Về sinh lý học, huyết áp trong ngày sẽ dao động theo một mô hình: huyết áp thường thấp hơn vào ban đêm khi đang ngủ, bắt đầu tăng vài giờ trước khi thức dậy, huyết áp sẽ tiếp tục tăng trong ngày, thường đạt đỉnh vào giữa buổi chiều, sau đó vào cuối buổi chiều và buổi tối, huyết áp bắt đầu giảm trở lại.
1.Tăng huyết áp về đêm là gì?
Tăng huyết áp về đêm được định nghĩa là huyết áp trung bình buổi tối (từ lúc lên giường ngủ đến khi thức dậy) ≥ 120/70 mmHg (hoặc >110/65 mmHg theo cập nhật ACC/AHA 2017). Đối với người bình thường khỏe mạnh, huyết áp về đêm thấp hơn ban ngày 10-20%.
2. Nguyên nhân và hậu quả của tăng huyết áp về đêm
Huyết áp trong cơ thể một phần được điều hòa bởi hệ thần kinh tự động, mô hình bình thường gồm huyết áp cao hơn vào ban ngày và thấp hơn vào ban đêm.
Trong trường hợp mô hình huyết áp bất thường, chẳng hạn như huyết áp cao về ban đêm hoặc sáng sớm, có thể là bạn có vấn đề về sức khỏe. Có thể liên quan đến các tình trạng:
Chưa kiểm soát được bệnh cao huyết áp
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Bệnh lý về thận
Bệnh lý về đái tháo đường
Các vấn đề tuyến giáp
Bất thường hệ thống thần kinh: mất ngủ, rối loạn nhận thức, già suy yếu, bệnh nhân sau đột quỵ
Bệnh lý tim mạch
Người Châu Á thường có khuynh hướng tăng huyết áp về đêm nhiều hơn do chế độ ăn nhiều muối và nhạy cảm hơn với muối. Trên những bệnh nhân có tăng thể tích tuần hoàn (ăn nhiều muối), dựa trên áp lực thải natri niệu, nên huyết áp không chỉ cao vào ban ngày mà còn tăng cao cả về đêm để tăng bài tiết natri ra khỏi thận.
Tăng nhạy cảm với muối do suy giảm chức năng thận, do cường giao cảm và sự hoạt hóa của hệ thống RAA. Các quá trình này ngày càng tiến triển hơn do tuổi già, căng thẳng, béo phì, đái tháo đường và rối loạn giấc ngủ (mất ngủ và hội chứng ngưng thở khi ngủ).
Cơ chế và tác động của huyết áp về đêm lên nguy cơ tim mạch
Tăng huyết áp về đêm có thể là biểu hiện đầu tiên của tăng huyết áp do hậu quả của tăng hoạt động hệ giao cảm và thường liên quan đến những biến cố tim mạch (đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim) hoặc tổn thương cơ quan khác (suy thận, suy giảm nhận thức và bệnh động mạch ngoại biên) vì nó không được phát hiện trong thời gian dài.
Ngoài ra tăng huyết áp về đêm có thể là giai đoạn tiến triển của tăng huyết áp. Tư thế nằm trong lúc ngủ làm tăng hồi lưu tĩnh mạch dẫn đến tăng tiền tải lên thất trái và tăng sức căng thành thất trái theo định luật Laplace.
Thể tích tuần hoàn còn được tăng thêm do sự di chuyển của dịch mô kẽ từ mô mềm phần thấp của cơ thể, điều này càng làm gia tăng tiền tải. Sự kết hợp của tăng thể tích nội mạch và tăng huyết áp có thể dẫn đến chức năng thận xấu đi do sự gia tăng áp lực cầu thận và tăng lọc.
Ngoài ra, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mô hình huyết áp bất thường, bao gồm:
Việc làm theo ca vào ban đêm
Hút thuốc lá
Rối loạn lo âu
Stress
Bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị hạ áp nhưng thời gian tác dụng ngắn < 24 giờ
3. Chẩn đoán tăng huyết áp về đêm
Tăng huyết áp về đêm được chẩn đoán bằng theo dõi huyết áp liên tục (Holter huyết áp) với số lần đo huyết áp trong đêm ít nhất là 6 lần. Sự thay đổi HA trong 24 giờ thường tuân theo một mô hình, với đỉnh điểm vào sáng sớm và giảm vào ban đêm, được gọi là trũng.
Có sự khác biệt trong ngưỡng chẩn đoán: đối với hướng dẫn của Mỹ thì huyết áp về đêm được định nghĩa khi huyết áp trung bình trong đêm ≥ 110/65 mmHg. Đối với hướng dẫn châu Âu thì con số này là 120/70 mmHg.
Dao động huyết áp được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm huyết áp tụt trong đêm, có 4 mức: Trũng sâu (giảm > 20%), trũng (giảm 10-20%), mất trũng (giảm 0-10%), đảo ngược hoặc tăng (giảm < 0%).
Giao động huyết áp ngày-đêm
4. Điều trị tăng huyết áp về đêm
Đến hiện tại, vẫn chưa thể xác định được nhóm thuốc hay thời điểm dùng thuốc nào là thuận lợi trên tăng huyết áp. Tuy nhiên lựa chọn điều trị trên đối tượng bệnh nhân này có thể là những thuốc tác dụng kéo dài.
Lợi ích của việc chuyển đổi thành huyết áp trũng sâu vẫn còn tranh cãi vì dao động này có thể liên quan đến giảm oxy máu, giảm tưới máu mạch vành có thể dẫn đến các biến cố tim mạch và não đặc biệt ở người cao tuổi.
Mục tiêu: Sau khi kiểm soát huyết áp ban ngày < 130 mmHg, mục tiêu điều trị HA buổi tối < 110/65 mmHg.
Tăng huyết áp về đêm có liên quan chặt chẽ với tăng thể tích tuần hoàn và tăng hoạt động của hệ thần kinh tự động và hệ renin-angiotensin và các yếu tố đi kèm. Cho nên đây chính là mục tiêu chính trong điều trị tăng huyết áp về đêm.
Quá tải thể tích: Hạn chế muối, thuốc lợi tiểu, kháng Aldosteron, ARNI, ức chế SGLT2
Bệnh lý mạch máu tiến triển: Ức chế canxi đơn trị hoặc kết hợp với thuốc ức chế hệ thống Renin-angiotensin
Tăng hoạt động hệ giao cảm: Ức chế beta/alpha, cắt dây thần kinh thận đặc biệt ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ
Mất ngủ: sử dụng melatonin để điều hòa giấc ngủ
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn