Thuốc Nitroglycerin thường được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch. Vậy thuốc Nitroglycerin là thuốc gì, cách sử dụng loại thuốc này như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.
1. Nitroglycerin là thuốc gì?
Nitroglycerin là một loại thuốc giãn mạch, được bào chế dưới nhiều dạng thuốc và hàm lượng khác nhau bao gồm:
Viên đặt dưới lưỡi với các hàm lượng: 0,3 mg, 0,4 mg, 0,6 mg.Viên tác dụng kéo dài với các hàm lượng: 1 mg, 2 mg, 3 mg, 5 mg.Nang tác dụng kéo dài với các hàm lượng: 2,5 mg, 6,5 mg, 9,0 mg.Khí dung xịt định liều (vào lưỡi) với hàm lượng: 200 liều/bình, 0,4 mg/liều xịt.Thuốc mỡ bôi ngoài da với hàm lượng 2%.Miếng thuốc dán với hàm lượng : 0,1 mg/giờ, 0,2 mg/giờ, 0,3 mg/giờ, 0,4 mg/giờ, 0,6 mg/giờ và 0,8 mg/giờ.Dung dịch tiêm IV với các hàm lượng: 0,5 mg/ml x 5 ml, 1 mg/ml x 10ml, 5 mg/ml x 5 ml và 10 ml.
Khi vào trong cơ thể, Nitroglycerin được chuyển hóa thành oxit nitric (NO). NO gây giãn mạch, giúp cho máu trong lòng mạch được lưu thông dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp làm giảm triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành gây ra. Ngoài ra, thuốc Nitroglycerin cũng có tác dụng làm giãn các động mạch, tĩnh mạch giúp hạ huyết áp, giảm gánh nặng cho tim, đặc biệt có lợi đối với người bị bệnh suy tim.
Thuốc Nitroglycerin được chỉ định trong các trường hợp sau:
Phòng và điều trị cơn đau thắt ngực;
Điều trị suy tim sung huyết;
Nhồi máu cơ tim cấp;
Tăng huyết áp kịch phát trong phẫu thuật.
Thuốc Nitroglycerin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Huyết áp thấp;
Trụy tim mạch;
Thiếu máu nặng;
Tăng áp lực nội sọ do chấn thương vùng đầu hoặc xuất huyết não;
Nhồi máu cơ tim thất phải;
Hẹp van động mạch chủ;
Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn;
Viêm màng ngoài tim co thắt;
Dị ứng với các nitrat hữu cơ;
Glôcôm góc đóng;
Dùng cùng với các thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5) như là Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc tim mạch Nitroglycerin
Liều lượng thuốc và dạng thuốc Nitroglycerin được sử dụng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Liều thuốc Nitroglycerin khuyến cáo trong các trường hợp cụ thể như sau:
Điều trị cắt cơn đau thắt ngực: Sử dụng dạng thuốc ngậm dưới lưỡi với liều một viên Nitroglycerin 0,5mg (thường từ 0,3 – 0,6 mg), sau mỗi 5 phút lại ngậm 1 viên cho đến khi hết cơn đau, tối đa không quá 3 lần trong 15 phút, nếu không thấy đỡ phải đi khám ngay. Có thể sử dụng dạng khí dung xịt lưỡi, mỗi lần xịt 0,4 mg, xịt từ 1 – 2 lần vào dưới lưỡi, sau đó ngậm miệng, không hít. Nếu quá 20 phút không cắt được cơn đau thì bạn phải liên hệ y tế ngay. Trong ngày có thể sử dụng lại nhiều lần nếu như cơn đau lại tái diễn và bạn không bị đau đầu, hạ huyết áp.Phòng cơn đau thắt ngực: Sử dụng thuốc dạng viên nang giải phóng chậm 2,5 – 6,5mg, uống 3-4 lần/ngày. Bạn cũng có thể sử dụng dạng miếng thuốc dán ở da ngực trái với liều lượng 5 – 10 mg hoặc bôi thuốc mỡ 2% ở da vùng ngực, đùi hoặc lưng, liều dùng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.Điều trị suy tim sung huyết sử dụng phối hợp với các thuốc khác: Trong phù phổi cấp tính nên sử dụng Nitroglycerin dạng viên ngậm dưới lưỡi hoặc thuốc xịt để có tác dụng nhanh. Trong trường hợp suy tim mạn tính nên sử dụng dạng thuốc giải phóng chậm 2,5 – 6,5 mg, 3-4 lần/ngày.Điều trị nhồi máu cơ tim cấp: Sử dụng nitroglycerin dạng truyền tĩnh mạch trong vòng 24 – 48 giờ đầu với liều bắt đầu từ 12,5 – 25microgam/phút, liều duy trì 10 – 20 microgam/phút. Lưu ý không được để cho huyết áp tâm thu < 90 mmHg và tần số tim > 110 lần/phút.Điều trị tăng huyết áp: Sử dụng thuốc dạng truyền tĩnh mạch liều 5 – 100 microgam/phút. Khi thấy bệnh nhân có đáp ứng thì giảm liều và tăng khoảng cách giữa các lần truyền.
Khi dùng thuốc tim mạch Nitroglycerin quá liều có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp nghiêm trọng kèm theo trụy tim mạch, ngất, chóng mặt, đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, tăng áp lực nội sọ, đau quặn bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, khó thở, methemoglobin huyết, bại liệt, hôn mê.
Cách xử lý khi quá liều thuốc Nitroglycerin: Để bệnh nhân ở tư thế nằm, nâng cao 2 chân, với mục đích cải thiện lượng máu trở về từ các tĩnh mạch. Tiến hành truyền dịch và cần phải giữ cho đường thở được thông thoáng. Không nên sử dụng các chất co mạch vì có hại nhiều hơn lợi.
Khi xuất hiện methemoglobin huyết, cần phải xử trí bằng tiêm dung dịch xanh methylen.
Phải tiến hành rửa dạ dày sớm nếu thuốc được sử dụng qua đường tiêu hóa. Nếu uống một lượng thuốc lớn, có thể dùng than hoạt trong vòng 1 giờ.
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Nitroglycerin, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần tới thời điểm sử dụng liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc giãn mạch vành Nitroglycerin
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Nitroglycerin bao gồm:
Đau đầu;
Chóng mặt;
Tim đập nhanh;
Hạ huyết áp;
Đỏ ửng;
Viêm da dị ứng.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Nitroglycerin bao gồm:
Buồn nôn;
Dị ứng;
Mẩn ngứa;
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Nitroglycerin bao gồm:
Ngất;
Tím tái, methemoglobin huyết;
Mất vị giác.
Tác dụng phụ không xác định tần suất của thuốc Nitroglycerin bao gồm:
Tăng nhãn áp;
Hạ oxy máu;
Hồi hộp.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn