Có nhiều phương pháp điều trị suy tim như sử dụng thuốc, bóng đối xung nội động mạch chủ, tái đồng bộ cơ tim, cấy máy tạo nhịp – khử rung, cấy ghép dụng cụ hỗ trợ thuốc, ghép tim. Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân gây suy tim mà bác sỹ sẽ lựa chọn biện pháp can thiệp phù hợp nhất với tình trạng bệnh nhân.
1. Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng cung cấp máu đảm bảo cho những hoạt động hàng ngày của cơ thể. Suy tim là con đường chung dẫn đến hầu hết các bệnh lý tim mạch. Người bị suy tim sẽ suy giảm các chức năng vận động, suy giảm chất lượng sống, tùy theo từng mức độ mà cần sự hỗ trợ khác nhau.
Ngoài ra, bệnh nhân bị suy tim nặng còn có nguy cơ tử vong cao do các rối loạn nhịp tim và các đợt suy tim mất bù. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, có 4 mức độ suy tim được phân loại theo triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức như sau:
Mức độ I: Không hạn chế các hoạt động thường ngày, không gây khó thở, mệt mỏi hay hồi hộp.
Mức độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực, khi nghỉ ngơi bệnh nhân khỏe mạnh bình thường, những vận động thể lực thông thường khiến bệnh nhân hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, đau ngực.
Mức độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực, mặc dù bệnh nhân khỏe mạnh bình thường khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ cũng đã xuất hiện những triệu chứng cơ năng.
Mức độ IV: Mức độ vận động thể lực nào cũng gây khó chịu cho bệnh nhân, các triệu chứng cơ năng xuất hiện ngay sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi, chỉ cần vận động nhẹ cũng làm tăng những triệu chứng cơ năng.
Suy tim có 4 mức độ
2. Các phương pháp phẫu thuật điều trị suy tim
Phẫu thuật có thể điều trị một số nguyên nhân cơ bản của bệnh suy tim, chẳng hạn như nghẽn động mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, dày thất… hoặc hỗ trợ, thay thế đối với các nguyên nhân không thể sửa được.
2.1 Phẫu thuật bắc cầu chủ vành
Đây là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị suy tim do nguyên nhân bệnh lý mạch vành, tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt với nhiều nguy cơ khác nhau. Hiện nay các trung tâm tim mạch đang áp dụng các chiến lược mới làm giảm đi các nguy cơ trước, trong và sau phẫu thuật và cải thiện tiên lượng đối với người bệnh.
2.2 Phẫu thuật thay van tim
Bệnh van tim có thể điều trị bằng phẫu thuật van tim truyền thống, nội soi, xâm lấn tối thiểu và can thiệp thay van qua da như TAVI,…
2.3 Cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái
Đây là phương pháp được sử dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với những biện pháp điều trị khác và phải nhập viện trong tình trạng suy chức năng thất trái nặng. Dụng cụ này có tác dụng bơm máu đi toàn cơ thể, cho phép người bệnh có thời gian chờ đợi tim tự hồi phục hoặc phẫu thuật ghép tim khi có tim ghép phù hợp. Phương pháp này còn coi như biện pháp cuối cùng khi mà bệnh nhân không phù hợp ghép tim.
2.4 Ghép tim
Ghép tim là phương pháp được cân nhắc khi bệnh nhân suy tim quá nặng, không đáp ứng được những biện pháp trên.
Phẫu thuật ghép tim
3. Bệnh nhân cần lưu ý sau khi điều trị suy tim bằng phẫu thuật
3.1 Vận động sau phẫu thuật suy tim
Để tránh tình trạng ứ đọng dịch trong phổi hay nguy cơ nhiễm trùng, tràn dịch màng phổi người bệnh nên tập thở sâu hoặc tập ho khạc đờm. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể hoạt động nhẹ nhàng, tuy nhiên tình trạng của bệnh nhân quá kém thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Sau phẫu thuật bệnh nhân tuyệt đối không hoạt động mạnh, nhất là trong giai đoạn xương ức đang lành. Không đẩy kéo vật nặng, kéo cửa nặng, không nín thở khi mang vật nặng hay đi đại tiện…Để quá trình phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn thì bệnh nhân nên tập luyện những vận động dạng nhẹ như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang. Đối với những hoạt động khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch tập luyện phù hợp. Khi đi bộ, nên bắt đầu từ những bước ngắn vừa sức, sau đó tăng cường độ dần dần, khi cảm thấy mệt thì hãy nghỉ ngơi, không cần tập luyện quá sức. Đối với lên xuống cầu thang cần chậm rãi, tránh gắng sức, cần nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, tối đa mỗi lần chỉ nên lên xuống 2 đợt cầu thang.Đối với việc quan hệ tình dục sau khi phẫu thuật tim cũng hết sức lưu ý. Nên tránh các tư thế đè lên ngực, giữ nhịp tim không tăng quá cao khi sinh hoạt, đặc biệt là bệnh nhân trước mổ có suy tim. Nên lựa chọn thời điểm thích hợp để quan hệ tình dục sau mổ, tốt nhất là khi bạn nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ, cơ thể không mệt mỏi và căng thẳng. Nếu trong quá trình quan hệ có cảm giác đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi thì cần dừng lại ngay để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
3.2. Chế độ dinh dưỡng
Ưu tiên những thực phẩm có chứa stanols, PUFA, MUFA từ hoa quả, thực vật, rau xanh, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất xơ có tác dụng làm giảm cholesterol xấu. Giảm các loại thực phẩm có chứa hàm lượng Cholesterol cao. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến BS tim mạch vì những tương tác với thuốc đang sử dụng.
Chia nhỏ các bữa ăn, cách nhau từ 2 đến 3 tiếng, lượng carbonhydrate chỉ nên nạp từ những nguồn như rau củ quả.Chế độ ăn ít chất béo, lượng chất béo cung cấp trong mỗi khẩu phần ăn không quá 25%. Nên ưu tiên sử dụng những loại chất béo có nguồn gốc thiên nhiên.
Tránh sử dụng các loại thịt đỏ, nên sử dụng thịt nạc.Bổ sung thêm protein bằng cách ăn đậu phụ, đậu phộng, hạt không ướp muối.
Không nên ăn các loại thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ như đồ ăn nhanh, lòng đỏ trứng, bơ và sữa nguyên kem.Hạn chế sử dụng trứng, phô mai, tôm cua.
Tránh những thực phẩm có chứa nhiều muối như thịt xông khói, bơ đậu phộng, cá hồi hun khói, nước sốt spaghetti, súp đóng hộp,…Tránh xa thuốc lá, các loại chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu bia.
Nên chia nhỏ các bữa ăn sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật điều trị suy tim, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để theo dõi tình hình sức khỏe. Cần lưu ý về chế độ hoạt động và dinh dưỡng để quá trình phục hồi được nhanh chóng hơn.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn