Stent mạch vành là bước tiến lớn trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ mạch máu nuôi tim. Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu nhất cho bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim do tắc hẹp mạch vành, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi sát những diễn tiến sau can thiệp vì có một số biến chứng có thể xảy ra sau can thiệp đặt Stent động mạch vành.
1. Biến chứng sau đặt stent mạch vành
1.1. Hình thành huyết khối trong lòng stent
Stent bản chất là một khung kim loại, được đặt vào bên trong lòng mạch vành như một giá đỡ với nhiệm vụ làm rộng lòng những nhánh mạch vành bị hẹp cũng như cố định thành mạch không cho tắc nghẽn trở lại. Hiện nay, can thiệp mạch vành thường sử dụng 2 loại stent chính là stent thường và stent phủ thuốc.
Trong đó, stent phủ thuốc là một loại đặc biệt vì nó được tráng qua một lớp thuốc được phóng thích dần dần vào lòng mạch sau khi đặt stent nhằm hạn chế sự hình thành và phát triển của mô sẹo; qua đó, giúp lòng mạch luôn trơn nhẵn và mạch vành không bị hẹp lại.
Biến chứng đặt stent mạch vành đầu tiên và nặng nề cần phải nhắc đến chính là hình thành cục máu đông (huyết khối) trong lòng stent, gây tắc nghẽn lòng mạch trở lại. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn có biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim hay thậm chí là nhồi máu cơ tim trở lại. Cục máu đông có thể hình thành bất cứ lúc nào, có thể ngay sau khi thực hiện can thiệp đặt stent. Do vậy, cần dùng thuốc chống đông trong khi can thiệp đầy đủ và duy trì thuốc chống kết tập tiểu cầu trước và sau khi đặt stent theo chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm túc. Không được dừng hay bỏ thuốc để tránh hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành cấp.Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn và không được tự ý ngưng thuốc. Điều này sẽ giúp hạn chế được biến chứng cục máu đông. Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy, ngưng những loại thuốc này làm tăng tỷ lệ tử vong do huyết khối gây tắc stent.
Tình trạng huyết khối trong lòng stent xuất hiện sau đăt stent mạch vành.
1.2. Xuất huyết do dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu
Như đã nhắc ở trên, đa phần người bệnh cần sử dụng thuốc kháng đông sau đặt stent để phòng ngừa huyết khối. Do đó, một biến chứng sau đặt stent mạch vành liên quan đến sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel) chính là làm tăng nguy cơ chảy máu. Trong đó, quan trọng và hay gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày.
Những bệnh nhân có tiền căn rối loạn đông cầm máu hoặc xuất huyết dạ dày trước đó cần báo với bác sĩ điều trị vì đây là những chống chỉ định tuyệt đối của nhóm thuốc kháng đông máu.
Một số tình trạng xuất huyết khác người bệnh có thể gặp như xuất huyết dưới da hoặc những vị trí có can thiệp y tế như đặt kim luồn hoặc ống thông. Mức độ chảy máu có thể nhẹ, ngưng thuốc có thể điều chỉnh được. Nhưng một số trường hợp xuất huyết mức độ nặng có thể đe dọa tính mạng. Do vậy, các bác sĩ và nhân viên y tế cần theo dõi sát tình trạng xuất huyết sau đặt stent.
1.3. Tái hẹp sau đặt stent
Đặt stent không có nghĩa là mạch vành được bảo vệ hoàn toàn, không tái hẹp. Biến chứng đặt stent mạch vành có thể gặp là lòng mạch tắc nghẽn trở lại do hình thành mảng xơ vữa ở những vị trí khác hoặc chính tại vị trí đặt stent. Tỷ lệ biến chứng đặt stent mạch vành này khoảng 15% đối với stent cổ điển và giảm còn 10% đối với stent phủ thuốc.
Stent phủ thuốc giúp giảm đáng kể nguy cơ tái hẹp lại nhưng không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ này. Do đó, bệnh nhân luôn được kết hợp điều trị thuốc kèm theo sau đặt stent để giảm thấp nhất nguy cơ tái hẹp.
1.4. Đột quỵ
Đột quỵ nhồi máu não có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình đặt stent mạch vành. Trong khi thực hiện thủ thuật, việc luồn ống thông vô tình làm bong tróc mảng xơ vữa trong mạch máu và chính những mảng xơ vữa này đi theo dòng máu gây tắc nghẽn mạch máu não. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng về biến chứng này do tỷ lệ biến chứng đột quỵ rất thấp.
Đột quỵ nhồi máu não có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình đặt stent mạch vành.
1.5. Tổn thương động mạch vành
Đặt stent mạch vành là một thủ thuật xâm lấn. Do đó, trong quá trình can thiệp thì chính động mạch vành cũng có thể bị có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt, trên nền tổn thương vữa xơ mạch vành, các thủ thuật như nong bóng có thễ dẫn tới rách vỡ mạch vành. Có rất nhiều phương pháp xử trí các biến chứng gây tổn thương mạch vành trong quá trình can thiệp; tùy tình huống cụ thể mà bác sĩ can thiệp sẽ tiến hành xử trí như bơm mỡ tự thân bít chỗ rò mạch vành, đặt cover stent, một số trường hợp có thể tiến hành mổ cấp cứu để xử trí các biến chứng.
1.6. Rối loạn nhịp tim
Vì đặt stent là can thiệp trực tiếp vào tim nên một số bệnh nhân có thể gặp biến chứng rối loạn nhịp tim như nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm. Đặc biệt là các rối loạn nhịp thất nguy hiểm. Tuy nhiên, đa số các rối loạn nhịp là hậu quả của nhồi máu cơ tim. Vì vậy, việc tiến hành can thiệp sẽ cải thiện được tình trạng rối loạn nhịp và tiên lượng của người bệnh. Sau can thiệp Stent mạch vành, có nhiều trường hợp xuất hiện các rối loạn nhịp; một trong số đó có nguồn gốc từ sẹo nhồi máu cơ tim hoặc hậu quả của tình trạng thiếu máu cơ tim.
1.7. Một số biến chứng khác
Bên cạnh các biến chứng sau đặt stent mạch vành trên, bệnh nhân có thể xảy ra một số tình trạng sau đây:
Chảy máu tại vị trí chọc ống thông.
Dị ứng thuốc cản quang hoặc sốc phản vệ.
Suy thận cấp do thuốc cản quang dùng trong can thiệp.
Người bệnh có thể gặp biến chứng suy thận câp do thuốc cản quang dùng trong can thiệp.
2. Cách xử trí khi có biến chứng sau đặt stent mạch vành
Biến chứng sau đặt stent mạch vành rất thấp và đa số trong đó, bác sĩ đều có thể xử trí được tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Quan trọng là người bệnh lo sợ biến chứng mà trì hoãn phương pháp này. Để mang lại hiệu quả cao nhất và hạn chế biến chứng của đặt stent mạch vành, bác sĩ phải tiến hành thăm khám lâm sàng cẩn thận, khai thác tiền căn bệnh tật đầy đủ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổng thể người bệnh.
Thực tế, mức độ nguy hiểm của biến chứng đặt stent mạch vành khi bệnh nhân còn nằm viện là không đáng lo ngại. Điều đáng sợ nhất chính là giai đoạn bệnh nhân điều trị ngoại trú bằng các loại thuốc khác nhau.
Đặt stent không có nghĩa là bệnh nhân khỏe mạnh hoàn toàn mà bệnh nhân cần phải duy trì các loại thuốc lâu dài, có thể là suốt đời. Trong số đó, thuốc chống kết tập tiểu cầu là loại liên quan đến các biến chứng sau đặt stent mạch vành nhiều nhất. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng hoặc sử dụng thuốc sai cách.
Ngoài ra, để hạn chế các biến chứng của đặt stent mạch vành, người bệnh cần thực hiện các yêu cầu sau:
Không làm việc nặng, quá sức trong khoảng một tuần đầu tiên sau đặt stent.
Hạn chế việc gắng sức trong 4 ngày sau phẫu thuật.Hạn chế các môn thể thao nặng trong 1 tuần đầu như chạy bộ, bơi lội, quần vợt hoặc bóng đá,…
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định sau khi thực hiện phương pháp nong mạch đặt stent.
Thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, phụ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh.
Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Không sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn ngọt hoặc quá mặc. Chế độ ăn bổ sung nhiều rau xanh, trái cây.
Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu béo phì.
Tập các môn thể dục nhẹ nhàng như yoga, ngồi thiền,… để duy trì sức khỏe, thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể.
Người bệnh có thể tập các bài tập nhẹ nhàng giúp thúc đẩy quá trình hồi phục cơ thể.
3. Khi nào cần tái khám?
Sau đặt stent mạch vành và xuất viện, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiếp tục điều trị bằng các loại thuốc khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt điều trị của bác sĩ, đặc biệt là thuốc chống kết tập tiểu cầu để hạn chế biến chứng đặt stent mạch vành.
Đa số bệnh nhân được hẹn tái khám lại tại phòng khám chuyên khoa tim mạch mỗi tháng hoặc 3 – 6 tháng khi tình trạng người bệnh ổn định. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu bất thường như đau ngực nhiều, khó thở, đặc biệt khi gắng sức kèm chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, các dấu hiệu chảy máu,… thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để bác sĩ kiểm tra và xử trí thích hợp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được phối hợp điều trị giữa các chuyên khoa khác nhau như bác sĩ nội tiết để kiểm soát mức đường máu, mỡ máu,… và giảm tối đa nguy cơ biến chứng sau đặt stent mạch vành. Để đảm bảo hạn chế tình trạng biến chứng xảy ra sau đặt stent mạch vành, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để thực hiện và theo dõi, tái khám sau khi thực hiện.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn