Những hình ảnh về chứng hay quên (Alzheimer) hoặc tay chân run rẩy, rung lắc liên tục (Parkinson) không còn quá xa lạ, thường gây “ám ảnh” với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi. Ngoài triệu chứng run tay chân, người bệnh mắc Parkinson còn phải đối mặt với các vấn đề về khả năng vận động, sức khỏe và tính cách. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh Parkinson.
1. Parkinson là bệnh gì?
Parkinson hay còn được gọi là “run vô căn,” là một bệnh lý thoái hóa thần kinh gây rối loạn vận động, làm người bệnh khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ. Bệnh có thể dẫn đến mất đi một số chức năng vận động bình thường. Đây là bệnh lý phổ biến thứ hai sau Alzheimer, chủ yếu gặp ở người cao tuổi, có độ tuổi trên 60.
2. Các loại bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson được phân thành hai loại chính: nguyên phát (vô căn) và thứ phát.
– Nguyên phát
Khoảng 80% các trường hợp Parkinson thuộc nhóm nguyên phát, tức không xác định được nguyên nhân. Triệu chứng phổ biến bao gồm cứng cơ, cử động chậm và run lẩy bẩy.
– Thứ phát
Bệnh Parkinson thứ phát bao gồm hai nhóm nhỏ:
• Bệnh Parkinson mạch máu: bệnh Parkinson này thường gây các triệu chứng liên quan đến trí nhớ, tâm trạng và giấc ngủ, xuất hiện ở người có vấn đề về tuần hoàn não. Một số trường hợp có thể xảy ra đột quỵ nhẹ.
• Bệnh Parkinson do thuốc: Một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống động kinh, thuốc chẹn calci, và thuốc bổ não được cho là có thể dẫn đến Parkinson. Tuy nhiên, triệu chứng thường biến mất sau khi ngưng thuốc trong vài ngày hoặc vài tuần, một số ít trường hợp kéo dài vài tháng.
3. Nguyên nhân bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson xảy ra do thiếu hụt dopamine trong não – một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh giữa các tế bào não, giúp não điều khiển và kiểm soát các cử động của cơ bắp ở tay, chân và khuôn mặt. Khi dopamine thiếu hụt, não không còn khả năng điều khiển và kiểm soát vận động cơ bắp, dẫn đến các triệu chứng của bệnh Parkinson.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra sự thiếu hụt dopamine này vẫn chưa được xác định rõ. Do đó, nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được biết đến cụ thể. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm như: tuổi tác, di truyền, yếu tố môi trường, chấn thương sọ não, …
4. Các triệu chứng bệnh Parkinson qua các giai đoạn
Bệnh Parkinson gây ra cả triệu chứng về vận động và các triệu chứng khác ngoài vận động, với đặc trưng là run rẩy, cứng đờ, cử động chậm chạp và rối loạn thăng bằng. Các triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn ở các giai đoạn sau, kèm theo những dấu hiệu khác. Dưới đây là các dấu hiệu cụ thể của bệnh Parkinson theo từng giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Triệu chứng chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể
Đây là giai đoạn sớm nhất khi các triệu chứng vận động bắt đầu xuất hiện nhưng còn nhẹ, nhiều người thậm chí không nhận ra. Các dấu hiệu bao gồm run nhẹ, lắc tay chân, tư thế yếu và giảm biểu cảm khuôn mặt.
– Giai đoạn 2: Triệu chứng xuất hiện ở cả hai bên cơ thể
Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu gặp khó khăn trong việc đi lại và duy trì thăng bằng. Tuy nhiên, đa số người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường và ít ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó, nhiều người thường chủ quan và bỏ qua việc điều trị, khiến bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
– Giai đoạn 3: Triệu chứng rõ ràng hơn
Trong giai đoạn này, người bệnh gặp khó khăn khi đứng, đi lại, và dễ té ngã hơn. Các hoạt động hàng ngày cũng trở nên khó khăn, nhưng họ vẫn có thể tự lập và ít cần sự hỗ trợ từ người khác.
– Giai đoạn 4: Triệu chứng nghiêm trọng, cần sự trợ giúp của người khác
Đây là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh Parkinson, khi người bệnh cảm thấy cứng đờ, vận động chậm và thường phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân ngay cả trong các sinh hoạt bình thường.
– Giai đoạn 5: Không thể tự đi lại, liệt
Ở giai đoạn cuối, triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng nhất. Người bệnh hầu như không thể tự thực hiện các hoạt động nếu không có sự giúp đỡ. Dáng đi của họ bị đông cứng, chân như dính vào sàn, không thể nhấc lên, làm tăng nguy cơ té ngã. Các biến chứng nghiêm trọng khác bao gồm suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng, viêm phổi,.., khiến người bệnh phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường.
5. Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Parkinson có thể dẫn đến yếu cơ, run rẩy, thậm chí tàn phế và gia tăng nguy cơ té ngã, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị càng sớm càng tốt.
Các biện pháp điều trị và ngăn ngừa tiến triển của bệnh Parkinson bao gồm:
– Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc như:
• Thuốc đồng vận dopamine: Kích thích trực tiếp các receptor dopamine, bao gồm các loại như ropinirole, pramipexole, rotigotine và apomorphine.
• Thuốc thay thế dopamine: Như syndopa, sinemer, madopar, giúp bổ sung lượng dopamine bị thiếu. Không nên kết hợp thuốc này với vitamin B6.
• Thuốc ức chế dị hóa dopamine: Kéo dài thời gian hoạt động của dopamine trong cơ thể. Tại Việt Nam, loại thuốc này ít được sử dụng, bao gồm các thuốc ức chế men oxy hóa amin đơn (selegiline) và thuốc ức chế men COM (tolcapone).
• Thuốc kháng cholinergic: Ngăn chặn hoạt động của acetylcholine, điển hình là benztropine. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, giảm tiết nước bọt và táo bón.
Ở giai đoạn đầu, bác sĩ thường kê liều thấp, sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên tình trạng đáp ứng của người bệnh.
– Điều trị bằng phẫu thuật
Nếu việc dùng thuốc không cải thiện được triệu chứng, phẫu thuật có thể được cân nhắc. Các phương pháp bao gồm phẫu thuật định vị, kích thích điện ở vùng liềm đen và thể vận, hoặc ghép mô thần kinh.
– Phục hồi chức năng
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp các biện pháp phục hồi chức năng để cải thiện triệu chứng:
• Trị liệu ngôn ngữ: Cải thiện các vấn đề về nói và nuốt.
• Vật lý trị liệu: Giúp giảm rối loạn thăng bằng và tăng khả năng vận động.
• Tập dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền: Giúp hạn chế tình trạng rối loạn vận động, khắc phục co cứng cơ và run rẩy.
6. Phòng ngừa bệnh Parkinson
Hiện chưa có cách phòng ngừa tuyệt đối do nguyên nhân bệnh chưa được xác định rõ, nhưng việc tăng cường sức khỏe não bộ và tầm soát sớm các bất thường về thần kinh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:
– Bổ sung các thực phẩm giàu flavonoid, đặc biệt là hoa quả.
– Tắm nắng thường xuyên để cung cấp vitamin D.
– Uống trà xanh hoặc cà phê để bổ sung caffeine, giúp bảo vệ tế bào thần kinh.
– Duy trì vận động, tập thể dục thường xuyên.
– Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu.
Đánh giá đơn thuốc của bệnh nhân mắc Parkinson
1. Thuốc Stalevo 100/25/200 mg
– Thành phần: Levodopa 100 mg, Carbidopa 25 mg, Entacapone 200 mg.
– Chỉ định: Thuốc Stalevo 100/25/200 mg được chỉ định cho các trường hợp sau:
• Các thể của hội chứng Parkinson (ngoại trừ trường hợp do hội chứng ngoại tháp gây ra bởi thuốc).
• Parkinson tự phát, hậu viêm não; Hội chứng Parkinson do xơ cứng động mạch não.
• Parkinson sau tổn thương hệ thần kinh trung ương do nhiễm độc carbon monoxide hoặc mangan.
2. Thuốc Pramipexole 0.5 mg
– Thành phần: Pramipexol Dihydrochloride Monohydrat 0.5 mg.
– Chỉ định: Thuốc Pramipexole dùng điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson vô căn, có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với levodopa, đặc biệt hữu ích trong các giai đoạn muộn khi levodopa mất tác dụng hoặc không còn ổn định. Thuốc cũng được dùng cho hội chứng chân không yên nguyên phát (RLS) từ mức trung bình đến nặng.
3. Thuốc Amantadine 100 mg
– Thành phần: Amantadine.
– Chỉ định: Ngoài việc phòng ngừa và điều trị các triệu chứng nhiễm cúm A, thuốc Amantadine còn được sử dụng để giảm triệu chứng của bệnh Parkinson và kiểm soát các phản ứng ngoại tháp do thuốc gây ra.
4. Thuốc Rasagiline 1 mg
– Thành phần: Rasagiline.
– Chỉ định: Thuốc Rasagiline 1mg điều trị Parkinson vô căn, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với levodopa. Thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả trong các giai đoạn khác nhau của bệnh.
5. Thuốc Sunsizopin 25 mg
– Thành phần: Clozapine 25 mg.
– Chỉ định: Thuốc Sunsizopin 25 mg được dùng để điều trị và kiểm soát các triệu chứng tâm thần phân liệt, thuốc chống loạn thần, đặc biệt khi cần kiểm soát các triệu chứng loạn thần liên quan đến Parkinson.
Lưu ý: Đơn thuốc này cần được theo dõi và điều chỉnh liều theo tình trạng đáp ứng của bệnh nhân, vì các thuốc điều trị Parkinson có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với nhau