Tăng huyết áp (THA) gây suy thận và ngược lại. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được huyết áp để tránh bị suy thận. Đồng thời cần điều trị tốt suy thận mới hạn chế được tăng huyết áp.
1. Tại sao suy thận lại dẫn đến tăng huyết áp?
Thận có vai trò quan trọng giúp ổn định huyết áp trong cơ thể. Khi thận bị suy giảm chức năng, khả năng điều hòa huyết áp cũng bị ảnh hưởng, khiến huyết áp tăng cao. Người bị bệnh suy thận càng nặng, nguy cơ bị tăng huyết áp càng lớn. Có thể nói, tăng huyết áp là một biến chứng của suy thận mạn.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp trong thời gian dài có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trong đó có thận. Tăng huyết áp khiến các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương và dần phá hủy khiến thận và các cơ quan khác không nhận được đủ lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động.
Tăng huyết áp là một biến chứng của suy thận mạn
Mặt khác, huyết áp cao khiến bộ lọc ở cầu thận bị phá hủy, khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã, dư thừa ra ngoài cơ thể. Nước ứ thừa và chất độc hại đọng lại trong hệ mạch máu lâu ngày khiến huyết áp ngày càng tăng cao. Quá trình này diễn ra liên tục dần dần dẫn đến suy thận mạn.
Bệnh nhân suy thận mạn bị tăng huyết áp rất nguy hiểm, khiến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn và chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm kiểm soát huyết áp, làm giảm quá trình tổn thương thận và phòng tránh các bệnh lý do tăng huyết áp gây nên.
2. Làm gì để ngăn chặn và điều trị suy thận
Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị suy thận là rất cao. Ngay khi được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh nên làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận và mức độ tổn thương của các cơ quan khác.
Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Trong quá trình điều trị bệnh tại nhà, bệnh nhân cần tự theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp liên tục và ghi lại vào sổ theo dõi. Nếu thấy huyết áp bất thường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần đi khám định kỳ, đánh giá chức năng thận, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc suy thận sớm…
Để ngăn chặn và điều trị suy thận ở bệnh nhân tăng huyết áp cần thay đổi lối sống một cách khoa học. Bệnh nhân cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng. Đặc biệt, cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường các loại rau xanh, củ quả, các thực phẩm ít béo, các chế phẩm từ sữa, thịt nạc…
Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, các thức ăn chiên rán nhiều chất béo bão hòa. Hiệu quả của việc áp dụng chế độ ăn kiêng để loại trừ tăng huyết áp có thể làm giảm huyết áp tâm thu gần tương đương với liệu pháp sử dụng duy nhất 1 loại thuốc chống huyết áp.
Ngoài ra, bệnh nhân cần giảm lượng muối, đồ uống có cồn. Ăn nhạt sẽ giúp ích cho việc giảm huyết áp.
3. Điều trị cho bệnh nhân bị cả suy thận và tăng huyết áp
Đối với bệnh nhân bị cả suy thận và tăng huyết áp thì mục tiêu điều trị là kiểm soát huyết áp và làm giảm quá trình tổn thương của thận, đồng thời hạn chế các nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Mức huyết áp cần đạt được là dưới 130/80mmHg.
Để làm được điều này, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, thực hiện chế độ ăn kiêng và lối sống lành mạnh đã nêu trên. Chế độ ăn kiêng và thay đổi lối sống phù hợp với từng giai đoạn bệnh thận. Người bị bệnh suy thận giai đoạn 1 – 2 nên ăn nhiều rau củ, hoa quả, bơ sữa. Người bị bệnh suy thận giai đoạn 2 – 3 nên ăn nhạt và hạn chế chất béo để không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Người bị bệnh suy thận giai đoạn 3 – 4 nên hạn chế thức ăn chứa nhiều photpho, kiểm soát lượng protein hàng ngày để hạn chế các bệnh về xương. Kiêng tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Không tự ý bỏ thuốc, uống thuốc đúng liều lượng và tuân thủ lịch khám định kỳ.
Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, thực hiện chế độ ăn kiêng và lối sống lành mạnh
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn