Đau thắt ngực là một loại đau ngực do giảm lượng máu đến tim, cơn đau thường được mô tả là cảm giác bóp nghẹt, tức nặng, hoặc chỉ là cảm giác khó chịu ở ngực. Một số người có các triệu chứng đau thắt ngực cho biết cảm giác đau thắt ngực giống như có một bàn tay bóp vào ngực hoặc một vật nặng đè lên ngực của họ.
1. Nguyên nhân gây ra các cơn đau thắt ngực
Trong thực tế lâm sàng, đau ngực với triệu chứng mô tả như cảm giác tức nặng, cảm giác bóp nghẹt, xuất hiện khi gắng sức là một trong những dấu hiệu gợi ý bệnh mạch vành tim. Ngoài ra, đau thắt ngực còn là biểu hiện của các bệnh lý không phải là bệnh tim mạch như bệnh ở hệ tiêu hóa hoặc các bệnh lý khác về phổi. Đau thắt ngực nói chung có 2 loại, đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định là cơn đau xuất hiện khi gắng sức, những trường hợp này thường là bản thân bệnh nhân mạch vành đã hẹp, máu nuôi tim đã ít nên khi gắng sức nhu cầu oxy của tim nhiều lên nên xuất hiện cơn đau. Trong khi đó, đau thắt ngực không ổn định là do các mảng xơ vữa gây hẹp mắc độ nặng hoặc có tình trạng nứt, vỡ gây huyết khối làm tắc một phần hay tắc hoàn toàn mạch vành. Cơn đau thắt ngực xuất hiện đột ngột, kể cả khi không gắng sức. Đây là một tình trạng đau ngực cần được xử trí cấp cứu.
Thực chất, yếu tố nguy cơ đau thắt ngực do bệnh tim mạch được giải thích như sau: Quả tim được nuôi bởi hệ thống động mạch gọi là hệ thống động mạch vành, khi động mạch vành bị hẹp, bít tắc dẫn tới lượng máu nuôi tim kém đi, lúc đó bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn đau thắt ngực.
Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt ngực có các thể bệnh khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim (xảy ra khi cục máu đông chặn một phần hoặc hoàn toàn động mạch, ngăn máu tới nuôi cơ tim). Bên cạnh đó, bóc tách lớp trong của động mạch chủ cũng có thể gây thiếu máu mạch vành, được coi là một tình trạng nghiêm trọng cần phẫu thuật cấp cứu. Cơn đau trong trường hợp này thường rất nghiêm trọng, xuất hiện đột ngột và đau như xé toạc ở lưng hoặc giữa hai xương bả vai.
Ngoài ra, còn có nhiều cơn đau thắt ngực cấp tính không phải do bệnh lý động mạch vành như thuyên tắc động mạch phổi, tăng huyết áp, hở van động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu (nhịp không đều) hay bệnh phình động mạch chủ. Đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường có vị trí đau sau xương ức, tính chất đau thắt lại, có người có cảm giác đè ép lên, thời gian đau kéo dài vài giây tới vài phút. Hướng lan của cơn đau là đau lan lên mặt trong cánh tay, cẳng tay, xuống tới ngón tay, hoặc cơn đau lan lên cằm hoặc ra sau lưng, có khi lại đau xuống dưới, điều này khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn bị đau dạ dày.
Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể gây ra các cơn đau thắt ngực
Mặt khác, nguyên nhân đau thắt ngực có thể do ảnh hưởng của hệ tiêu hóa như co thắt cơ thực quản, viêm thực quản hay một số bệnh lý liên quan đến dạ dày và ruột. Trào ngược dạ dày- thực quản cũng là một yếu tố nguy cơ gây đau thắt ngực. Bệnh nhân trong các trường hợp này sẽ cảm thấy khó chịu, vã mồ hôi.
Yếu tố nguy cơ đau thắt ngực khác do bệnh lý về phổi bao gồm các tình trạng viêm phổi, viêm màng phổi, tràn khí màng phổi hay thuyên tắc động mạch phổi do cục máu đông ngăn chặn máu lưu thông đến mô phổi, thường xảy ra ở những người có nguy cơ cao do mới phẫu thuật.
Các nguyên nhân khác dẫn tới đau thắt ngực có thể gặp như da, cơ, xương, gân, mô mềm và sụn của thành ngực bị viêm hoặc chấn thương, cần hỏi tiền sử hoạt động, va chạm của người bệnh. Những rối loạn về tâm lý như tình trạng trầm cảm, sợ hãi hoảng loạn có thể kèm theo đau ngực, nhịp tim nhanh, thở nhanh, khó thở.
2. Các cách phòng tránh những cơn đau thắt ngực xảy ra
Những khoảng thời gian trước, đau thắt ngực thường chỉ xảy ra ở những đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ như người cao tuổi mắc bệnh động mạch vành, gia đình có người mắc bệnh, đặc biệt ở những người có lối sống không lành mạnh, ít vận động, người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá,….Nhiều người có bệnh nhưng vẫn khỏe mạnh, hoàn toàn không có dấu hiệu của bệnh cho đến khi xảy ra nhồi máu cơ tim mới phát hiện được bệnh. Trong những năm gần đây thì bệnh động mạch vành có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện cả ở những người trẻ và có xu hướng tăng lên. Nhiều thanh niên mắc động mạch vành từ sớm (28-29 tuổi), đã xuất hiện những cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Đa số những người này đều có nguy cơ tim mạch cao như có tiền sử hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, béo phì,…
Những cơn đau thắt ngực hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách cải thiện những thói quen sinh hoạt hằng ngày, thay đổi những thói quen xấu và duy trì những thói quen tốt, bên cạnh đó là kết hợp thuốc ở những trường hợp đã phát hiện mắc bệnh mạch vành. Mỗi người nên dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục như đi bộ, làm vườn, tập yoga, gym,… để tất cả các bộ phận trong cơ thể được vận động.
Cân nặng của mỗi người cũng cần được chú ý tới, việc không kiểm soát được cân nặng dẫn tới tình trạng quá béo hoặc quá gầy, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân, béo phì là một trong số những yếu tố nguy cơ điển hình của các bệnh tim mạch. Tùy thuộc vào chiều cao của mỗi người mà có những cân nặng hợp lý với cơ thể. Để đánh giá được tình trạng thừa cân béo phì hoặc suy dinh dưỡng ở người lớn, tổ chức y tế thế giới WHO đã đưa ra chỉ số BMI của người châu Á để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, bình thường và thừa cân béo phì ở mỗi người. Chỉ số BMI được tính bằng tỷ lệ giữa cân nặng và bình phương chiều cao của người đó. Ví dụ một người có chỉ số BMI là 19 thì được coi là bình thường và chỉ số BMI lên tới mức 35 thì người đó đang trong tình trạng béo phì độ II.
Khám sức khỏe tim mạch định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý tim mạch
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là một giải pháp mang lại hiệu quả tốt trong việc phòng tránh các bệnh mạch vành và đau thắt ngực. Mỗi bữa cơm cần hạn chế sử dụng nhiều mỡ, tránh dùng đồ ăn mặn và thực phẩm chiên. Nên chọn ăn nhiều cá, những loại thịt nạc đỏ hoặc thịt gà. Cần hạn chế những đồ ăn, nước giải khát chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh ngọt,… Trái cây và rau củ quả là những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe nên cần được bổ sung nhiều hơn.
Đối với những người mắc các bệnh lý liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì,… cần phải tuân thủ các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc và chế độ ăn hợp lý. Đối với những bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim thì cần dùng đầy đủ các loại thuốc mỗi ngày theo đơn của bác sĩ. Những loại thuốc này giúp ngăn ngừa các cơn đau tim khác và làm giảm khả năng bị đột quỵ hoặc tử vong.
Cần phải thay đổi thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh như không hút thuốc, rượu bia. Nam giới mỗi ngày không nên uống quá 21 đơn vị mỗi tuần và không quá 4 đơn vị trong cùng một ngày. Đối với phụ nữ không nên uống quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần và không quá 3 đơn vị rượu mỗi ngày. Những phụ nữ mang thai và phụ nữ muốn mang thai hoàn toàn không nên sử dụng rượu. Đặc biệt, tuyệt đối không được sử dụng các chất gây kích thích như ma túy. Bên cạnh đó, giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi cũng cần được quan tâm tới, hạn chế thức khuya và dành quá nhiều thời gian cho công việc.