Can thiệp động mạch vành qua da có biến chứng không?

Can thiệp động mạch vành qua da được chỉ định trong điều trị bệnh mạch vành, cụ thể:

Đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với điều trị nội khoa;Đau thắt ngực ổn định, có tình trạng thiếu máu cơ tim (nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và tổn thương tại động mạch vành cấp máu cho một vùng cơ tim lớn;Đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên nhưng phân tầng nguy cơ cao;Trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên;Đau thắt ngực xuất hiện sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.Sau can thiệp động mạch vành qua da có triệu chứng tái hẹp.

Can thiệp động mạch vành qua da được thực hiện chỉ bằng cách mở một lỗ nhỏ trên da để đưa ống thông nhỏ (catheter) vào động mạch ở đùi hay cổ tay. Người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ chứ không gây mê như mổ mở nên bệnh nhân vẫn tỉnh táo và không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Quá trình đặt stent diễn ra nhanh chóng, trong vòng khoảng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1 – 2 ngày. Nong và đặt stent động mạch vành qua da giúp giải quyết tình trạng hẹp tắc trong động mạch vành, giúp tưới máu cho cơ tim tốt hơn, cho phép bệnh nhân có thể hoạt động bình thường mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực.

Can thiệp động mạch vành qua da là thủ thuật xâm lấn nên có thể sẽ xảy ra biến chứng như:

Nhiễm khuẩn (tỉ lệ thấp);

Thủng, rách mạch vành gây tràn máu màng ngoài tim;

Rối loạn nhịp tim;

Ngừng tim;

Tắc stent gây nhồi máu cơ tim sau đặt stent.

Những biến chứng sau can thiệp động mạch vành có tỷ lệ xảy ra rất thấp. Cũng có trường hợp bệnh nhân sau can thiệp bị dị ứng thuốc cản quang. Trước khi làm can thiệp bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của bệnh nhân, nếu có tiền sử dị ứng thuốc hoặc hải sản thì sẽ được điều trị dự phòng dị ứng trước khi can thiệp. Sau can thiệp, để phòng ngừa suy thận do cản quang thì bác sĩ sẽ bù đủ dịch cho bệnh nhân.

Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tại giường, nếu can thiệp đường mạch quay (chọc vùng cổ tay), nên gác cao tay và để tay được ổn định giúp việc cầm máu tốt hơn. Nếu can thiệp qua đường động mạch đùi, bệnh nhân cần nằm bất động trong vòng 6 đến 8 giờ, đặc biệt là chân bên làm thủ thuật để chắc chắn rằng vết chọc đã cầm máu. Lưu ý ấn giữ vùng vết chọc khi ho hoặc hắt hơi. Gọi ngay y tá khi phát hiện ra chảy máu tái phát hoặc thấy đau nhiều vùng can thiệp động mạch. Người bệnh nên uống thêm nước để phòng tụt huyết áp và bệnh thận do tác dụng của thuốc cản quang.

Tóm lại, can thiệp động mạch vành qua da là một kỹ thuật khó, đòi hỏi cơ sở y tế cần có đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Tim mạch và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.