Canxi là khoáng chất có vai trò quan trọng trong cơ thể người, không chỉ giúp xương chắc khoẻ còn tham gia vào quá trình co cơ, giải phóng hormone, dẫn truyền thần kinh và đông máu. Do đó thiếu canxi máu hay hạ canxi máu nhìn chung là tình trạng khi nồng độ canxi máu không đạt được giá trị bình thường có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm mà người bệnh cần được xử trí nhanh và kịp thời. Vậy thiếu canxi máu uống thuốc gì?
1. Vai trò của canxi trong cơ thể con người
Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động sinh lý cũng như cấu trúc của các thành phần cơ thể. Lượng dự trữ canxi trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào các yếu tố như thức ăn, nước uống và sự hấp thu canxi từ ruột, đào thải qua thận. Nhu cầu canxi hằng ngày của cơ thể rơi vào khoảng 1000mg, với dự trữ 99% canxi tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân còn 1% tồn tại trong máu.
Nồng độ canxi trong máu người trưởng thành là từ 9-11 mg/dl, nếu không bổ sung đầy đủ hàm lượng canxi cần thiết cho cơ thể trong thực đơn hàng ngày thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu canxi và có thể gây co cơ, chuột rút khi nồng độ tụt xuống còn 7 mg/dl. Do đó, việc hiểu rõ về tình trạng thiếu canxi có thể giúp bạn có phương pháp để giải quyết kịp thời tình trạng này.
2. Tình trạng hạ canxi máu là gì?
Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp bất thường: canxi huyết thanh dưới 8,8 mg/dl (2,2 mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường hoặc canxi ion hoá dưới 4,7 mg/dl (1,17 mmol/l). Các nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng hạ canxi gồm có:
Thiếu hụt canxi do chế độ dinh dưỡng kém, không cung cấp đủ nhu cầu hay rối loạn hấp thu canxi của cơ thể
Thiếu hụt vitamin D do nguồn thực phẩm không cung cấp đủ hay do ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (thiếu vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi)
Suy tuyến cận giáp khiến sự sinh sản hormone tuyến cận giáp bị ảnh hưởng (một hormone giúp điều hòa nồng độ canxi trong máu)
Thiếu hụt magie là khoáng chất cần thiết cho hoạt động của hormon tuyến cận giáp
Suy thận mãn tính làm giảm hấp thu canxi từ nguồn thực phẩm
Nguyên nhân do thuốc: một số nhóm thuốc như biphosphonat, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chống động kinh có thể có tác dụng phụ làm hạ canxi
Ngoài ra, các yếu tố như rối loạn tiêu hoá kéo dài, viêm tuỵ cấp, nghiện rượu cũng có thể làm gia tăng nguy cơ hạ canxi máu.
3. Biểu hiện của hạ canxi máu như thế nào?
Các triệu chứng của tình trạng hạ canxi máu khá đặc trưng với ban đầu là tê lưỡi, môi và các đầu ngón tay khiến bệnh nhân không thể cử động hay nói chuyện bình thường được. Sau đó có thể xuất hiện tình trạng co thắt các cơ của tay khiến các ngón tay không xoè ra được, co giật và cứng các cơ ở mặt, bàn tay, bàn chân.
Nếu tình trạng hạ canxi máu vẫn tiến triển có thể gây co thắt các vùng cơ mặt và cơ toàn thân gây đau đớn nghiêm trọng, các cơ hô hấp bị ảnh hưởng sẽ khiến bệnh nhân sẽ khó thở, co giật toàn thân hoặc khu trú. Nặng hơn có thể xuất hiện các rối loạn nhịp, mất trí nhớ, lú lẫn hoặc trầm cảm. Vậy khi hạ canxi máu uống thuốc gì?
4. Thiếu canxi máu uống thuốc gì?
Hạ canxi máu điều trị như thế nào? Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng hạ canxi máu mà có các biện pháp bổ sung canxi khác nhau:
Nếu hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt canxi: Nên nhanh chóng bổ sung canxi ở dạng muối cacbonat hay gluconat qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.Nếu hạ canxi máu do thiếu hụt vitamin D hay do suy tuyến cận giáp: Bổ sung vitamin D như colecalciferol, calcitriol… qua đường uống hay tiêm tĩnh mạch
Hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt magie: nhanh chóng bổ sung magie (ở dạng muối lactat hay chloride,…) qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch
Hạ canxi máu do thiếu hụt hormone tuyến cận giáp: nhanh chóng bổ sung các chế phẩm tương tự hormone tuyến cận giáp (Natpara, forteo,…) để cân bằng hàm lượng canxi cho cơ thể.