Nồng độ AFP trong gan tăng cao khi nào?

Alpha-fetoprotein (AFP) là một loại protein được sản xuất chủ yếu bởi gan khi cơ thể còn trong giai đoạn bào thai hoặc khi có tình trạng tổn thương gan như xơ gan hay ung thư gan. Đặc tính này làm cho xét nghiệm AFP hữu ích như một điểm đánh dấu khối u. Chính vì vậy, các thông tin dưới đây có thể sẽ hữu ích cho các bệnh nhân tổn thương gan mạn tính, biết thêm một công cụ nhằm phát hiện sớm biến chứng ác tính này.

1. Xét nghiệm nồng độ AFP là gì?

AFP là viết tắt của alpha-fetoprotein. Đây là một loại protein được tạo ra trong gan của một bào thai đang phát triển. Chính vì thế, mức AFP thường cao khi em bé vừa được sinh ra nhưng giảm xuống rất nhanh khi trẻ tròn tuổi 1. Ở người lớn khỏe mạnh, mức AFP trong máu là rất thấp.

Theo đó, xét nghiệm đánh dấu khối u AFP là xét nghiệm máu đo nồng độ AFP ở người lớn. Các dấu hiệu nghi ngờ hình thành khối u là phát hiện gián tiếp thông qua các chất được tạo ra bởi các tế bào ung thư hoặc bởi các tế bào bình thường để đáp ứng với kích thích ung bướu trong cơ thể. Nồng độ AFP cao có thể là dấu hiệu của ung thư gan hoặc ung thư buồng trứng hoặc tinh hoàn cũng như các bệnh gan không ung thư đang tiến triển như xơ gan và viêm gan.

Mức AFP cao không phải lúc nào cũng có nghĩa là có khối ung thư và mức độ bình thường cũng không phải lúc nào cũng loại trừ được khả năng mắc phải bệnh lý này. Vì vậy, xét nghiệm nồng độ AFP thường không được sử dụng để sàng lọc hoặc chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, chỉ điểm này cũng có thể giúp chẩn đoán ung thư khi được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác. Bên cạnh đó, xét nghiệm cũng có thể được sử dụng để giúp theo dõi hiệu quả điều trị ung thư và đánh giá định kì xem liệu ung thư có tái phát trở lại sau khi bạn kết thúc điều trị.

Xét nghiệm gan

Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng sức khỏe gan và phát hiện theo dõi hiệu quả điều trị ung thư

2. Xét nghiệm nồng độ AFP được sử dụng như thế nào?

AFP được sử dụng như một chất đánh dấu khối u để giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư gan, tinh hoàn và buồng trứng.

Mặc dù xét nghiệm này thường được chỉ định trong theo dõi định kỳ ở những người mắc bệnh gan mạn tính như xơ gan, viêm gan B mãn tính hoặc viêm gan C vì các đối tượng này có nguy cơ mắc ung thư gan cao, hầu hết các hướng dẫn hiện nay không khuyến nghị sử dụng xét nghiệm nồng độ AFP đơn độc. Theo đó, bác sĩ chăm sóc sức khỏe có thể yêu cầu xét nghiệm AFP cùng với các xét nghiệm khảo sát hình ảnh để cố gắng phát hiện ung thư gan trên nhiều phương diện khi nó còn ở giai đoạn sớm nhất và có thể điều trị được.

Nếu một người đã được chẩn đoán mắc phải ung thư biểu mô tế bào gan hoặc một dạng ung thư cũng sản xuất AFP khác, xét nghiệm AFP lúc này cũng có thể được chỉ định thực hiện định kỳ để theo dõi phản ứng của cơ thể đối với trị liệu và theo dõi tái phát ung thư.

3. Khi nào cần phải xét nghiệm nồng độ AFP?

Một bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm định lượng nồng độ AFP trong máu khi:

Nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư gan hoặc một số bệnh ung thư tại cơ quan khác như tinh hoàn hoặc buồng trứng

Phát hiện có khối u được cảm nhận ở vùng bụng trong khi thăm khám hoặc khi xét nghiệm hình ảnh học và nghĩ đến ác tính

Ở bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị ung thư gan, tinh hoàn hoặc buồng trứng và đang được theo dõi về hiệu quả điều trị

Theo dõi tái phát ung thư

Theo dõi bệnh nhân viêm gan mạn tính hoặc xơ gan

xơ hóa gan

Người có bệnh lý xơ gan sẽ được yêu cầu xét nghiệm định lượng nồng độ AFP

4. Kết quả xét nghiệm nồng độ AFP có ý nghĩa như thế nào?

Nồng độ AFP tăng có thể cho thấy sự hiện diện của ung thư, phổ biến nhất là ung thư gan, ung thư buồng trứng hoặc khối u tế bào mầm của tinh hoàn. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ung thư gan, buồng trứng hay tinh hoàn nào cũng đều sẽ tạo ra một lượng AFP đáng kể đủ để phát hiện trong máu.

Một nồng độ AFP nhất định đôi khi còn có thể được nhìn thấy trong các bệnh lý ung thư khác như dạ dày, đại tràng, phổi, vú và ung thư hạch, mặc dù xét nghiệm này hiếm khi được chỉ định trong các bệnh lý nêu trên. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các bệnh khác như xơ gan và viêm gan cũng có thể gây tăng AFP ở mức độ nhất định.

Khi AFP được sử dụng như là một công cụ theo dõi bệnh lý ác tính, mức độ giảm nồng độ trong máu cho thấy cơ thể có phản ứng tốt với điều trị. Nếu nồng độ sau khi điều trị ung thư không giảm đáng kể, thường về đến mức bình thường hoặc gần mức bình thường, các trường hợp này sẽ được nhận định là khối ác tính vẫn có thể xuất hiện. Tương tự như vậy, nếu nồng độ AFP bắt đầu tăng trở lại thì có khả năng ung thư đang tái phát. Tuy nhiên, do AFP vẫn có thể tăng trong viêm gan hoặc xơ gan, kết quả này đôi khi có thể gây hiểu nhầm. Mặt khác, nếu nồng độ AFP đã không tăng ngay trước khi điều trị bệnh lý ác tính, xét nghiệm nói chung sẽ không có tính hữu ích để theo dõi hiệu quả điều trị hoặc theo dõi tái phát về sau này.

Khi nồng độ AFP của những người mắc bệnh gan mạn tính chuyển từ mức bình thường hoặc tăng vừa phải lên rất cao, nguy cơ phát triển ung thư gan sẽ tăng lên. Khi tổng AFP và AFP-L3% tăng đáng kể, người bệnh sẽ tăng nguy cơ mắc hoặc phát triển ung thư biểu mô tế bào gan trong một hoặc hai năm tới.

Mặc dù vậy, không phải những người có kết quả xét nghiệm AFP và AFP-L3% tăng đều sẽ bị ung thư hoặc sẽ phát triển ung thư gan. Thay vào đó, chẩn đoán ác tính còn phải phụ thuộc vào thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm khác, bao gồm cả hình ảnh học tìm kiếm sự phát triển của khối u và sinh thiết mô.

Khám bệnh

Kết quả xét nghiệm AFP giúp đánh giá tình trạng của ung thư gan

Hơn nữa, xét nghiệm AFP có thể cung cấp thông tin hữu ích nhưng tính đặc hiệu cũng có phần hạn chế khi có thể tăng tạm thời bất cứ khi nào gan bị tổn thương và tái tạo. Ngoài ra, không phải mọi bệnh ung thư đều tạo ra AFP; vì vậy một người vẫn có thể bị ung thư ngay cả khi AFP bình thường. Vì những lý do này, xét nghiệm AFP không nên được sử dụng để sàng lọc trong dân số chung về ung thư.

Cuối cùng, cần ghi nhớ rằng AFP không chỉ là một dấu ấn khối u. Bởi vì AFP còn được sản xuất bởi một thai nhi bình thường, nồng độ AFP thường ở mức cao hơn ở phụ nữ mang thai và ở trẻ sơ sinh.

Tóm lại, xét nghiệm nồng độ AFP thường được sử dụng như một công cụ tìm kiếm khối u ác tính tại gan, nhất là trên các đối tượng có nguy cơ cao khi đang mắc viêm gan, xơ gan, cũng như theo dõi diễn tiến ung thư. Tuy nhiên, để nhận định kết quả, cần phải nắm rõ các yếu tố nồng độ AFP trong gan tăng cao khi nào nhằm đưa ra kết luận có tính đúng đắn nhất.

Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn