hậu quả là giết chết các tế bào não và vỡ mạch máu não. Thời gian “vàng” để cấp cứu bệnh nhân tai biến do xuất huyết não rất ngắn, chỉ tính bằng đơn vị phút. Vì vậy nguy cơ tử vong rất cao nếu không có biện pháp sơ cứu và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não

 

Nguyên nhân gây nhồi máu não

5 nhóm nguyên nhân chính gây ra nhồi máu não:

  • Tắc hoặc hẹp các động mạch lớn
  • Các động mạch nhỏ bị tổn thương, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp.
  • Các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp, hẹp hở van tim, suy tim,… tạo điều kiện để hình thành các cục máu đông đi đến não.
  • Các bệnh lý về mạch máu có khả năng tạo cục máu đông khác như các rối loạn đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh mạch máu.
  • Có khoảng 1/4 trường hợp tai biến không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân gây nên xuất huyết não-màng não

Xuất huyết nhu mô não, hạch nền hoặc não thất:

  • Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực quá mức lên những thành mạch đã và đang bị tổn thương do xơ vữa động mạch.
  • Bệnh nhân dùng thuốc kháng đông hoặc các thuốc làm mỏng mạch máu làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết.
  • Vỡ dị dạng động tĩnh mạch là vỡ một thông nối bất thường giữa động mạch với tĩnh mạch.
  • Bệnh Moya moya.

Xuất huyết màng não hay khoang dưới nhện:

  • Dạng đột quỵ này xảy ra khi mạch máu trên bề mặt của não vỡ dẫn đến máu chảy vào trong khoang dưới nhện và vùng nền sọ.
  • 85% trường hợp xuất huyết dưới nhện tự phát do vỡ túi phình mạch máu não.

Đối tượng có nguy cơ tai biến mạch máu não

Đối tượng có nguy cơ tai biến mạch máu não
Đối tượng có nguy cơ tai biến mạch máu não

Thường xuyên trong trạng thái stress, căng thẳng

Căng thẳng do công việc, thường xuyên làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm nguy cơ đột quỵ tăng lên khoảng 33% – theo kết quả nghiên cứu trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh).

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích

Uống nhiều rượu bia khiến nguy cơ đột quỵ tăng thêm 34% – theo khảo sát trên tạp chí Stroke.

Thường xuyên đau đầu hay đau nửa đầu

40% trường hợp đột quỵ liên quan trực tiếp đến đau đầu – theo nghiên cứu của trường Đại học Y khoa hoàng gia nước Anh.

Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ

Những người hay khó ngủ hoặc ngủ dưới 5 tiếng mỗi ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng hơn 83% so với nhóm người ngủ đủ giấc – theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Icahn.

Huyết áp cao, béo phì, bệnh lý tim mạch, tiểu đường

Các bệnh lý trên đều tăng nguy cơ tai biến mạch máu não hơn những người bình thường.

Trên 50 tuổi

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng tăng, người từ 50 tuổi trở lên chiếm khoảng 83% số ca đột quỵ.

Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não

Khuôn mặt buồn rầu, mặt bị lệch một bên

Dấu hiệu này thể hiện trên trước khi tai biến diễn ra. Lượng oxy trong máu cung cấp cho não bộ giảm đã gây tổn thương thần kinh chi phối cơ mặt. Khuôn mặt người bệnh trở nên buồn rầu và một phần hoặc một nửa khuôn mặt tê liệt, không cử động được.

Nếu nghi ngờ bệnh nhân sắp bị tai biến hãy yêu cầu bệnh nhân cười, nếu nụ cười bị lõm một phần và một bên mặt xệ xuống thì đó là dấu hiệu tai biến.

 Khả năng cử động của cánh tay giảm

Lượng máu lên não không đủ làm cho khả năng vận động bị thuyên giảm, đặc biệt là cánh tay. Người bệnh sẽ cảm thấy cánh tay tê, cử động khó rồi dần dần không thể cử động được. Dấu hiệu này dễ phát hiện nhất khi yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cao thì sẽ có một bên tay sẽ không thể giơ lên được hoặc rũ thõng xuống.

Thị lực giảm dần

Đây là dấu hiệu mà người ngoài khó có thể phát hiện được. Vì vậy, người bệnh cần chủ động ghi nhớ dấu hiệu này và báo ngay cho người nhà khi có sự khác thường. Nguyên nhân là do khu vực thùy não chịu trách nhiệm về khả năng nhìn không được nuôi dưỡng tốt, hoạt động của thùy não bộ giảm dần khiến cho thị lực bị ảnh hưởng. Người bệnh sẽ cảm thấy mọi thứ nhòe đi, mờ dần.

Nói lắp

Trước khi tai biến xảy ra, khi có những cục máu đông cản trở quá trình lưu thông máu cho phần não bộ chi phối hoạt động giao tiếp và khả năng nói thì người bệnh sẽ có dấu hiệu nói lắp hoặc không nói được câu dài, nói không rõ, nói khó hiểu.

Một phần cơ thể yếu đi, không cử động được.

Sau khi tê liệt một cánh tay, người bệnh có thể tê liệt một phần cơ thể, thậm chí là nửa người. Một số bộ phận cử động khó khăn hoặc không cử động được. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm, có thể đưa đến liệt vĩnh viễn nếu không được uống thuốc hay đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Hoa mắt, chóng mặt

Hoa mắt, chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng là biểu hiện của thiếu máu não. Đây là dấu hiệu tai biến phổ biến, xảy ra ở hầu hết các trường hợp.

Dáng đi bất thường

Dấu hiệu tai biến tiếp theo có thể gặp phải là không thể đi lại hoặc đi lại rất khó. Nếu ngay trước đó bệnh nhân vẫn đi được bình thường thì chắc chắn lượng máu lên não đang giảm xuống nhanh chóng. Còn nếu bệnh nhân đã khó khăn trong di chuyển từ trước thì cần theo dõi  kỹ xem có phải mức độ ảnh hưởng đang tăng dần không.

Đau đầu

Bệnh nhân cảm thấy đau đầu dữ đội, đau theo từng cơn, thậm chí có bệnh nhân còn có cảm giác nổ tung đầu. Mức độ đau càng ngày càng dữ dội hơn. Nếu gặp dấu hiệu này cần đến bệnh viện ngay, nếu không sẽ có khả năng dẫn tới biến chứng chết não.

Nấc cục

Một trong những cảnh báo trước tai biến mà ít người phát hiện ra đó chính là nấc cục. Đột nhiên bị nấc và người bệnh cho rằng đó chỉ là những đợt nấc thông thường nên chủ quan.

Khó thở

Bệnh nhân có thể khó thở, thở hổn hển, mạch nhanh.

Mỗi người có thể có một số dấu hiệu tai biến trên tùy vào từng vùng não bị ảnh hưởng do thiếu oxy. Những dấu hiệu trên có thể diễn ra trong thời gian rất nhanh và có thể biến mất hoàn toàn sau đó làm cho người bệnh không để ý hoặc nghĩ rằng cơ thể mình đã ổn. Tuy nhiên, đó được gọi là tình trạng “tai biến mạch máu não thoảng qua”, sẽ là “đám mây đen” cảnh báo cho “cơn mưa giông” tai biến sắp diễn ra.

Biến chứng của tai biến mạch máu não

Một số biến chứng có thể xảy ra với người bị tai biến mạch máu não:

  • Liệt: Có thể liệt tại một số bộ phận trên cơ thể như tay, chân hoặc liệt nữa người.
  • Khó khăn nói hoặc nuốt: Tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến việc kiểm soát cơ miệng khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống và biểu đạt suy nghĩ của mình qua lời nói, biểu hiện như nói lắp, nói ngọng, nhiều trường hợp không nói được.
  • Rối loạn nhận thức: một trong những biến chứng nặng nề nhất của người bệnh. Theo đó, tình trạng sa sút về trí tuệ dẫn tới khó khăn trong việc suy nghĩ, lý luận hay phán đoán chậm chạp, hay quên, thậm chí mất trí nhớ
  • Rối loạn cảm xúc: bệnh nhân tai biến mạch máu não thường khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, dễ dẫn đến trầm cảm
  • Đau: ở các bộ phận bị ảnh hưởng bởi tai biến mạch máu não.
  • Giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân: Những bệnh nhân tai biến mạch máu não cần có sự chăm sóc nhiều hơn từ người thân. Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thậm chí có thể nằm một chỗ nếu gặp tai biến nặng.

Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não

Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não
Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có thể để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh nên cần chú trọng phòng bệnh. Trong đó, chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt tác động không nhỏ để ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh. Một lối sống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi. cụ thể, một lối sống lành mạnh nghĩa là:

Kiểm soát huyết áp cao:

Luôn giữ huyết áp trong phạm vi kiểm soát. Kết hợp tập thể dục, hạn chế lượng natri và rượu bia, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.

Hạ thấp lượng cholesterol

Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là các chất béo bão hòa và trans vì có thể làm giảm mảng bám trong động mạch. Có thể kiểm soát tốt cholesterol thông qua thay đổi chế độ ăn uống, dùng các thuốc nhóm statin như simvastatin, atorvastatin hoặc một loại thuốc hạ cholesterol. Đây là các loại thuốc được dùng để phòng bệnh.

Không hút thuốc

Hút thuốc rất có hại cho sức khỏe, sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá và hạn chế sử dụng các loại chất kích thích khác như: cafein, rượu, bia.

Duy trì cân nặng phù hợp

Thừa cân kết hợp các yếu tố nguy cơ khác sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ví dụ như huyết áp cao, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường.

Người bệnh nên có một chế độ ăn uống giàu trái cây và rau quả. Đây là một cách phòng ngừa tai biến mạch máu não vừa đơn giản mà vừa đem đến nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp và tăng lipoprotein mật độ cao và cải thiện sức bền của mạch máu và tim. Việc tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm bệnh tiểu đường, kiểm soát cân nặng và giúp giảm bớt căng thẳng.

Không sử dụng ma túy bất hợp pháp

Một số loại ma túy như cocaine và methamphetamine được xem là các yếu tố nguy cơ cho THA hay đột quỵ. Vì vậy, tốt nhất nên tránh xa các chất ma túy, chất kích thích gây nghiện

Chẩn đoán tai biến mạch máu não

Việc chẩn đoán tai biến mạch máu não đòi hỏi bác sĩ có sự am hiểu thấu đáo và dày dặn kinh nghiệm về các bệnh lý thần kinh.

Chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến mạch máu não dựa vào:

– Khai thác tiền sử, bệnh sử: các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch; lối sống như sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, chất kích thích… hay không

– Thăm khám các triệu chứng lâm sàng như trên

– Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng: chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu não, đo điện tim, siêu âm Doppler, các xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu,…

Điều trị tai biến mạch máu não

Một số nguyên tắc điều trị chung:  điều trị tai biến mạch máu não cần lưu ý là:

  • Xử trí cấp cứu tai biến mạch máu não theo các bước quy định.
  • Thực hiện chống phù não tích cực.
  • Áp dụng phác đồ điều trị thích hợp đối với mỗi bệnh nhân xuất huyết não hay nhồi máu não.
  • Điều trị làm giảm các triệu chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn chỉ số đường máu, thân nhiệt tăng quá cao…
  • Điều chỉnh cân bằng nước- điện giải và điều chỉnh cân bằng kiềm toan.
  • Chống tình trạng bội nhiễm cơ quan hô hấp, tiết niệu, nhất là phổi.
  • Chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất cho bệnh nhân mỗi ngày.
  • Phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chống lở loét, teo cơ, cứng khớp…
  • Có thể phẫu thuật và phục hồi nhu mô não tổn thương bằng phương pháp tế bào gốc.

Cụ thể, đối với từng thể lâm sàng của bệnh đột quỵ não thì sẽ có những cách điều trị như sau:

Xuất huyết não:

  • Thuốc điều trị tai biến mạch máu não là thuốc có tác dụng đông cầm máu, có thể sử dụng Transamin tiêm đường tĩnh mạch.
  • Trong trường hợp kèm theo tình trạng tràn máu não thất thì tiêm Nimotop đường tĩnh mạch, sử dụng bơm điện có tác dụng chống co mạch và ngăn ngừa tình trạng nhồi máu não thứ phát.
  • Tiến hành thực hiện phẫu thuật để lấy khối máu tụ trong bán cầu với trường hợp khối máu tụ có kích thước hơn 60ml gây nên rối loạn ý thức.
  • Đặc biệt lưu ý phải tìm ra nguyên nhân chảy máu não để điều trị triệt để, nguyên nhân chảy máu não có thể là do phình mạch, dị dạng mạch…

Nhồi máu não:

  • Tiến hành làm tiêu cục máu đông bằng các thuốc tiêu sợi huyết.
  • Khi áp dụng rtPA thì cần thực hiện đúng chỉ định và chống chỉ định của thuốc.
  • Dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như Aspirin 100- 325mg, Ticlopidin 200mg, Clopidogrel 75mg,…
  • Thực hiện chống đông, có thể dùng Heparin, dự phòng bằng các thuốc như Warfarin, Lovenox…
  • Dùng các biện pháp can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông
  • Cho bệnh nhân dùng những thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh như Duxil, Nootropyl, Tanakan…

Ngoài ra, khi những triệu chứng của bệnh  đã thuyên giảm thì cũng cần sử dụng những thuốc điều trị sau tai biến mạch máu não để tránh tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát như nhiễm khuẩn phổi, hệ tiết niệu, nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa…

Một số câu hỏi liên quan đến tai biến mạch máu não

Xử trí khi có người bị tai biến mạch máu não như thế nào?

Khi phát hiện có người bị tai biến thì những người xung quanh phải biết một số thao tác cơ bản sau trong lúc chờ đợi xe cứu thương:

– tường thuật rõ tình trạng của bệnh nhân để các y, bác sĩ chuẩn bị, điều này sẽ rất có ích trong quá trình cấp cứu.

– Nới lỏng quần áo, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn – là tư thế bảo vệ đường thở cho bệnh nhân, cũng  là lựa chọn tốt nhất để  đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

– Nếu người bệnh bị nôn thì cần nghiêng đầu sang một bên để tránh tình trạng xộc lên mũi gây khó thở, tránh để nằm ngửa vì lưỡi sẽ bị tụt xuống họng gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong lúc đang nằm ngửa và ý thức không tỉnh táo sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào trong phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt tư thế bệnh nhân nằm nghiêng về một bên giúp cho các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.

– Nếu có hiện tượng co giật thì ngay lập tức lấy que hoặc đũa có quấn vải đặt vào giữa hai hàm răng, việc này sẽ giúp cho bệnh nhân không cắn vào lưỡi.

Phục hồi chức năng sau tai biến có vai trò như thế nào?

Phục hồi chức năng sau tai biến có thể giúp người bệnh:

+ Khôi phục khả năng vận động, khả năng ngôn ngữ.

+ Độc lập tối đa trong cuộc sống hằng ngày, từ đó giảm mặc cảm, tự ti cho người bệnh.

+ Phòng ngừa các bệnh lý như viêm phổi bệnh viện, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, loét tì đè do nằm lâu đồng thời giảm thời gian và chi phí nằm viện.

Người bị tai biến nên bắt đầu phục hồi chức năng sớm ngay sau khi đã điều trị qua giai đoạn cấp tính  và chuyển sang giai đoạn ổn định. Lưu ý, khoảng thời gian từ 1 đến 6 tháng sau thời điểm tai biến là khoảng thời gian có khả năng người bệnh phục hồi tốt nhất.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân là một quá trình lâu dài đòi hỏi tính kiên trì của cả người bệnh và gia đình. Khả năng và thời gian hồi phục của từng người bệnh là khác nhau và vào mỗi giai đoạn sẽ có các kỹ thuật tập phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh.

Khả năng phục hồi sau tai biến mạch máu não có cao không?

Sau khi bị tai biến mạch máu não thì khả năng hồi phục của bệnh nhân là rất cao, vào khoảng 90% nếu như bệnh nhân chỉ bị tai biến nhẹ, phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, nếu tai biến mạch máu não nặng và có khả năng dẫn đến tử vong thì điều trị rất khó khăn và nguy cơ không phục hồi được là rất cao. Vì vậy, những người bị tai biến khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào dù là thoáng qua thì vẫn nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và tìm ra nếu có và có thể chữa trị tai biến mạch máu não thành công.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Tai biến mạch máu não. Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.