Tụy tạng là một cơ quan quan trọng, bài tiết các enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Sự hiện diện của sỏi tụy không chỉ làm tắc nghẽn ống bài tiết của các enzyme mà còn gây ra viêm tụy. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây suy đa cơ quan hay đôi khi nguy kịch đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
1. Sỏi tụy là gì?
Sỏi tụy hình thành và phát triển từ các phân tử canxi lắng đọng trong tuyến tụy. Khi kích thước sỏi tụy lớn dần, chúng có thể ngăn chặn dòng bài tiết của các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy đến ruột non, gây ứ trệ và gây ra viêm tụy. Sỏi tụy là nguyên nhân chủ yếu ở những người bị viêm tụy mãn tính, một tình trạng viêm thường liên quan đến việc uống rượu quá mức trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, có từ 20 đến 30% bệnh nhân bị viêm tụy mãn tính do những nguyên nhân khác thay vì sỏi tụy cũng sẽ hình thành các sỏi tụy nhỏ. Khi sỏi tụy ngăn chặn ống tụy, tuyến tụy không thể giải phóng các enzyme tiêu hóa vào ruột non sẽ gây ra một đợt viêm cấp tính tại tụy.
Hơn nữa, chức năng tụy trong các tình huống này cũng sẽ suy giảm; tụy không còn có khả năng tiết ra các hormone điều chỉnh lượng đường trong máu nên người bệnh viêm tụy mãn cũng mắc phải tình trạng đái tháo đường thứ phát.
2. Sỏi tụy có nguy hiểm không?
Nếu sỏi tụy có kích thước rất nhỏ, chúng có thể tồn tại âm thầm tại chỗ mà không gây bất kỳ triệu chứng gì. Ngược lại, khi sỏi tụy tăng kích thước lớn dần, nhất là khi có sự tác động của các yếu tố viêm mạn tính trong các đợt viêm cấp tính, sỏi tụy sẽ làm tắc ống tụy, gây ra viêm tụy cấp. Vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn này sẽ khiến người bệnh mắc phải viêm tụy mạn đồng thời cũng xuất hiện các đợt viêm cấp.
Chính tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chức năng của tụy, người bệnh ít hấp thu các chất dinh dưỡng, trở nên suy mòn hay có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu gặp phải biến chứng suy đa cơ quan, trụy tuần hoàn trong các đợt viêm tụy cấp.
Khi tuyến tụy xảy ra các phản ứng viêm sẽ gây ra viêm tụy. Biểu hiện lâm sàng của viêm tụy có thể xảy ra như viêm tụy cấp – xuất hiện đột ngột và kéo dài trong vài ngày – hoặc viêm tụy mãn tính – xảy ra trong nhiều năm. Tùy vào cơ địa của mỗi người và mức độ viêm, các trường hợp viêm tụy nhẹ có thể hết mà không cần điều trị trong khi các trường hợp nặng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
3. Triệu chứng của viêm tụy như thế nào?
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tụy có thể khác nhau, tùy thuộc vào viêm tụy cấp hay mạn và phân loại viêm, lượng nhu mô bị ảnh hưởng.
Các biểu hiện của viêm tụy cấp bao gồm:
Đau bụng vùng trên rốn
Đau bụng lan ra lưng
Đau bụng nặng hơn sau khi ăn
Sốt
Mạch nhanh
Buồn nôn
Nôn
Đề kháng thành bụng
Các biểu hiện của viêm tụy mãn tính bao gồm:
Đau bụng vùng trên rốn
Đau âm ỉ kéo dài
Sụt cân, gầy sút
Phân mỡ.
Sốt là một trong những triệu chứng của sỏi tụy
4. Các biến chứng có thể gặp phải của sỏi tụy là gì?
Bản thân sỏi tụy nếu kích thước nhỏ thì hoàn toàn là lành tính, không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Ngược lại, khi sỏi tụy gây ra viêm tụy thì chúng sẽ trở nên nguy hiểm vì viêm tụy có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sau:
Nang giả tụy. Viêm tụy cấp có thể khiến dịch tụy và nhu mô tụy bị phá hủy tích tụ trong một túi dạng nang trong phần tuyến tụy còn lại. Một nang giả tụy có kích thước lớn nếu vỡ ra sẽ có thể gây ra các biến chứng nặng nề như chảy máu ồ ạt trong ổ bụng và viêm phúc mạc.Sự nhiễm trùng. Viêm tụy cấp có thể làm cho tuyến tụy mất tính tự bảo vệ và dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng tụy là một bệnh lý viêm nhiễm nghiêm trọng và cần điều trị cấp cứu, bao gồm cả phẫu thuật để loại bỏ sớm các mô bị nhiễm bệnh, khu trú ổ viêm và làm sạch ổ bụng.Suy thận. Viêm tụy cấp có thể gây suy thận. Mặc dù có thể được điều trị bằng lọc máu nếu suy thận nặng và có thể cải thiện, nếu không được xử trí kịp thời, tình trạng người bệnh cũng có thể nguy kịch.Suy hô hấp. Viêm tụy cấp có thể gây ra những thay đổi hóa học trong cơ thể ảnh hưởng đến chức năng phổi, khiến mức độ oxy trong máu giảm xuống ở mức thấp nguy hiểm.Bệnh đái tháo đường thứ phát. Tổn thương các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy của bạn do viêm tụy mãn tính có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường do không còn bài tiết được insulin. Hậu quả là nồng độ đường trong cơ thể sẽ tăng rất cao.Suy dinh dưỡng. Cả viêm tụy cấp và mãn tính đều có thể khiến tuyến tụy giảm sản xuất các loại enzyme cần thiết để chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm ăn vào. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, tiêu chảy và sụt cân mặc dù người bệnh vẫn tích cực tiêu thụ một lượng thức ăn.Bệnh ung thư tuyến tụy. Phản ứng viêm tồn tại lâu dài trong tuyến tụy gây ra bởi viêm tụy mãn tính là một yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy.
5. Cách điều trị sỏi tụy như thế nào?
Các quan điểm hiện nay đều ủng hộ trường phái là hạn chế chủ động can thiệp sỏi tụy khi không gây biến chứng. Sỏi tụy gây ra biến chứng viêm tụy cấp chiếm tỷ lệ thấp, trong khi có một số lượng khá lớn các bệnh nhân có sỏi tụy kích thước nhỏ trong tụy mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì.
Như vậy, khi sỏi tụy gây ra viêm tụy, người bệnh sẽ được nhập viện và được can thiệp bằng một số phương pháp điều trị ban đầu như:
Nhịn ăn. Bạn sẽ cần ngừng ăn một vài ngày trong bệnh viện để tạo cơ hội cho tuyến tụy phục hồi. Chỉ khi tình trạng viêm trong tuyến tụy đã được kiểm soát, bạn có thể bắt đầu uống nước đường và ăn cháo, súp loãng. Sau đó, bạn có thể dần dần tập trở lại chế độ ăn uống bình thường như trước đây.Thuốc giảm đau. Viêm tụy có thể gây ra cơn đau rất dữ dội. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn các loại thuốc mức độ mạnh để giúp kiểm soát cơn đau.Kháng sinh. Vì nhu mô tụy bị viêm sẽ rất dễ bị vi trùng trong ổ bụng tấn công, việc điều trị kháng sinh vừa có tác dụng phòng ngừa và vừa nhằm điều trị viêm phúc mạc từ viêm tụy.
Thuốc giảm đau sẽ có tác dụng với những cơn đau từ viêm tụy
Bổ sung dịch truyền tĩnh mạch. Khi cơ thể bạn hạn chế ăn uống để phục hồi tuyến tụy, bạn có thể bị mất nước. Vì vậy, bạn sẽ được bổ sung thêm dịch truyền thông qua tĩnh mạch trên cánh tay trong thời gian nằm viện. Đồng thời, lượng dịch cung cấp đầy đủ cũng giúp giảm nguy cơ suy thận cấp.
Khi viêm tụy đã được kiểm soát tạm ổn, các bác sĩ có thể xem xét tới việc điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra viêm tụy. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có cách can thiệp phù hợp. Viêm tụy do sỏi tụy vừa là biến chứng của viêm tụy mãn tính, vừa là nguyên nhân gây viêm tụy cấp tái phát. Vị trí của sỏi tụy sẽ quyết định cách thức loại bỏ thông qua phẫu thuật mở bụng, phẫu thuật nội soi hay thủ thuật nội soi ngược dòng.
Trong đó, phương pháp lấy sỏi tụy bằng thủ thuật nội soi ngược dòng được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Đây là một thủ tục ngoại trú với mức độ xâm lấn tối thiểu, người bệnh có thể ra về ngay trong ngày. Gọi là “nội soi ngược dòng” bởi bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị được gọi là ống nội soi – một ống dài, linh hoạt, được chiếu sáng bằng máy ảnh – đưa qua miệng, xuống cổ họng và qua dạ dày để xem tuyến tụy, túi mật và ống mật.
Những viên sỏi tụy nhỏ có thể được loại bỏ bằng phương thức này, những viên sỏi tụy lớn có thể gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, với các tiến bộ y khoa ngày nay, kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng kết hợp dùng sóng xung kích ngoại cũng được áp dụng để phá vỡ các sỏi tụy có kích thước lớn thành các mảnh nhỏ hơn phù hợp để dễ dàng gắp bỏ ra ngoài.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp viêm tụy mạn, người bệnh cần được điều trị cai rượu. Uống nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày trong nhiều năm có thể gây hình thành sỏi tụy và viêm tụy mạn.
Hơn nữa, tình trạng dinh dưỡng của nhóm đối tượng này cũng rất kém, việc dùng các viên enzyme tuyến tụy tổng hợp để cải thiện khả năng tiêu hóa là cần thiết. Cách bổ sung enzyme thực hiện với mỗi bữa ăn có thể giúp cơ thể bạn chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng trong thực phẩm ăn vào tốt hơn.
6. Lối sống và biện pháp phòng ngừa sỏi tụy như thế nào?
Khi được ra viện, bạn cần thực hiện các lời khuyên sau đây để tiếp tục phục hồi sau viêm tụy và phòng tránh tái phát sỏi tụy cũng như xuất hiện sỏi tụy ở những người chưa mắc bệnh.
Ngừng uống rượu. Nếu bạn không thể tự mình bỏ uống rượu, hãy hỏi bác sĩ để được tham gia vào các chương trình giúp cai rượu.Bỏ thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn không thể tự bỏ thuốc, hãy hỏi bác sĩ để được giúp đỡ cai thuốc.Chọn chế độ ăn ít chất béo. Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, nên chọn chất béo không bão hòa và tốt nhất là tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc cho các bữa ăn hằng ngày.Uống nhiều nước hơn. Viêm tụy do hình thành sỏi có thể là do tình trạng thiếu nước gây ra. Vì vậy, hãy tập thói quen uống nhiều nước trong suốt cả ngày, không chỉ giúp tụy mà còn có các cơ quan khác có một môi trường làm việc hiệu quả hơn.Tập thể dục thường xuyên và giảm cân nặng thừa. Những người thừa cân, béo phì có nhiều khả năng phát triển sỏi tụy cũng như sỏi mật, dẫn đến nguy cơ viêm tụy cấp cao hơn.
Hạn chế rượu bịa sẽ tốt cho bệnh sỏi tụy
Bản thân sỏi tụy không gây triệu chứng gì nếu không tăng kích thước, gây tắc nghẽn ống tụy và gây viêm tụy. Hệ quả này sẽ vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi tụy hay từng bị viêm tụy, hãy thực hiện các thay đổi lối sống phù hợp theo những lời khuyên trên đây để ngăn chặn tốc độ hình thành sỏi tụy gây ra biến chứng trong tương lai.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn