Suy tim là tình trạng tim suy yếu không còn đủ khả năng bơm máu để cung cấp oxy cho toàn cơ thể, là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch. Các thuốc điều trị nhằm mục đích giảm gánh nặng cho tim, tăng cung lượng máu lên tim nhằm đáp ứng nhu cầu oxy của toàn cơ thể, ngăn ngừa các biến cố tim mạch, giảm tỷ lệ tử vong
Suy tim cần phải điều trị suốt đời bằng cách sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị suy tim, trong đó mỗi nhóm đều có những ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào từng mức độ suy tim, các bệnh lý đi kèm, độ tuổi mà có phác đồ điều trị khác nhau.
1. Các nhóm thuốc chính trong điều trị suy tim
1.1. Thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin (ƯCMC)
Thuốc ức chế men chuyển là lựa chọn hàng đầu trong điều trị suy tim, không chỉ làm giảm triệu chứng mà còn cải thiện được tiên lượng bệnh đáng kể.Tác dụng: Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế men chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II, làm giãn mạch, hạ huyết áp, làm giảm hậu gánh và tiền gánh, từ đó làm giảm gánh nặng cho tim. Ngoài ra thuốc còn được chứng minh cải thiện chức năng nội mạc, cải thiện chức năng thất trái…Các thuốc nhóm ức chế men chuyển gồm: Captopril, Enalapril, Lisinopril, Ramipril, Trandolapril, Perindopril.Lưu ý khi sử dụng:Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất là ho khan do tăng tổng hợp bradykinin, đôi khi bệnh nhân không thể dùng thuốc do ho khan nhiều. Thông báo cho bác sĩ nếu ho khan nhiều.Chống chỉ định: Hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai, tăng kali máu.Thận trọng khi dùng thuốc ức chế men chuyển cùng với loại lợi tiểu giữ kali hoặc dùng thuốc cho bệnh nhân có huyết áp thấp.
Thuốc ức chế men chuyển là lựa chọn hàng đầu khi điều trị suy tim
1.2. Nhóm thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin
Thuốc ức chế thụ thể tác dụng lên hệ renin làm giãn mạch, cải thiện chức năng thất được lựa chọn đầu trong điều trị suy tim, ở bệnh nhân không dung nạp thuốc ức chế men chuyển.Các thuốc nhóm này ức chế trực tiếp thụ thể AT1 nơi mà angiotensine II gây ra các tác dụng trên các tổ chức đích (mạch, thận, tim…). Mặt khác, thuốc không làm tăng bradykinin nên không gây ra triệu chứng như ho khanCác thuốc nhóm ức chế thụ thể bao gồm: Valsartan, Candesartan, Losartan;Lưu ý: Chống chỉ định: Hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai, tăng kali máu.
1.3. Thuốc ức chế kép thụ thể Angiotensin- Neprilysin (ARNI)
Thuốc ức chế thụ thể kép gồm Sacubitril/Valsartan được chỉ định điều trị cho bệnh nhân suy tim mạn tính, thay thế cho nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin nếu không đáp ứng với các nhóm này.Lưu ý: Chống chỉ định và thận trọng: tiền sử phù mạch với thuốc ức chế men chuyển, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai…
1.4. Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta đã trở thành một lựa chọn quan trọng, hàng đầu giúp cải thiện sống còn, giảm tái nhập viện do đợt cấp và giảm đột tử do suy tim.
Thuốc chẹn beta giúp làm giảm nguy cơ đột tử do suy tim
Chỉ định trong trường hợp suy tim mạn tính với phân suất tống máu thất trái giảm.Trên thị trường có 4 loại thuốc chẹn beta có thể sử dụng trong điều trị suy tim: carvedilol; metoprolol, bisoprolol và nevibolol.Lưu ý:Chống chỉ định: suy tim ứ huyết, nhịp chậm, hen phế quản…Dùng thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim luôn phải xem xét kỹ các chống chỉ định, nên bắt đầu bằng liều rất thấp, theo dõi chặt chẽ và tăng dần liều chậm.
1.5. Nhóm lợi tiểu kháng aldosterone
Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone làm giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân suy tim nặng.Thuốc kháng aldosterone không chỉ có tác dụng lợi tiểu mà đặc biệt còn kháng lại sự tăng aldosterone trong suy tim nặng làm giảm sự co mạch, giữ muối và nước, sự phì đại cơ tim, suy thận, rối loạn chức năng nội mạch…Lưu ý: Chống chỉ định và thận trọng: suy thận nặng, tăng kali máu.
2. Các nhóm thuốc khác
2.1. Thuốc lợi tiểu
Tăng thải muối nước, giúp giảm triệu chứng ứ huyết do suy tim, có thể chỉ định cho tất cả các giai đoạn của suy tim nếu có ứ huyết.Các thuốc nhóm lợi tiểu bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide, lợi tiểu quai.Nhóm thuốc lợi tiểu thiazide: Chlorothiazide, Hydrochlothiazide, Metolazone, Indapamide…Nhóm thuốc lợi tiểu tác dụng lên quai Henle (Furosemid, Bumetanide, Acid Ethacrynic…): Furosemide đặc biệt có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân suy tim nặng hoặc bị phù phổi cấp.
Thuốc lợi tiểu được chỉ định cho tất cả các giai đoạn của suy tim nếu có ứ huyết
2.2. Glucosid trợ tim (Digoxin)
Liều thấp digoxin có hiệu quả làm giảm triệu chứng và tỷ lệ tái nhập viện trong suy tim mạn tính.Chỉ định: Suy tim với cung lượng tim thấp, bệnh cơ tim giãn, đặc biệt khi có nhịp tim nhanh; suy tim có kèm các rối loạn nhịp trên thất, đặc biệt trong rung nhĩ hay cuồng nhĩ.Lưu ý:Liều cao digoxin theo cách dùng cổ điển (liều tấn công và duy trì) có thể làm tăng tử vong và không được khuyến cáo dùng hiện nay.Chống chỉ định: Nhịp tim chậm; bloc nhĩ – thất cấp II, cấp III chưa được đặt máy tạo nhịp; rối loạn nhịp thất; hội chứng Wolff – Parkinson – White; bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn; hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi nặng.Thận trọng trong trường hợp: nhồi máu cơ tim cấp và các rối loạn điện giải, thận trọng khi dùng phối hợp với các thuốc amiodarone; quinidine; calci…
2.3. Nhóm chẹn kênh If (Ivabradine)
Có tác dụng làm giảm tần số nhịp xoang, giảm tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch và tái nhập viện do suy tim.Khuyến cáo trên bệnh nhân suy tim có EF < 35%, nhịp xoang, tần số tim > 70 ck/phút dù đã tối ưu hóa điều trị suy tim bằng chẹn beta ức chế men chuyển, kháng aldosterone mà không áp ứng
Lưu ý: chống chỉ định nhịp tim chậm.
2.4. Kết hợp Hydralazine và Isosorbide dinitrate
Chỉ định trên bệnh nhân suy tim EF < 35% hoặc EF< 45% có kèm giãn buồng tim trái, khó thở NYHA III-IV dai dẳng dù đã sử dụng các nhóm thuốc khác.Lưu ý: Điều trị thay thế cho nhóm ức chế men chuyển trong trường hợp không dung nạp hoặc có chống chỉ định nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn