Thường xuyên ngồi vắt chéo chân có thể gây hại gì với cơ thể

Thường xuyên ngồi vắt chéo chân có thể gây hại cho cơ thể mà nhiều người không để ý. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin liên quan.

1. Điều gì xảy ra với cơ thể khi ngồi vắt chéo chân?

Hệ thống cơ xương khớp trên cơ thể người có cấu tạo đối xứng, đặc biệt là ở khung chậu và đôi chân. Khi thực hiện hành động vắt chéo chân này lên chân kia, chúng ta đã vô tình phá vỡ sự cân xứng này của cơ thể, do đó đương nhiên sẽ có những sự xáo trộn, đặc biệt là về hệ cơ xương khớp.

Vậy những sự xáo trộn đó là gì?

1.1 Khung xương chậu bị lệch

Dễ nhận thấy nhất khi ngồi vắt chéo chân là khung xương chậu sẽ bị lệch, một bên cao, và một bên thấp. Điều này kéo theo việc cột sống cũng bị lệch theo. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu ngồi ở tư thế vắt chéo chân quá 3 tiếng ngày, bạn sẽ dễ bị tình trạng từ cổ, vai tới cột sống lưng và xương chậu cùng nghiêng sang một bên, đầu bị đẩy về phía trước nhiều hơn và hình thành nên dáng đi khom lưng, mất cân đối. Đồng thời, các khối cơ lưng hông phải căng mình lên để kéo lại trục cân bằng dẫn tới tình trạng đau âm ỉ vùng lưng dưới ở những người có thói quen ngồi này.

1.2 Làm tăng tình trạng trầm trọng của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Khi vắt chéo chân, tức là chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc sẽ bị chèn ép lại, không còn diện tích để cho máu lưu thông, do đó dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn hoặc tăng áp lực đẩy máu đến tim. Bình thường những van nhỏ trong mạch máu giúp ngăn cản máu bị chảy sai hướng, nhưng nếu các van này bị yếu đi, máu có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ngồi vắt chéo chân khiến triệu chứng của những người đã bị bệnh lý này càng thêm trầm trọng.

Suy giãn tĩnh mạch không chỉ gây mất thẩm mỹ vì tạo ra các vết chằng chịt ở bề mặt da vùng đùi, cẳng chân mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của toàn bộ cơ thể.

1.3 Tăng nguy cơ thoái hóa khớp

Có vẻ không liên quan nhưng thực tế, khi vắt chéo 2 chân, lưu lượng máu không chỉ xuống hai chân mà đến các khớp ở chi dưới cũng bị giảm hẳn, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô. Tình trạng này dễ gặp nhất ở các vùng khớp gối, khớp cổ chân, xương chậu và vùng thắt lưng. Đồng thời, vắt chéo chân cũng làm cho khớp gối bị đè ép sai tư thế một cách cố định trong thời gian dài, vừa làm tăng áp lực lên sụn khớp lại gây căng giãn hệ thống dây chằng. Do đó, đây là một tư thế không tốt với những người thoái hóa khớp gối.

Một khi đã hình thành thói quen thì việc thay đổi trong chốc nhát không phải là dễ, tuy nhiên với rất nhiều những hệ lụy liên quan đến sức khỏe như đã kể trên, bạn có thể bắt đầu lưu ý đến hành vi vắt chéo chân khi ngồi hàng ngày để có dần tạo ra sự thay đổi tích cực.

Ngồi vắt chéo chân tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe

Ngồi vắt chéo chân tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe

2. Thay đổi cách ngồi để tốt cho sức khỏe

Thay vì ngồi vắt chéo chân, bạn có thể để song song 2 chân trên cùng một mặt phẳng để không gây ra áp lực cho vùng xương chậu và cột sống. Chỉ cần chụm 2 đầu gối một cách lịch sự và kín đáo, bạn vẫn có được dáng ngồi vừa thanh lịch vừa thoải mái.

Đối với những chị em phụ nữ, nếu bắt buộc phải vắt chéo chân do trang phục, hãy vắt chéo chân ở vị trí mắt cá chân chứ không phải đầu gối.

Khi ngồi lâu mà không thể đứng dậy (như trong các cuộc họp kéo dài), bạn có thể hơi nhón gót chân 2 bên lên 1 chút, và xoay nhẹ cẳng chân bằng đầu mũi ngón chân, đồng thời phối hợp với các động tác duỗi nhẹ gối, các động tác có thể lặp lại trong vòng mỗi 2-3 phút. Điều này sẽ giúp các khối cơ bắp chân thư giãn, đồng thời tăng tuần hoàn máu cho vùng cẳng chân.

Ngoài ra, việc thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng dậy để vận động sau mỗi 45 phút đến 1 tiếng làm việc cũng được các bác sĩ và chuyên gia khuyến khích để tăng tuần hoàn máu đến các chi. Vận động nhẹ nhàng sau khi ngồi lâu cũng giúp mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.