Vai trò siêu âm gan trong chẩn đoán các bệnh lý về gan?

Nguyên lý của siêu âm là ghi nhận những hình ảnh bình thường hoặc bất thường của một số cơ quan trong thông qua sóng siêu âm sau đó tái tạo lại hình ảnh bằng hệ thống máy vi tính hiện đại. Trong đó, siêu âm gan là một cận lâm sàng được sử dụng rất phổ biến, vậy siêu âm gan có chính xác không?

1. Siêu âm gan là gì?

Siêu âm gan là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất phổ biến, áp dụng trong việc đánh giá tình trạng gan, mật. Siêu âm gan có thể áp dụng cho mọi đối tượng và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Giải phẫu siêu âm gan thường được sử dụng để đánh giá các tổn thương, bệnh lý tại gan. Siêu âm gan có thể tiến hành riêng biệt hoặc thực hiện chung trong kĩ thuật siêu âm bụng tổng quát. Khi siêu âm gan, bác sĩ có thể nhìn thấy các dấu hiệu bất thường, qua đó xác định được bệnh và phương pháp điều trị hợp lý, hiệu quả.

2. Siêu âm có vai trò gì trong chẩn đoán các bệnh lý về gan?

Siêu âm gan giúp phân định các thùy, phân thùy và hạ phân thùy của gan, nhờ vào cấu tạo liên quan đến động mạch chủ, tĩnh mạch dưới, tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan, từ đó phát hiện được nhiều loại thương tổn tại gan:

2.1. Viêm gan cấp và mạn tính

Siêu âm gan giúp bác sĩ phát hiện được các tổn thương của gan trong bệnh lý viêm gan cấp và mãn tính thông qua hình ảnh kích thước gan tăng nhưng hình nhu mô gan vẫn chưa thấy có biến đổi rõ rệt.

2.2. Gan nhiễm mỡ

Khác với kết quả siêu âm gan bình thường, khi gan nhiễm mỡ sẽ cho hình ảnh một phần hay toàn bộ nhu mô gan sáng lên qua siêu âm, từ đó giúp đánh giá tình trạng gan của bệnh nhân.

2.3. Xơ gan

Chẩn đoán xơ gan trên kết quả siêu âm thường dựa vào kích thước gan và nhu mô gan. So với kết quả siêu âm gan bình thường, xơ gan có kích thước gan lúc đầu sẽ tăng lên, về sau khi xơ gan vào giai đoạn muộn thì gan có xu hướng teo nhỏ lại.

Ngoài ra ở giai đoạn muộn, siêu âm còn thấy gan có hình nốt với kích thước từ nhỏ đến vừa, đường kính dưới 1cm. Bên cạnh đó, siêu âm còn phát hiện được các hậu quả của xơ gan như: cổ trướng, giãn tĩnh mạch, lách to…

Siêu âm cắt đứng dọc (A) bộc lộ nốt bề mặt, dịch ổ bụng và nhu mô thô. Các ảnh đứng dọc cho thấy (B) phì đại phân thùy ngoài, (C) phì đại thùy đuôi, và (D) teo thùy phải.

Hình ảnh xơ gan: Siêu âm cắt đứng dọc (A) bộc lộ nốt bề mặt, dịch ổ bụng và nhu mô thô. Các ảnh đứng dọc cho thấy (B) phì đại phân thùy ngoài, (C) phì đại thùy đuôi, và (D) teo thùy phải.

2.4. Ung thư gan

Ung thư gan có thể phát triển trên nhu mô gan lành lặn bình thường tuy nhiên có đến 63 – 83% ung thư gan xuất hiện trên gan bị xơ do rượu hoặc do hậu quả của tình trạng viêm gan do virus. Ở người lớn thường gặp là ung thư biểu mô tế bào gan trong khi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi thường là ung thư phôi bào gan.

So với kết quả siêu âm gan bình thường, kết quả siêu âm của ung thư gan thường là gan to toàn bộ hoặc chi to một thùy hay phân thùy, bề mặt gan gồ ghề. Trong hình ảnh siêu âm gan bị ung thư, khối u là một khối đặc có bờ đều hoặc không đều, xung quanh thường có bờ viền giảm âm, kích thước dưới 3cm ở giai đoạn sớm và trên 10cm khi phát hiện ở giai đoạn muộn.

Trong trường hợp khối u tại gan bị hoại tử, kết quả siêu âm gan sẽ cho thấy một khối đặc, ở giữa rỗng, bờ hốc rỗng dày và không đều.

Nếu ung thư gan phát triển trên gan lành lặn thì siêu âm sẽ cho hình ảnh nhu mô gan xung quanh bình thường, nếu ung thư xuất hiện trên gan bị xơ do rượu hoặc do viêm gan virus thì sẽ cho hình ảnh có các dấu hiệu xơ gan kèm theo. Có thế thấy, đối với các bệnh nhân bị ung thư gan, việc siêu âm gan là rất quan trọng.

Ngoài ra, siêu âm gan còn giúp bác sĩ phát hiện ra áp – xe gan, sán lá gan, nang gan, u máu trong gan… và đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

3. Siêu âm gan có chính xác không?

Phương pháp siêu âm gan không có chống chỉ định với bất kỳ bệnh nhân nào, có thể áp dụng cho mọi đối tượng, kể cả trẻ em mà không gây ảnh hưởng có hại gì đến sức khỏe của bệnh nhân.

Hiện nay, siêu âm gan được ứng dụng rất phổ biến trong quá trình kiểm tra và điều trị bệnh gan. Siêu âm gan là cận lâm sàng có độ chính xác và tin cậy cao. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào kết quả siêu âm thì không đủ để đánh giá một cách toàn diện tình trạng của người bệnh. Cần kết hợp siêu âm gan với các phương pháp kiểm tra khác để chẩn đoán xác định bệnh gan khi cần thiết. Vì vậy, trường hợp không may mắc phải bệnh gan, người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín để kiểm tra và làm đầy đủ các xét nghiệm chuyên sâu, đánh giá chính xác tình trạng bệnh và nhận được liệu pháp điều trị thích hợp.

siêu âm gan

Siêu âm gan cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa

4. Những lưu ý khi đi siêu âm gan

Trước thời điểm thực hiện siêu âm gan khoảng 1 tuần, bệnh nhân nên hạn chế ăn các loại thức ăn khó tiêu, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân chỉ nên ăn các món dễ tiêu hóa, thanh đạm để không tạo áp lực giải độc lên gan.

Thời gian tốt nhất để thực hiện kỹ thuật siêu âm gan là vào buổi sáng. Khi đi khám bệnh người bệnh cần để bụng trống rỗng (bụng đói) để siêu âm gan cho kết quả chính xác nhất, tránh hiện tượng thức ăn làm nhiều hình ảnh siêu âm.

Mặt khác, theo giải thích của các bác sĩ, sau khi ăn no túi mật sẽ co nhỏ, điều này gây hạn chế việc đánh giá túi mật, tuy ít ảnh hưởng đến gan nhưng bác sĩ vẫn khuyến cáo bệnh nhân siêu âm lúc đói để kết hợp đánh giá luôn tình trạng túi mật trong quá trình siêu âm gan.

Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn