Huyết khối có thể xảy ra ở bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể, nhưng đa số là tại các tĩnh mạch, nhất là các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể như là ở chân gây ra bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis – DVT).
1. Huyết khối là gì?
Huyết khối là quá trình các tế bào máu tập trung đến các mạch máu bị rách và làm ngừng chảy máu khi bạn bị thương, ví dụ như bạn vô tình làm mình chảy máu, lúc này quá trình đông máu sẽ được kích hoạt. Các tiểu cầu được triệu tập đến vùng tổn thương để tạo ra nút chặn ban đầu.
Các yếu tố đông máu trong máu gây ra một phản ứng dây chuyền nhanh chóng, dẫn đến hình thành các sợi fibrin giữ các tiểu cầu với nhau. Nhiều tiểu cầu phóng thích các chất hóa học để thu hút các tiểu cầu khác tạo thành một cục máu đông bền hơn và ngăn chặn tình trạng chảy máu.
Các protein trong cơ thể giúp xác định thời điểm dừng lại quá trình tạo cục máu đông khi nó đủ lớn. Khi vết thương được chữa lành, các sợi sẽ tự hòa tan và những tiểu cầu quay trở lại mô máu bình thường.
2. Cơ chế hình thành huyết khối
Huyết khối hay cục máu đông được định nghĩa là một quá trình bệnh lý do sự phát động và lan rộng bất hợp lý của các phản ứng đông cầm máu trong cơ thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu. Tuỳ theo kích thước của huyết khối, đường kính mạch máu mà huyết khối có thể gây tắc mạch hoàn toàn hay bán tắc hoặc nghẽn mạch…
Các giai đoạn hình thành huyết khối
Quá trình hình thành cục máu đông (huyết khối) chính là quá trình đông máu với trên 30 yếu tố tham gia vào quá trình này, trải qua các giai đoạn:
2.1. Giai đoạn thành mạch
Khi mạch máu bị tổn thương, thành mạch co lại theo cơ chế phản xạ. Tiểu cầu đang di chuyển tự do trong lòng mạch sẽ tụ lại chỗ tổn thương hình thành một nút gọi là cục máu trắng hay đinh Hayem, các tiểu cầu sẽ bám dính lại với nhau và chế tiết ra một số yếu tố khởi động cho quá trình đông máu và đây được gọi là giai đoạn tự cầm máu.
2.2. Giai đoạn huyết tương
Giai đoạn này khá phức tạp. Trong các mạch máu với sự tham gia của rất nhiều các yếu tố; hình thành thromboplastin, hình thành thrombin tác động lên fibrinogen cuối cùng tạo nên các sợi tơ huyết (fibrin).
2.3. Giai đoạn huyết khối đông
Gồm giai đoạn co cục máu và tiêu cục máu đông. Sự tiêu cục máu đông nhờ khả năng phân hủy của men plasmin được điều hòa bởi một số chất kích thích và ức chế.
Phân loại huyết khối
Xét về cấu trúc, huyết khối thường có hai loại là huyết khối trắng và đỏ, cũng có thể gặp loại hỗn hợp. Huyết khối trắng hình thành khi tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu kết dính và ngưng tập, thành phần chủ yếu là tiểu cầu; thường gặp ở động mạch như mạch vành, mạch não,…
Huyết khối đỏ hình thành khi dòng máu chảy chậm với thành phần chính là sợi fibrin bao bọc hồng cầu, thường gặp ở tĩnh mạch.
Ngoài ra, huyết khối còn được phân thành huyết khối động mạch, tĩnh mạch và vi mạch.
Huyết khối động mạch có thành phần chủ yếu là tiểu cầu. Tổn thương thành mạch và sự tăng hoạt hóa tiểu cầu là yếu tố chính gây huyết khối. Thường gặp ở người bệnh tim mạch như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường…
Xét về cấu trúc, huyết khối thường có hai loại là huyết khối trắng và đỏ
3. Những yếu tố gây nên huyết khối tắc mạch
3.1 Bất thường thành mạch
Cấu trúc thành mạch bình thường gồm 3 lớp: ngoại mạc, trung mạch và nội mạch. Trong đó, lớp nội mạc tiếp xúc trực tiếp với dòng máu lưu thông trong mạch. Bình thường, lớp nội mạc sẽ tổng hợp và bài tiết ra những chất ức chế hoạt hóa tiểu cầu và làm giãn mạch. Khi có sự không toàn vẹn của nội mạc sẽ khiến tắc mạch bởi mất các đặc tính chống tắc mạch và sự bộc lộ các thành phần hoạt hoá tiểu cầu ở dưới nội mạc. Thường gặp ở những người bệnh xơ vữa động mạch vành, tăng huyết áp,…
3.2 Bất thường dòng chảy của máu
Khi dòng chảy của máu tăng, độ dịch chuyển cao hoặc dòng chảy của máu giảm, độ dịch chuyển giảm hoặc độ nhớt của máu tăng đều sẽ kích hoạt tiểu cầu dẫn đến hình thành huyết khối gây tắc mạch.
3.3 Bất thường các thành phần máu
Tất cả những bất thường về tiểu cầu, yếu tố đông máu, các chất ức chế đông máu cũng như những yếu tố tham gia hệ thống tiêu sợi huyết đơn độc hoặc kết hợp đều có thể dẫn tới huyết khối (cục máu đông).
4. Dấu hiệu của huyết khối
4.1 Sưng nề một chân
Trong hầu hết các trường hợp, DVT sẽ dẫn đến sưng ở chân bị bệnh. Nó thường dễ nhận thấy ở dưới đầu gối và hiếm khi xảy ra ở cả hai chân. Nguyên nhân là vì khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, máu không thể trở lại tim và áp lực làm cho dịch thoát ra ở chân.
4.2 Đổi màu da
Khi dòng chảy của máu bị tắc lại trong các tĩnh mạch, da trên vùng đó có thể bắt đầu bị thay đổi màu sắc, như vết bầm tím. Có thể thấy các sắc thái của màu xanh, tím hoặc thậm chí là màu đỏ. Nếu da bị đổi màu kèm theo ngứa hoặc nóng khi sờ, thì bạn rất nên đi khám bác sĩ.
4.3 Khó thở
Do lưu thông máu bị ảnh hưởng, nồng độ oxy có thể bắt đầu giảm. Hệ quả là bạn có thể cảm thấy nhịp tim tăng, ho khan và khó thở.
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cục máu đông đã di chuyển đến phổi, đặc biệt là khi kèm theo chóng mặt. Hãy gọi cấp cứu và tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt trong những trường hợp như vậy.
4.4 Đau ở một chân hoặc tay
Loại đau này có thể xảy ra đơn thuần hoặc kèm theo dấu hiệu đổi màu da và sưng. Đau do huyết khối có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với chuột rút hoặc căng cơ, đó là lý do tại sao vấn đề thường không được chẩn đoán và đặc biệt nguy hiểm.
4.5 Đau dữ dội ở ngực
Khi cục máu đông di chuyển đến phổi, nó có thể gây thuyên tắc phổi và gây các triệu chứng tương tự như cơn đau tim.
Theo BS. Thomas Maldonado từ Trung tâm Y tế Langone NYU, cơn đau âm ỉ cảm giác ở giữa ngực nhưng lan ra các vùng xung quanh nhiều khả năng là cơn đau tim. Còn thuyên tắc phổi có thể cảm thấy giống như một cơn đau chói tăng lên mỗi khi hít thở.
Khi cục máu đông di chuyển đến phổi, nó có thể gây thuyên tắc phổi và gây các triệu chứng tương tự như cơn đau tim
5. Kẻ thù của bệnh nhân tim mạch
Trong điều kiện bình thường, huyết khối hình thành thường nhỏ và thời gian tồn tại ngắn, các cục máu đông này sẽ được dọn dẹp sạch sẽ bởi chất tiêu sợi huyết như plasmin. Nó có tác dụng cầm máu khi bị chảy máu do tổn thương đứt rách.
Tuy nhiên, khi quá trình này xảy ra trong lòng mạch mà không phải do đứt rách thì nó được gọi là huyết khối bệnh lý và gây hại cho cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Sự hình thành huyết khối bệnh lý là hậu quả tác động qua lại của 3 yếu tố: sự thay đổi huyết động, tính toàn vẹn của nội mạch và sự tăng tiểu cầu cùng các protein đông máu.
Những cục máu đông hình thành không đúng lúc đúng chỗ trong lòng mạch có thể sẽ dừng lại ở 1 vị trí, lớn dần lên gây tắc mạch hoặc di chuyển đến bất cứ nơi nào theo dòng chảy của máu, tới mạch máu có đường kính nhỏ hơn kích thước của nó sẽ gây nghẽn mạch, thật sự rất nguy hiểm khi nó di chuyển tới mạch máu não gây đột quỵ não, tới tim gây đột quỵ tim, và có thể cướp đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào mà không hề báo trước.
Ở người bệnh tim mạch, nguy cơ hình thành huyết khối là rất khó tránh khỏi. Chính vì vậy, mới nói rằng huyết khối là kẻ thù của bệnh nhân tim mạch.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn