Ăn mặn là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ngoài ra, ăn mặn còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.
1. Tại sao ăn mặn lại có nguy cơ mắc bệnh tim?
Chúng ta đều biết rằng muối là một trong những thành phần rất quan trọng đối với cơ thể. Vì muối giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể, giúp truyền xung lực đến não và ảnh hưởng đến hoạt động co giãn cơ. Hầu hết các món ăn đều phải chứa một lượng muối nhỏ nhất định. Ngoài ra, natri trong muối cùng với kali, magie và canxi và kết hợp với nước tạo thành một hợp chất được gọi là chất điện phân, có tác dụng “vệ sinh” bên trong cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê muối). Tuy nhiên đa số mọi người đều tiêu thụ một lượng muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10 gam/ngày.
Nhưng tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc vào năm 2015, trung bình một người trưởng thành một ngày tiêu thụ tới 9,4 gam muối, nghĩa là cao gấp đôi so với khuyến nghị. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, cứ 3 bệnh nhân tử vong thì có 1 bệnh nhân tử vong bởi nguyên nhân là bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch máu não. Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có 81.800 trường hợp tử vong bởi bệnh mạch máu não (chiếm 15% tổng số tử vong trên toàn quốc) và 67.500 bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim (chiếm 12% số tử vong).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn mặn có nguy cơ gia tăng những cơn đau tim và đột quỵ. Không những thế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng ăn mặn còn là tác nhân gây ra rất nhiều căn bệnh khác như: loãng xương, suy thận, ung thư dạ dày. Cơ thể sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn khi chúng ta ăn mặn. Khi đó hàm lượng natri trong máu gia tăng và thận phải làm việc hết công suất mới lọc được máu. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc của nó, do đó sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch dẫn đến hậu quả là nước sẽ di chuyển vào bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Vì thế, ăn mặn là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và làm huyết áp tăng cao.
Ăn mặn có nguy cơ gia tăng những cơn đau tim và đột quỵ
Ngoài ra, ăn mặn còn làm tình trạng bệnh tim mạch ở những người đã mắc phải nặng thêm. Tăng huyết áp thường được ví như là một “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi tăng huyết áp có thể ủ bệnh từ 15 đến 20 năm mà không có bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Hấp thụ một lượng muối nhiều hơn mức cần thiết trong mỗi bữa ăn cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Nguyên nhân là do natri hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp lại, trong khi lượng nước và áp suất lại càng tăng lên. Tăng huyết áp dễ dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm khác như: bệnh thận, đau tim, đột quỵ và xuất huyết não.
Đối với người bị suy tim, bên cạnh các triệu chứng ho, khó thở, nhịp nhanh, mệt mỏi thì phù cũng là một triệu chứng phổ biến. Phù thường gặp ở mu bàn chân và cẳng chân, trường hợp nặng có thể dẫn đến phù toàn thân, đó là do tình trạng ứ trệ tuần hoàn, giữ nước và muối trong cơ thể gây ra. Như vậy, việc thực hiện chế độ ăn nhạt, uống ít nước là rất quan trọng giúp giảm các triệu chứng phù và làm giảm gánh nặng cho tim.
2. Làm thế nào để xây dựng chế độ ăn giảm muối?
Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, dăm bông, mắm,… Theo đó, chúng ta nên giảm muối trong mỗi bữa ăn từng bước một, các chế độ ăn nhạt mà bạn có thể tham khảo như sau:
Chế độ ăn nhạt vừa: Là trong chế độ ăn chỉ cần khoảng 800 – 1.200mg natri/ngày, tương đương với 2 – 3g muối. Trong đó đã chứa sẵn 1g từ gạo và rau quả của khẩu phần ăn nên khi chế biến thức ăn chỉ cần cho 2g muối/ngày hoặc 2 thìa cà phê nước mắm/ngày.Chế độ ăn nhạt: Là trong chế độ ăn chỉ cần từ 400 – 700mg natri/ngày, tương ứng với 1 – 2g muối. Trong đó đã có sẵn khoảng 1 gam muối từ gạo và rau quả của khẩu phần ăn. Vì vậy, khi chế biến thức ăn chỉ cần cho 1g muối ăn hoặc 1 thìa con nước mắm/ngày là đủ lượng natri theo yêu cầu.Chế độ ăn nhạt hoàn toàn: Là trong chế độ ăn chỉ cần 200 – 300mg natri/ngày, tương đương với 0,5-1g muối. Lượng natri này đã có đủ trong thực phẩm nên khi chế biến khẩu phần ăn cần lưu ý: Hoàn toàn không dùng muối, mì chính, bột canh, nước mắm và chọn thực phẩm chứa ít natri chẳng hạn như: gạo trắng, khoai, củ, rau, quả ngọt, thịt, cá, trứng.
Để đảm bảo chế độ ăn với một lượng muối phù hợp, tốt cho sức khỏe, chúng ta nên ưu tiên những thực phẩm có ít lượng muối như: rau xanh, trái cây, các loại thịt nạc,…
Rau xanh, trái cây là những thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn giảm muối
Một số món ăn phù hợp đó là: Khoai tây hầm thịt bò, thịt băm viên hấp, đậu phụ luộc, bí xanh, bí đao luộc bỏ nước, cá luộc hoặc cá hấp nhạt, khoai tây, khoai lang rán hoặc luộc, bánh quy, bánh đậu xanh.
Các loại thực phẩm chứa nhiều muối nên hạn chế ăn như: Thực phẩm muối, lên men (dưa muối, cà muối, mắm tép, mắm cá,…); thực phẩm được chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, giò chả…); thực phẩm khô (cá khô, tôm khô, mực khô,…); thức ăn kho, rang, rim (cá kho, thịt kho,…) hoặc các thực phẩm công nghiệp (ví dụ như mì ăn liền, bim bim, thịt hộp, cá hộp),…
Tuy rằng, việc ăn mặn, thừa muối ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng trong khẩu phần ăn hàng ngày bạn vẫn phải đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ muối (natri) cần thiết. Theo đó, các bạn cần nhớ và thực hiện thông điệp của ngành Y tế: “Cho ít muối – chấm vừa đủ và giảm ngay đồ ăn mặn” để đảm bảo sức khỏe.
Tóm lại, ăn mặn là một trong những nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp. Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh tim mạch và đảm bảo một sức khỏe tốt bạn cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hợp lý. Đối với những người đã từng mắc bệnh tim mạch cần thực hiện ăn giảm muối theo khuyến cáo của bác sĩ.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn