Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 10 đến nay, các thầy thuốc ghi nhận lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt. Mỗi ngày, hai cơ sở của bệnh viện có hơn 100 ca đang điều trị, khoảng 20 ca mới vào viện.
Đây là cơ sở y tế tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân được chuyển vào đây (trực tiếp hoặc chuyển từ tuyến dưới lên) hầu hết đều có dấu hiệu cảnh báo, thậm chí trở nặng, nguy kịch.
50% bệnh nhân vào viện đã có dấu hiệu sốc từ sớm, nhiều ca trẻ tuổi
Thống kê tại bệnh viện này trong 6 tháng qua có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, trẻ nhất là em bé 13 tuổi, người lớn tuổi nhất ngoài 80. Đa số do bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ tuyến dưới, khi tới đây đã không thể cứu chữa.
BS Phạm Văn Phúc – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 25/11 nhận định một tình trạng báo động là lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh, khác biệt với những mùa dịch trước.
Theo BS Phúc, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, có 4 ca ngưng tim. Nhiều ca rơi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 của bệnh. Trong khi thông thường, tình trạng này xảy ra ở ngày thứ 5 – 7.
Trường hợp tử vong mới nhất là bệnh nhân nữ, 22 tuổi, có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nặng: sốc, xuất huyết, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Dù thầy thuốc đã tìm đủ mọi cách để điều trị, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Tuần trước, bệnh viện ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã sốc, vật vã.
Dù được điều trị tích cực, lọc máu, chạy ECMO (hồi sức tim phổi ngoài màng cơ thể) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả hai tử vong sau 6 ngày điều trị.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay, BS Phúc cho hay không ít bệnh nhân chủ quan, không đến viện kịp thời.
Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, virus Adeno, cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, với triệu chứng chồng chéo, bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, còn thầy thuốc các tuyến dễ chẩn đoán nhầm, không điều trị đúng, kịp thời.
“Một số vấn đề cũng được đặt ra như độc lực của type virus Dengue bị thay đổi theo thời gian dài của dịch bệnh hay sự thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể sau khi bị Covid-19” – BS Phúc nêu giả thuyết và cho rằng để đưa ra kết luận phải cần có các nghiên cứu đánh giá.
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng rất nhanh, tính bằng giờ, bằng phút
Theo các bác sĩ, lâu nay chúng ta vẫn gọi là “Sốt xuất huyết Dengue”, vô tình khiến người dân nghĩ rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không hề xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong.
“Trên thực tế, bệnh nhân có xét nghiệm tiểu cầu dưới 10 G/L vẫn không thấy xuất huyết ở vị trí nào nhưng lại đi vào sốc rất nhanh”, vị chuyên gia nhấn mạnh “xuất huyết chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh”.
Ngoài ra, sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo như: Mệt lả đi, nôn, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được… Nếu bệnh nhân không đến viện điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh, thậm chí, diễn biến này tính bằng giờ, bằng phút.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, cần đi khám, xét nghiệm, có sự giám sát của bác sĩ.
Hiện nay tình trạng sốt xuất huyết đã gặp phải ở rất nhiều người nguy cơ tử vong do trở nặng là rất cao vì vậy người dân cần đề cao cảnh giác và không chủ quan trước các tình trạng trên. mọi thông tin cần tư vấn truy cập ngay nhathuocaz.com.vn để được hỗ trợ
Nguồn thông tin tham khảo: vietnamnet.vn