Khi các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản quá nghiêm trọng, chẳng hạn như axit trào ngược làm viêm loét thực quản dẫn có thể dẫn đến xuất huyết hoặc loét đường tiêu hóa trên. Sẹo hình thành từ những tổn thương mô cũng gây hẹp thực quản, khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn. Phẫu thuật nội soi điều trị trào ngược dạ dày thực quản giúp cải thiện triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản và ngăn ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.
1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là sự suy giảm chức năng của hàng rào ngăn chặn sự trào ngược làm cho những chất chứa bên trong dạ dày bị trào ngược trở lại thực quản.
Đây là một bất thường có tính cơ học được gây ra do cơ vòng thực quản dưới bị yếu đi, rối loạn chức năng làm trống dạ dày hoặc mất nhu động thực quản. Những bất thường trên gây ra một nhóm những bệnh từ nhẹ như ợ nóng, đến nặng như tổn thương mô thực quản cùng với những biến chứng kèm theo.
2. Các triệu chứng và biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Các triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, trớ, nuốt khó. Triệu chứng không điển hình gồm đau ngực, cảm giác cục nghẹn, ứa nước bọt trong họng, ho mạn tính, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, nấc… thường do biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản gây nên.
Biến chứng thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược với các hệ quả loét, teo hẹp. Xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản.
Niêm mạc thực quản bị ngắn do bị thay thế dần bởi niêm mạc dạ dày (chuyển sản niêm mạc Barrett) với nguy cơ hóa ung thư đoạn niêm mạc bị chuyển sản.
Loét thực quản có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Hiếm gặp hơn là gây ra các biến chứng như viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.
3. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
Sử dụng thuốc là lựa chọn đầu tiên trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Viêm thực quản sẽ lành trong khoảng gần 90% trường hợp nếu được điều trị một cách tích cực bằng thuốc.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh nên các triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại trong hơn 80% trường hợp sau 1 năm ngưng thuốc.
Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản là biện pháp cuối cùng. Trước tiên, bác sĩ sẽ cố gắng kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Nếu điều đó không giúp bạn giảm đau, bác sĩ sẽ thử dùng thuốc dài hạn. Khi thuốc cũng không có tác dụng làm giảm bớt triệu chứng, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện phẫu thuật. Bạn cũng có thể cân nhắc đồng ý tiến hành phẫu thuật để tránh dùng thuốc lâu dài.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể điều trị bằng thuốc và phẫu thuật
4. Phẫu thuật nội soi điều trị trào ngược dạ dày thực quản
4.1 Có nên phẫu thuật chống trào ngược dạ dày thực quản không?
Mục tiêu chính của phẫu thuật ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là nhằm củng cố lại hàng rào chống trào ngược mà không tạo ra những tác dụng phụ quá mức. Phẫu thuật được chỉ định trong ca không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Những ca bị biến chứng hẹp thực quản có thể được nong thực quản qua nội soi.
Phẫu thuật chống trào ngược không chỉ dùng đơn thuần trong điều trị bệnh viêm thực quản do trào ngược mà còn được sử dụng phối hợp và trở thành một thì của phẫu thuật mở cơ thực quản tâm vị chữa co thắt tâm vị, nhằm ngăn ngừa hiện tượng trào ngược thứ phát xảy ra sau phẫu thuật mở cơ.
4.2 Chỉ định và chống chỉ định thực hiện phẫu thuật
Chỉ định:
Chỉ định trong trường hợp người bệnh bị viêm thực quản trào ngược được chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, có hoặc không có thoát vị cơ hoành kèm theo, đã được điều trị nội khoa đúng phương pháp trong ít nhất 6 tháng mà không đỡ.
Chống chỉ định:
Chống chỉ định khi thể trạng người bệnh quá yếu không chịu được phẫu thuật, người bệnh già yếu, người bệnh ung thư thực quản, có nhiều bệnh phối hợp. Cụ thể các trường hợp chống chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị trào ngược dạ dày thực quản gồm:
Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột
Cổ trướng tự do hoặc cổ trướng khu trú
Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn
Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng
Bệnh lý rối loạn đông máu
5. Theo dõi và xử lý tai biến sau phẫu thuật
5.1 Theo dõi
Truyền dịch và ống thông dạ dày trong 24 giờ, sau đó người bệnh có thể ăn nhẹ.
Chụp lưu thông thực quản dạ dày bằng thuốc cản quang tan trong nước trong vòng 36 – 48 giờ để kiểm tra độ lưu thông và chức năng của van.
Thường người bệnh ra viện sau khi chụp phim có kết quả tốt, trở lại chế độ ăn uống sau 1 tuần.
5.2 Tai biến trong mổ
Chảy máu là tai biến hay gặp, nguồn chảy có thể la do khi cắt các mạch vị ngắn hay khi tạo đường hầm sau thực quản. Cần xác định rõ chỗ chảy máu để cầm máu.Thủng màng phổi trái khi làm đường hầm do đi lạc khỏi khoang phẫu tích gây tràn khí màng phổi. Xử trí bằng luồn 1 ống thông lên khoang màng phổi hút hết khí, thở áp lực dương và khâu kín khoang màng phổi. Do khí CO2 dễ hấp thu nên ít khi phải dẫn lưu màng phổi.
5.3 Tai biến sau mổ
Viêm phúc mạc do thủng thực quản hay phình vị dạ dày do phẫu tích hoặc đốt phải, biến chứng này hiếm gặp.
Hẹp thực quản do van quá chặt: Thường hiện tượng hẹp tạm thời do viêm phù nề sau mổ trên cơ sở tạo van có thể xảy ra. Xử trí bằng nhịn ăn, thuốc chống viêm phù nề thường hết. Nếu hẹp lâu co thể nong qua đường nội soi.
Viêm thực quản trào ngược tái phát do van quá rộng, thường xảy ra sau một thời gian mất hết triệu chứng. Xử trí bằng điều trị nội khoa không đỡ thì phải mổ lại.
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản đáp ứng kém với thuốc sẽ được chỉ định phẫu thuật
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn