Huyết áp được quyết định bởi lượng máu mà tim bơm ra trong các nhịp đập và kháng lực mà máu tác dụng lên động mạch. Tim bơm càng nhiều máu, động mạch càng trở nên hẹp, huyết áp càng tăng.
1. Nguyên nhân của tăng huyết áp
Có 2 loại tăng huyết áp:
Tăng huyết áp nguyên phát: thường được gọi là tăng huyết áp vô căn do không xác định được nguyên nhân của tình trạng này. Dạng tăng huyết áp này thường xuất hiện ở người lớn tuổi và có thể tiến triển nhanh trong vòng vài năm.
Tăng huyết áp thứ phát: thường do các tình trạng bệnh có sẵn ở người bệnh. Dạng tăng huyết áp này thường xuất hiện đột ngột và làm huyết áp tăng cao nhanh hơn tăng huyết áp nguyên phát. Các nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp thứ phát:
Rối loạn giấc ngủ
Bệnh thận
U tuyến thượng thận
Bất thường tuyến giáp
Khiếm khuyết mạch máu do di truyền
Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc chống sung huyết, thuốc giảm đau
Nghiện rượu
2. Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn (có nhiều muối), chế độ ăn ít Kali (Kali có nhiều trong rau, trái cây: chuối, nước dừa…), thiếu vitamin D, lười vận động, căng thẳng…
Yếu tố nguy cơ không/ khó thay đổi:
Tuổi tác: nguy cơ tăng huyết áp tăng theo tuổi (nam thường phát bệnh ở tuổi 45 trở lên, phụ nữ thường xuất hiện bệnh từ tuổi 65)Chủng tộc: Tăng huyết áp thường thấy ở người da màu nên độ tuổi mắc bệnh sớm hơn người da trắng. Ở người da màu cũng thấy những biến chứng nguy hiểm hơn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận
Tiền sử gia đình: Tăng huyết áp có xu hướng di truyền (cha mẹ bị tăng huyết áp thì con cái thường có nguy cơ mắc tình trạng này nhiều hơn).
Bệnh mạn tính: người có bệnh thận, bệnh đái tháo đường và bệnh mất ngủ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Thừa cân, béo phì.
Mang thai: cũng có thể làm sản phụ tăng huyết áp thai kỳ.
Mang thai là một trong các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
3. Triệu chứng của tăng huyết áp
Hầu hết người bệnh không có triệu chứng, ngay cả khi huyết áp đạt ngưỡng nguy hiểm. Tăng huyết áp thường được phát hiện sớm khi người bệnh đi khám định kỳ hay tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác.
Một số trường hợp người bệnh có thể nhức đầu, khó thở, chảy máu mũi, nhưng những triệu chứng này không điển hình và thường không diễn ra khi tình trạng đã đến giai đoạn nguy hiểm.
Biến chứng của tăng huyết áp: tăng huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến rất nhiều các biến chứng nguy hiểm:Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Tăng huyết áp có thể làm xơ vữa động mạch. Điều này sẽ dẫn tới nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Phình mạch: Huyết áp tăng cao thường xuyên làm thành mạch trở nên kém đàn hồi, yếu và phình to. Nếu khối phình bị vỡ sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Suy tim: Bơm máu đi khỏi tim với áp lực thành mạch quá cao gây cản trở việc bơm máu và làm tim kiệt quệ. Các sợi cơ tim dần dày lên, tăng thời gian co bóp, cuối cùng dẫn đến suy tim.
Bệnh thận mạn.Giảm thị lực: Do sự dày, hẹp và các mạch máu nhãn cầu bị rách.
Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng này gồm nhiều bất thường trong chuyển hóa của cơ thể, như tăng vòng hông, tăng chất béo trong máu, giảm HDL máu và tăng in-su-lin. Tình trạng này dễ đưa đến đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ.
Bất thường trí nhớ và tư duy: Tăng huyết áp không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, nhớ và học. Người bệnh thường gặp khó khăn khi ghi nhớ và hiểu một vấn đề nào đó.
4. Chẩn đoán tăng huyết áp
Khi đo huyết áp, có 2 chỉ số bạn cần lưu ý: huyết áp tâm thu (số lớn ở trên), huyết áp tâm trương (số bé ở dưới).
Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu từ 90 đến 120 mmHg và huyết áp tâm thu từ 60 đến 80 mmHg (90/60mmHg đến 120/80mmHg)Xem xét chẩn đoán tăng huyết áp khi: huyết áp tâm thu cao hơn 140 mmHg (ở người trên 60 tuổi thì huyết áp tâm thu cao hơn 150 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 90 mmHg.
Tự đo huyết áp tại nhà: Đây là 1 phương pháp dễ thực hiện và quan trọng để bạn tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Bạn có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử được bán rộng rãi ở các cửa hàng y tế mà không cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.
5. Điều trị tăng huyết áp
Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp:
Thấp hơn 150/90 mm Hg: Nếu bạn lớn hơn 60 tuổi và sức khỏe bình thường.Thấp hơn 140/90 mm Hg: Nếu bạn nhỏ hơn 60 tuổi và sức khỏe bình thường.
Thấp hơn 130/90 mm Hg: Nếu bạn có bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh mạch vành hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành.
Loại thuốc mà bác sĩ kê toa cho bạn phụ thuộc vào số đo huyết áp của bạn và các vấn đề sức khỏe khác. Để giảm số lần uống thuốc trong ngày, bác sĩ có thể kê cho bạn đơn thuốc gồm nhiều loại thuốc liều thấp nhưng có tác dụng phối hợp hiệu quả hơn. Thỉnh thoảng, việc chọn ra loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân là cả 1 quá trình khó khăn.
Kê đơn điều trị tăng huyết áp cần phụ thuộc vào chỉ số huyết áp của người bệnh
Thay đổi cách sinh hoạt: Cho dù người bệnh sử dụng thuốc gì thì họ cũng cần có cách sống khoa học:
Ăn uống lành mạnh, ăn nhạt
Tập thể dục thường xuyên
Bỏ hút thuốc
Hạn chế uống rượu
Duy trì cân nặng ổn định
Tăng huyết áp kháng trị:
Nếu huyết áp của bạn vẫn không tiến triển tốt khi đã dùng ít nhất 3 loại thuốc khác nhau, 1 trong số đó là thuốc lợi tiểu, bạn có thể đã mắc tăng huyết áp kháng trị.
Mắc tăng huyết áp kháng trị không có nghĩa là huyết áp của bạn sẽ không bao giờ hạ. Thực tế vẫn có cơ hội điều trị hiệu quả tăng huyết áp kháng trị.
Bác sĩ của bạn sẽ đánh giá sự phù hợp của loại thuốc và liều dùng đang sử dụng. Trong 1 số trường hợp, 1 số thuốc, thực phẩm bổ sung và thức ăn có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Hãy cởi mở và trung thực kể với bác sĩ của bạn các loại thuốc bạn đang dùng. Nếu bạn không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh sẽ trầm trọng hơn.
6. Biện pháp phòng chống bệnh tăng huyết áp
Ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá và sữa ít béo. Ăn nhiều thực phẩm chứa kali, hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Giảm lượng muối trong bữa ăn: Người trên 51 tuổi, mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn chỉ nên ăn tối đa 1,5g muối mỗi ngày. Người bình thường có thể ăn 2,3g muối mỗi ngày tối đa. Chú ý các thực phẩm đóng hộp vì chúng có chứa nhiều muối.
Duy trì cân nặng phù hợp: Hãy giảm cân nếu bạn thừa cân béo phì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Tăng cường hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp giảm huyết áp, điều hòa stress, giảm nguy cơ mắc các bệnh thường gặp và giúp giữ cân nặng ổn định. Bạn nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần và đặt ra mục tiêu ít nhất 2 ngày tập luyện tăng cường cơ bắp.
Hạn chế thức uống có cồn: Nếu bạn khỏe mạnh, rượu có thể làm tăng huyết áp vì vậy bạn nên uống điều độ. Nam giới nên uống 1-2 ly mỗi ngày, phụ nữ chỉ nên uống 1 ly/ ngày nếu thật sự cần thiết.
Ngưng hút thuốc lá: Thuốc lá làm tổn thương thành mạch và làm xơ cứng động mạch, từ đó làm tăng huyết áp.
Kiểm soát căng thẳng: Học cách giảm căng thẳng bằng nhiều biện pháp như thử giãn cơ, hít thở sâu hay thiền. Chơi thể thao và ngủ đủ giấc cũng là phương pháp hiệu quả.
Theo dõi huyết áp thai kỳ: Nếu đang mang thai, bạn nên hỏi bác sĩ các phương pháp ổn định huyết áp trong suốt thai kỳ.
Trong trường hợp bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn và việc tự chữa trị không đạt hiệu quả, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và giúp đỡ điều trị.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn