Tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại tái phát?

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý thường gặp với tỷ lệ tái phát cao, khó điều trị triệt để. Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Tìm hiểu về trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (trào ngược axit) là tình trạng dịch vị từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản, gây kích ứng và viêm.

Biểu hiện của bệnh là:

Ợ chua, ợ nóng, đắng miệng

Đau rát họng, viêm họng

Ho mãn tính, khàn giọng, viêm dây thanh hoặc phù nề dây thanh

Vướng nghẹn ở cổ, nhiều đờm, rát cổ, đau tức ngực, cơn đau lan ra sau lưng và 2 cánh tay,…

Trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, viêm phế quản, loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản, thậm chí là ung thư thực quản. Đặc biệt, đây là bệnh có tỷ lệ tái phát cao nên việc điều trị dứt điểm gặp nhiều khó khăn.

2. Tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại tái phát?

2.1 Bệnh nhân chủ quan khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu

Nếu được điều trị trào ngược dạ dày thực quản từ sớm thì niêm mạc thực quản rất dễ phục hồi như bình thường, khả năng tái phát sẽ thấp. Tuy nhiên, vì các triệu chứng sớm của bệnh chỉ là ợ hơi, ợ chua – thường gặp ở người khỏe mạnh bình thường (đặc biệt là sau khi ăn no hoặc khi nằm) nên bệnh thường bị bỏ qua. Đa phần bệnh nhân trào ngược dạ dày chỉ điều trị khi bệnh đã trở nặng. Lúc này, việc điều trị bệnh rất khó và bệnh dễ tái phát.

2.2 Triệu chứng của bệnh dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Trào ngược dạ dày thực quản

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Khi trào ngược dạ dày thực quản tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có các biểu hiện như ho, đau họng, khàn tiếng, khó nuốt, đau tức ngực,… Lúc này, nhiều người bệnh hiểu nhầm rằng mình mắc bệnh hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản hoặc đau tim.

Việc chủ quan không thăm khám hoặc lựa chọn phương pháp điều trị không đúng căn nguyên gây bệnh khiến triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản không thuyên giảm. Và khi có tác nhân gây kích thích, trào ngược dạ dày – thực quản dễ tái phát trở lại.

2.3 Ăn uống, sinh hoạt không điều độ

Trào ngược dạ dày thực quản tái phát có thể do thói quen ăn uống, làm việc của bệnh nhân không điều độ. Cụ thể:

Ăn đồ chua cay, thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh;Ăn quá muộn, ăn đêm;Ăn không đúng bữa, hay bỏ bữa;Vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn;Thường xuyên thức khuya;Hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê;Thường xuyên lo lắng, căng thẳng thần kinh.

2.4 Các thuốc giảm tiết axit không có tác dụng lâu dài

Các thuốc ức chế bơm proton, thuốc đối kháng H2 hoặc thuốc chống tiết axit được kê cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh nhờ khả năng ngăn tiết axit dạ dày.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của các loại thuốc này là chỉ có tác dụng giảm tiết axit dạ dày trong một thời gian ngắn, khi ngừng thuốc nếu bệnh nhân vẫn sinh hoạt không điều độ thì các triệu chứng có thể xuất hiện lại, gây trào ngược dạ dày.

2.5 Ảnh hưởng của thời tiết

Trào ngược dạ dày thực quản thường tái phát vào mùa thu – đông. Nguyên nhân vì thời tiết chuyển lạnh làm giảm độ dày của lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc, khiến dạ dày dễ bị tác động và tổn thương.

Bên cạnh đó, không khí lạnh làm tăng hàm lượng histamin trong máu, tăng tiết dịch axit dạ dày, dẫn tới dạ dày co bóp mạnh, khiến người bị viêm loét dạ dày dễ bị đau bụng tái phát. Tình trạng ợ hơi, ợ nóng và đầy bụng tăng lên, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động của bệnh nhân.

3. Biện pháp ngăn chặn nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản tái phát

Đi khám sức khỏe ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trào ngược dạ dày thực quản như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, khó nuốt,… để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả;Ăn uống điều độ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn đa dạng các thành phần dưỡng chất, tránh để dạ dày quá đói hoặc quá no;Hạn chế đồ ăn chua, cay, hạn chế thức khuya hoặc ăn khuya, không nằm ngay hoặc vận động ngay sau khi ăn;

Trào ngược dạ dày thực quản

Hạn chế đồ ăn chua, cay để ngăn chặn nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản tái phát

Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế uống rượu bia hoặc cà phê;Giữ ấm cơ thể trong những ngày trời trở lạnh;Giữ tinh thần luôn ở trạng thái thoải mái, lạc quan, hạn chế stress;Tăng cường tập luyện, rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng thích nghi của cơ thể đối với sự thay đổi của thời tiết;Dùng thuốc từ sớm, đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng.

Trào ngược dạ dày thực quản dễ tái phát nhưng hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu người bệnh chẩn đoán phát hiện bệnh sớm, điều trị tận gốc và có chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học.

Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn