Nhờ vào các kỹ thuật phát triển nhanh chóng của nội soi, thủ thuật cắt polyp dạ dày đã trở nên rất phổ biến. Quy trình này được thực hiện với mức độ xâm lấn tối thiểu, người bệnh hồi phục nhanh và rất ít đau đớn. Hơn nữa, nhờ vào việc chủ động cắt polyp dạ dày qua nội soi, một số trường hợp tiền ung đã được phát hiện và triệt căn kịp thời.
1. Polyp dạ dày là gì?
Polyp dạ dày có bản chất là một khối các tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày. Tình trạng này thường rất hiếm gặp do ít khi gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Các polyp dạ dày chỉ được phát hiện tình cờ khi bác sĩ thực hiện nội soi vì những bệnh lý khác.
Nguyên nhân khiến polyp dạ dày hình thành là để đáp ứng lại với các tổn thương trên niêm mạc dạ dày. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến nhất của polyp dạ dày là tình trạng viêm dạ dày mạn tính, bệnh u tuyến đa nang tiêu hóa do di truyền, sử dụng thường xuyên một số loại thuốc dạ dày… Ngoài ra, có các yếu tố nguy cơ làm tăng cơ hội phát triển polyp dạ dày như tuổi trung niên, nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn…
Hầu hết các polyp dạ dày không trở thành ung thư. Tuy nhiên, có một số loại lại có thể làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày trong tương lai gần. Tùy thuộc vào loại polyp dạ dày đang hiện diện cũng như kích thước, số lượng và triệu chứng của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định việc tiếp tục theo dõi hay cắt polyp dạ dày. Cụ thể là nếu polyp ít có đặc điểm có thể trở thành ung thư, người bệnh không cần điều trị. Ngược lại, nếu có một polyp loạn sản, người bệnh phải loại bỏ nó càng sớm càng tốt trước khi chuyển dạng thực sự hay xâm lấn mô lân cận.
Polyp dạ dày có bản chất là một khối các tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày
2. Cắt polyp dạ dày là gì?
Cắt polyp là một thủ thuật được sử dụng để loại bỏ polyp từ bên trong cơ thể mà không cần gây thêm sang thương. Ngõ vào là tại các vị trí tự nhiên như mũi, miệng với các dụng cụ gắn đồng thời trong khi nội soi.
Đối với việc cắt polyp dạ dày, bác sĩ phát hiện các khối tăng sinh này thông qua nội soi đường tiêu hóa trên và nếu có chỉ định can thiệp, các polyp dạ dày cũng sẽ được cắt bỏ ngay trong lúc nội soi. Sau đó, kết quả giải phẫu bệnh sẽ định hướng cho việc theo dõi và điều trị tiếp theo sau can thiệp cắt polyp dạ dày.
3. Quá trình thực hiện phẫu thuật cắt polyp dạ dày
Phẫu thuật cắt polyp dạ dày thường được tiến hành cùng lúc với nội soi. Chính vì vậy, người bệnh hoàn toàn không có sự chuẩn bị chuyên biệt gì cho sự can thiệp này mà chỉ đơn thuần chuẩn bị cho việc nội soi. Nhịn ăn từ nửa đêm trước khi đi nội soi là bắt buộc với tất cả các trường hợp thực hiện chương trình. Sau đó, người bệnh sẽ được thay áo choàng, hướng dẫn nằm trên bàn nội soi theo tư thế thích hợp và tiến hành gây tê tại chỗ.
Để bắt đầu nội soi, một ống nhỏ, linh hoạt, có gắn nguồn sáng và máy thu hình ở đầu ống sẽ được bôi trơn và đưa vào từ miệng. Ống được đưa tiếp theo chiều dài đường tiêu hóa trên phối hợp nhịp nhàng với động tác nuốt của người bệnh. Các hình ảnh bên trong niêm mạc sẽ được ghi nhận trên màn hình; thông qua đó, bác sĩ sẽ biết được vị trí của ống hiện tại, ở thực quản, dạ dày hay ruột non.
Tại đây, nếu các polyp dạ dày được phát hiện, bác sĩ sẽ thám sát kỹ các đặc điểm có liên quan, đánh giá nguy cơ ác tính tại chỗ cũng như cùng với các yếu tố gia đình. Trong trường hợp có nhiều polyp dạ dày, kích thước lớn và gây triệu chứng, việc phẫu thuật cắt polyp dạ dày đồng thời qua ngã nội soi là có chỉ định.
Lúc này, có nhiều cách phẫu thuật cắt polyp khác nhau có thể được thực hiện, tùy vào nhận định của bác sĩ theo đặc điểm của polyp dạ dày và phụ thuộc vào thói quen, kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
Theo đó, nếu polyp có kích thước nhỏ, đường kính dưới 5 mm, và có cuống, bác sĩ sẽ dùng kẹp sinh thiết để loại bỏ. Ngược lại, với polyp lớn hơn, như đường kính lên đến 2 cm, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ vòng một sợi dây mỏng quanh đáy polyp và sử dụng nhiệt để cắt rời cuống.
Tuy nhiên, một số loại polyp vừa có kích thước lớn, vừa không có cuống, việc thực hiện phẫu thuật cắt polyp dạ dày có thể trở nên khó khăn hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành kỹ thuật cắt bỏ niêm mạc hoặc kỹ thuật bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi, vừa lấy trọn polyp và vừa lấy một mảng niêm mạc quanh chân polyp.
Tuy nhiên, trong trường hợp polyp dạ dày có kích thước quá lớn và số lượng nhiều, nguy cơ chuyển dạng ác tính rõ ràng hay dựa trên kết quả sinh thiết qua nội soi trước đó, phẫu thuật mở bụng để cắt polyp dạ dày hay cắt bán phần, toàn phần dạ dày sẽ được xem xét.
Phẫu thuật cắt polyp dạ dày thường được tiến hành cùng lúc với nội soi
4. Chăm sóc sau phẫu thuật cắt polyp dạ dày như thế nào?
Nếu thực hiện phẫu thuật cắt polyp dạ dày qua nội soi, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Tuy nhiên, do thuốc gây tê và thuốc an thần có thể còn tác dụng, người bệnh nên được người thân đưa về nhà, nghỉ ngơi trong phòng, không làm việc nặng nhọc hay điều khiển xe cộ, máy móc trong ít nhất 24 giờ tiếp theo. Trái lại, các trường hợp phẫu thuật cắt polyp dạ dày qua mở bụng, người bệnh phải theo dõi hậu phẫu vài ngày và điều trị kháng sinh, chăm sóc vết mổ trong bệnh viện.
Tuy nhiên, nhìn chung, phẫu thuật cắt polyp dạ dày có thời gian phục hồi tương đối nhanh chóng. Các tác dụng phụ nhỏ như buồn nôn, nôn ói, chướng bụng, bí tiểu, đầy hơi và chuột rút thường sẽ hết trong vòng 24 giờ. Lưu ý đau sau cắt polyp dạ dày có thể kéo dài trong vài ngày và sẽ thuyên bớt khi dùng các thuốc giảm đau thông thường.
Chế độ ăn uống sau phẫu thuật cắt polyp dạ dày không cần kiêng cữ quá đặc biệt. Tuy vậy, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nên tránh một số đồ uống và thực phẩm có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa trong hai đến ba ngày sau khi làm thủ thuật như trà, cà phê, nước ngọt, rượu hay thức ăn cay, nóng, chua.
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật nên kiêng một số loại đồ uống như trà, cà phê, nước ngọt, rượu
5. Cần theo dõi gì sau phẫu thuật cắt polyp dạ dày?
Sau phẫu thuật cắt polyp dạ dày, bác sĩ sẽ lên kế hoạch theo dõi tiếp theo. Điều quan trọng là phải kiểm tra xem phẫu thuật cắt polyp có thành công hay không và không có polyp nào phát triển thêm nữa cũng như còn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh là lành tính, tiền ung thư hay ung thư.
Nếu là lành tính, người bệnh sẽ không cần điều trị thêm nữa. Nếu là tiền ung thư, người bệnh cần được lên kế hoạch nội soi định kỳ và kết hợp nội soi đường tiêu hóa dưới. Nếu là ung thư, bác sĩ sẽ xác định ung thư đang ở giai đoạn nào và lên kế hoạch điều trị lâu dài phù hợp với tình trạng của người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần được hướng dẫn theo dõi các biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt polyp, có thể bao gồm cả thủng ruột hoặc chảy máu dạ dày với các biểu hiện là rất khác nhau sau mỗi lần nội soi. Mặc dù khả năng gặp phải biến chứng sau phẫu thuật cắt polyp là tương đối hiếm, người bệnh cần quay lại bệnh viện ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
Sốt hoặc ớn lạnh, đây là các dấu hiệu của nhiễm trùng
Chảy máu nặng
Đau dữ dội hoặc chướng bụng
Nôn ói nhiều
Nôn ra máu
Tiêu phân đen, đỏ
Tụt huyết áp
Nhịp tim không đều
Tóm lại, phẫu thuật cắt polyp dạ dày thường được chỉ định thực hiện ngay trong quá trình nội soi phát hiện thấy polyp. Điều này giúp lấy kết quả giải phẫu bệnh, đánh giá nguy cơ và cho phép điều trị triệt căn sớm nếu kết quả là ác tính. Tuy nhiên, để kết quả cắt polyp dạ dày đạt hiệu quả cao, việc lựa chọn cơ sở y tế tin cậy, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao kết hợp với thiết bị, dụng cụ đúng tiêu chuẩn là một điều cần thiết.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn