Cục máu đông (huyết khối) được hình thành trong điều kiện sinh lý bình thường là một quá trình cầm máu tự nhiên, có ý nghĩa bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, cục máu đông (huyết khối) được ra bất thường trong lòng mạch có thể dẫn đến tắc mạch và vỡ mạch máu. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới,….
Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Cục máu đông (huyết khối). Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.
Cục máu đông (huyết khối) là gì?
Cục máu đông (huyết khối) là những khối thạch (dạng gel) có cấu tạo từ hồng cầu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu và yếu tố bảo vệ được hình thành trong mạch máu giúp bịt kín vết thương, ngăn sự chảy máu ra khỏi lòng mạch.
Sự hình thành cục máu đông trong điều kiện sinh lý bình thường của cơ thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: một là ngăn sự chảy máu ra khỏi lòng mạch, tránh cơ thể bị mất máu quá nhiều do tổn thương; hai là thúc đẩy quá trình hình thành sẹo, tái tạo mô mới làm lành vết thương. Tuy nhiên, sự hình thành cục máu đông trong điều kiện bất thường có thể dẫn đến tình trạng tắc mạch, vỡ mạch – nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm: thiếu máu cơ tim, nhồi máu não, hoại tử chi,…
Quá trình hình thành và tiến triển của cục máu đông (huyết khối) trong cơ thể
Sự hình thành cục máu đông và tiêu hủy cục máu đông trong lòng mạch máu là chuỗi phản ứng nối tiếp nhau tiến triển theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn I – co mạch tại chỗ
Ngay khi thành mạch bị tổn thương, dưới tác động của cơ chế thần kinh và thể dịch, phản ứng co mạch tại chỗ được thiết lập để thu nhỏ diện tích vị trí mạch máu tổn thương, giảm lưu lượng và tốc độ máu để ngăn máu chảy ra khỏi lòng mạch, tránh dẫn đến tình trạng cơ thể mất máu quá mức.
Giai đoạn II – hình thành nút thắt tiểu cầu
Sự hình thành nút thắt tiểu cầu là phản ứng tiếp theo của quá trình cầm máu. Mạch máu tổn thương bộc lộ lớp collagen tích điện (+) giúp các tế bào tiểu cầu (tích điện -) dễ dàng bám dính vào thành mạch. Sau khi kết dính, tế bào tiểu cầu bị thay đổi hình dạng tiết ra các chất hoạt hóa giúp thu hút tiểu cầu khác đang di chuyển tự do trong lòng mạch máu hình thành nên nút thắt tiểu cầu
Giai đoạn III – hình thành cục máu đông
Đông máu là quá trình máu chuyển từ thể lỏng sang thể đặc. Quá trình đông máu chịu ảnh hưởng của hơn 50 chất khác nhau (trong đó có 12 yếu tố đông máu và ion Ca ++) . Quá trình đông máu gồm 3 phản ứng diễn ra kế tiếp nhau
+ Phản ứng (1): Hình thành phức hệ prothrombinase thông qua con đường đông máu nội sinh (do máu tiếp xúc với các yếu tố lạ) và con đường đông máu ngoại sinh (thành mạch máu tổn thương)
+ Phản ứng (2) – Hình thành thrombin: prothrombinase được tạo thành từ phản ứng thứ nhất sẽ xúc tác cho quá trình chuyển hóa prothrombin thành thrombin trong huyết tương.
+ Phản ứng (3) – Hình thành fibrin: Sản phẩm Thrombin ở phản ứng thứ hai sẽ xúc tác cho quá trình chuyển fibrinogen trong huyết tương thành fibrin. Mạng lưới fibrin được hình thành giam giữ các tế bào máu hình thành nên cục máu đông bịt kín vết thương.
Giai đoạn IV – tan cục máu đông
Sau khi cục máu đông lấp kín vùng mạch máu bị tổn thương, nó sẽ tan ra để lòng mạch dưới tác động của plasmin trong huyết tương. Mục đích của quá trình tiêu cục máu đông: giúp lòng mạch thông thoáng, mạch máu tiếp tục cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để đảm bảo việc nuôi dưỡng các mô bên dưới vùng bị tổn thương.
Bất thường về hoạt động của tiểu cầu, yếu tố đông máu hoặc thành mạch có thể dẫn đến hai tình trạng bệnh lý
+ Khó đông máu (bệnh ưa chảy máu)
+ Tăng đông máu (huyết khối)
Ý nghĩa của sự hình thành cục máu đông (huyết khối) với cơ thể
- Hình thành cục máu đông có vai trò sống còn đối với cơ thể, ngăn ngừa chảy máu và mất máu cho cơ thể, tạo điều kiện tái tạo mô mới và làm lành vết thương.
- Trong bệnh lý huyết khối, cục máu đông hình thành bất thường và khó bị tiêu hủy, khi chúng di chuyển đến vị trí mạch máu nhỏ có thể gây tắc mạch. Tắc mạch do huyết khối cản trở quá trình lưu thông của mạch máu, khiến nguồn cung cấp Oxy và dinh dưỡng cho cơ quan không đủ để chúng có thể thực hiện chức năng bình thường. Hậu quả của huyết khối là nhồi máu cơ tim (thiếu máu cơ tim), nhồi máu não (thiếu máu lên não), hoại tử chi,…
Phân loại cục máu đông (huyết khối)
Xét về cấu tạo: huyết khối trắng và huyết khối đỏ
+ Huyết khối trắng: thành phần chủ yếu là tiểu cầu, thường được hình thành nơi tốc độ dòng máu lớn như động mạch vành, động mạch não,…
+ Huyết khối đỏ: thành phần chủ yếu là sợi fibrin bao bọc khối hồng cầu, được hình thành nơi dòng máu chảy chậm ví dụ như tĩnh mạch.
Xét về vị trí huyết khối:
+ Huyết khối tĩnh mạch
+ Huyết khối động mạch
+ Huyết khối mao mạch
Những yếu tố tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (bệnh lý)
+ Tổn thương thành mạch máu: Bình thường lớp tế bào nội mô mạch máu luôn trơn nhẵn và bài tiết chất prostacyclin có tác dụng chống đông máu, giúp dòng máu lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, ở một số bệnh lý như xơ vữa động mạch, cholesterol tích tụ bám vào lớp tế bào nội mô khiến chúng bị tổn thương, từ đó hoạt hóa quá trình đông máu của cơ thể, hình thành cục máu đông rải rác trong lòng mạch.
+ Bất thường dòng chảy của máu: Cục máu đông thường dễ hình thành ở nơi có áp lực máu cao (bệnh tăng huyết áp) hoặc nơi có tốc độ dòng chảy chậm (huyết khối tĩnh mạch chi dưới)
+ Tăng số lượng tiểu cầu (u tủy xương) hoặc tăng hoạt động của tiểu cầu
+ Bất thường yếu tố đông máu: Có 12 yếu tố đông máu tham gia vào quá trình hình thành cục máu đông. Do đó nếu rối loạn hoạt động của 1 trong 12 yếu tố đông máu trên có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bệnh lý.
Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh huyết khối
- Nguy cơ cao mắc bệnh huyết khối động mạch
+ Người mắc bệnh lý về tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch,…
+ Người mắc bệnh đái tháo đường tuýp I và tuýp II
+ Người có thể trạng béo phì, có lối sống tĩnh tại ít vận động
- Nguy cơ cao mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch
+ Người già, tuổi cao (trên 70 tuổi) hoặc phụ nữ sau khi sinh sản
+ Bệnh nhân đã từng chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu hay chi dưới
+ Bệnh nhân có đặt stent mạch vành, sử dụng van tim nhân tạo,…
+ Bệnh nhân nằm viện lâu ngày, ít vận động và đi lại
+ Bệnh nhân từng sử dụng thuốc tránh thai đường uống hoặc từng điều trị bằng estrogen và progesterone
Bệnh nhân bị huyết khối thường có triệu chứng gì?
- Triệu chứng của bệnh huyết khối động mạch
+ Tắc tĩnh mạch chi gây hoại tử chi
+ Tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim): gây thiếu máu cơ tim (nhồi máu cơ tim), hoại tử cơ tim
+ Tắc mạch não: gây nhồi máu não
- Triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch
+ Sưng nề một chân, triệu chứng này tăng lên về buổi chiều
+ Thay đổi màu da: vùng da bị huyết khối thường nóng đỏ, có thể chuyển sang tím tái bất thường
+ Xuất hiện cảm giác đau, đau tăng lên khi hoạt động gắng sức, thi thoảng xuất hiện cơn đau ngực dữ dội
+ Tĩnh mạch nông giãn và nổi rõ trên da
+ Khó thở không rõ nguyên nhân
Điều trị bệnh huyết khối (cục máu đông bệnh lý)
Mục tiêu điều trị: Ngăn ngừa hình thành, làm tan cục máu đông hoặc loại bỏ huyết khối ra khỏi vị trí gây tắc mạch giúp khai thông dòng chảy của máu.
Điều trị huyết khối bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật
+ Phẫu thuật làm mở tĩnh mạch loại bỏ huyết khối
+ phẫu thuật để đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ
+ Sử dụng dụng cụ cơ học loại bỏ cục máu đông ra khỏi lòng mạch
Điều trị huyết khối bằng thuốc
Thuốc chống đông máu:
Có 3 nhóm thuốc chống đông được sử dụng trên lâm sàng
+ Thuốc chống đông máu nhóm Heparin: Heparin được chỉ định để phòng và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc phổi. Heparin được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch, tuyệt đối không được tiêm bắp
+ Thuốc chống đông máu kháng vitamin K: Vitamin K có vai trò hỗ trợ gan tổng hợp các yếu tố đông máu như: prothrombin (yếu tố II) và các yếu tố VII, IX, X. Thuốc chống đông kháng vitamin K ngăn cản quá trình sản xuất yếu tố đông máu trên, kết quả là cục máu đông không được hình thành. Thuốc kháng vitamin K được sử dụng đường uống, được sử dụng dài ngày. Hai thuốc điển hình trong nhóm này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam: Sintrom (Acenocoumarol) và Coumadin (Warfarin). Thuốc chống đông kháng vitamin K được chỉ định chủ yếu điều trị huyết khối tĩnh mạch
+ Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Cơ chế chung của nhóm thuốc này: ngăn tiểu cầu kết dính vào thành mạch, ngăn quá trình hình thành nút thắt tiểu cầu (giai đoạn I của quá trình hình thành cục máu đông). Một số thuốc đại diện: Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Dipyridamole (Persantine), Prasugrel (Effient), Ticagrelor (Brilinta), Vorapaxar (Zontivity)
Thuốc tiêu huyết khối (tan cục máu đông):
Cục máu đông chủ yếu được hình thành từ fibrin. Ở điều kiện sinh lý bình thường, plasminogen (có trong huyết tương) sẽ được hoạt hóa thành Plasmin có tác dụng làm tiêu fibrin, từ đó làm tan cục máu đông. Do đó, một số thuốc tiêu huyết khối hoạt động bằng cách hoạt hóa plasminogen trong huyết tương. Đại diện nhóm này: Streptokinase (một loại enzym của liên cầu), Alteplase.
Ngăn ngừa bệnh lý huyết khối
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, khoa học
+ Nên ăn nhiều rau xanh, rau củ, hoa quả chín: cung cấp đầy đủ chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể
+ Nên ăn cá, các loại hải sản, thịt gia cầm (nên bỏ lớp da bên ngoài)
+ Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol xấu, thực phẩm chế biến sẵn nhiều acid béo có hại
+ Hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối (mì tôm, gà rán, khoai tây chiên, xúc xích,….)
+ Hạn chế ăn đường và các sản phẩm từ đường: bánh, kẹo, mứt hoa quả,…
+ Hạn chế ăn các món mặn có nhiều muối (thịt muối, dưa muối,…). Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO, mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ dưới 2.3 g muối (tương đương với 1 muỗng cà phê muối ăn).
+ Hạn chế đồ ăn kích thích: rượu bia, thuốc lá, nước chè đặc và đồ uống có gas
- Xây dựng chế độ sinh hoạt và làm việc điều độ
+ Không nên ngồi quá lâu ở một vị trí cố định (xem TV, làm việc với máy tính quá lâu,…) dành một khoảng thời gian để các cơ bắp được thư giãn, tăng sự lưu thông máu trong lòng mạch
+ Ngủ đủ giấc (khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày), tắt các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút.
+ Tích cực luyện tập thể dục – thể thao với bài luyện tập phù hợp với sức khỏe mỗi người
+ Duy trì cân nặng ở mức giới hạn cho phép
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát cân nặng, chỉ số huyết khối, huyết áp,…từ đó có thể phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh lý huyết khối.
** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.
Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Cục máu đông (huyết khối). Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.