Bẫy động mạch khoeo chân (Popliteal Artery Entrapment Syndrome- PAES) là một trong các nguyên nhân hiếm gặp gây triệu chứng thiếu máu chi dưới mạn tính. Việc chẩn đoán và điều trị muộn sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
1. Bẫy động mạch khoeo chân là bệnh gì?
Động mạch dẫn máu từ tim đến nuôi dưỡng đôi chân, động mạch ở vùng phía sau gối, có tên là động mạch khoeo. Ở vùng này, động mạch nằm sát ngay phía sau các xương và phía trước các cân cơ, các cơ cẳng chân. Ở người bình thường, khi đi lại, các cơ và cân cơ co giãn nhưng không gây chèn ép hay ảnh hưởng đến chức năng cấp máu của động mạch khoeo.
Hội chứng bẫy động mạch khoeo chân (Popliteal artery entrapment syndrome) là một hội chứng hiếm gặp, do phần cơ vùng bắp chân phát triển “lấn sân” ở vị trí bất thường hoặc phì đại đã tạo một đè ép lên động mạch khoeo chân. Khi động mạch này bị “bẫy”, khiến cho dòng máu khó khăn luân chuyển xuống phía dưới cẳng bàn chân, gây ra những rối loạn nhất định cho cẳng bàn chân tùy theo thời gian, mức độ chèn ép.
Bệnh nhân mắc bẫy động mạch khoeo có thể xảy ra từ khi sinh ra (bẩm sinh) hoặc phát triển sau này trong cuộc sống (mắc phải). Ở dạng bẩm sinh, cơ bắp chân hoặc động mạch gần đó được định vị bất thường trong khi em bé lớn lên trong bụng mẹ. Những người có dạng PAES mắc phải có cơ bắp chân to hơn bình thường (mở rộng). Tình trạng này cũng có thể phát triển theo thời gian, do tập thể dục và tập luyện dẫn đến một cơ bắp chân mở rộng, chèn ép động mạch khoeo.
Hội chứng bẫy động mạch khoeo hay còn gọi là “bệnh chạy bộ” hiếm phát hiện vì khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với suy tĩnh mạch.
Bẫy động mạch khoeo là hội chứng hiếm gặp, khó chẩn đoán.
2. Triệu chứng của bẫy động mạch khoeo
Triệu chứng chính của bẫy động mạch khoeo là đau hoặc chuột rút ở phía sau cẳng chân (bắp chân) xảy ra trong khi tập thể dục và nghỉ ngơi. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
Chân lạnh sau khi tập thể dục
Đau nhói hoặc nóng rát ở bắp chân
Tê ở vùng bắp chân
Nếu tĩnh mạch gần đó (tĩnh mạch khoeo) cũng bị kẹt bởi cơ bắp chân, bạn có thể có:
Cảm giác nặng nề ở chân
Chuột rút vào ban đêm
Sưng ở vùng bắp chân
Thay đổi màu da xung quanh cơ bắp chân
Cục máu đông ở chân dưới (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Chuột rút vào ban đêm là triệu chứng thường gặp
3. Yếu tố nguy cơ
Hội chứng bẫy động mạch khoeo là bệnh lý không phổ biến. Những điều sau đây làm tăng nguy cơ của bạn về tình trạng này:
Người trẻ tuổi: Tình trạng này thường thấy nhất ở những người ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi. Nó hiếm khi được chẩn đoán ở những người trên 40 tuổi.
Nam giới: PAES có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng nó phổ biến hơn nhiều ở những người đàn ông trẻ tuổi.
Hoạt động thể thao nặng: những người vận động các môn thể thao chịu sức căng cơ chân như chạy, đạp xe, các môn điền kinh, thường xuyên tập các bài tập tạ hoặc tập luyện cường độ cao có nguy cơ cao nhất.
4. Chẩn đoán bẫy động mạch khoeo
4.1 Chẩn đoán lâm sàng
Biểu hiện đau, mỏi bắp chân giống với hội chứng thiếu máu mạn tính chi do xơ vữa động mạch.
4.2 Chẩn đoán hình ảnh
Các hình ảnh nhận được trước và sau khi làm nghiệm pháp kiễng chân, giúp cho chẩn đoán xác định và chẩn đoán thể bệnh
Siêu âm: Giúp đánh giá lưu lượng dòng chảy, vị trí và mức độ hẹp tắc, vữa xơ của động mạch, lưu lượng tuần hoàn ngoại vi. Với chẩn đoán bẫy động mạch khoeo siêu âm ở tư thế bình thường và tư thế bàn chân gập về phía gan chân tối đa cần được thực hiện. Khi tốc độ dòng chảy ngoại vi bị giảm sau làm nghiệm pháp nghĩa là có PAES. Kết hợp với lâm sàng (bắt mạch) khi bệnh nhân ở tư thế kiễng chân để chẩn đoán chính xác hơn.Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT)Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Sử dụng sóng siêu âm để chụp ảnh động mạch và đo lưu lượng máu trong chẩn đoán bẫy động mạch khoeo chân
5. Biến chứng của bẫy động mạch khoeo
Áp lực lâu dài lên động mạch khoeo có thể khiến động mạch bị hẹp, gây đau và chuột rút dù người bệnh chỉ hoạt động nhẹ, chẳng hạn như đi bộ.
Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc khi không được chẩn đoán sớm, các dây thần kinh và cơ bắp ở chân có thể bị tổn thương. Cục máu đông có thể xảy ra ở chi dưới (huyết khối tĩnh mạch sâu). Các vận động viên lớn tuổi với các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng bẫy động mạch khoeo nên được kiểm tra phình động mạch chủ.
Bẫy động mạch khoeo không được điều trị sớm sẽ hình thành cục máu đông
6. Điều trị bẫy động mạch khoeo
Phẫu thuật là cách duy nhất để điều chỉnh cơ bắp chân bất thường và giải phóng động mạch bị mắc kẹt. Điều này giúp loại bỏ sự chèn ép động mạch và cho phép lưu lượng máu bình thường đến chân. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của người bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch vào bắp chân bên trong ngay dưới đầu gối, hoặc phía sau đầu gối, để giải phóng cơ bắp chân bất thường và cung cấp cho động mạch nhiều chỗ hơn. Điều này sẽ ngăn chặn cơ bắp chân ấn vào động mạch trong tương lai. Bệnh nhân được gây mê toàn thân trong quá trình phẫu thuật.
Nếu tình trạng chèn ép đã xảy ra trong một thời gian dài, bạn có thể cần phẫu thuật bắc cầu động mạch. Phẫu thuật bắc cầu thường chỉ được thực hiện trên những người bị hẹp động mạch nghiêm trọng do hội chứng bẫy động mạch khoeo kéo dài.
Phẫu thuật giải phóng cơ bắp chân và động mạch khoeo thường không ảnh hưởng đến chức năng của chân. Khi tình trạng này được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn và các triệu chứng sẽ biến mất.
Tóm lại, bẫy động mạch khoeo là bệnh lý hiếm gặp do bất thường cấu trúc giải phẫu của vùng cơ bắp chân gây chèn ép động mạch khoeo. Chẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng và siêu âm, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất được khuyến cáo, tùy thuộc từng giai đoạn bệnh, giai đoạn thương tổn mạch mà có phương pháp phẫu thuật hợp lý.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn