Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ tử vong và tàn phế đứng hàng đầu. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ mắc bệnh này sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tim mạch hiệu quả nhất. Dưới đây là 11 nguy cơ tim mạch hàng đầu có thể bạn chưa biết.
Có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Những yếu tố này được chia thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như: tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền.Nhóm thứ hai là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như: thói quen sinh hoạt, vận động…
1. Nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi
Giới tính
Nhìn chung, nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh nguy cơ mắc tim mạch sẽ gia tăng nhanh chóng. Bệnh lý tim mạch ở nữ giới cũng thường nặng hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn, nhưng lại thường bị bỏ sót và đến muộn hơn so với nam giới.
Di truyền
Nếu như trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, ví dụ cha mẹ hoặc anh chị em của bạn đã từng gặp phải các vấn đề về tim mạch trước tuổi 55, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Ngoài ra những yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì cũng có thể mang tính chất di truyền.
Tuổi tác
Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi hoạt động của tim càng kém hiệu quả. Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến quá trình bơm máu trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc tim mạch gia tăng theo độ tuổi.
Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới.
2. Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Các yếu tố có thể thay đổi được gồm có 8 yếu tố chính: thừa cân béo phì, nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, thiếu vận động thể chất, stress, cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, tiểu đường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp hoặc tai biến mạch máu não đều liên quan đến 8 yếu tố nguy cơ chính vừa được nêu trên.
Béo phì và thừa cân
Việc thừa cân sẽ làm gia tăng tổng mức cholesterol trong máu. Béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo phì có thể tác động tới sự hình thành một số yếu tố nguy cơ tim mạch khác, tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hay đề kháng.
Nghiện thuốc lá
Hầu hết mọi người đều biết rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi nhưng ít ai biết nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi…Nguy cơ đột tử của người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với không hút thuốc ở nam giới và gấp 5 lần ở nữ giới. Trên thực tế, có 30-40% các trường hợp chết vì bệnh mạch vành do hút thuốc lá.
Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn khiến nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim…dẫn đến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra hút thuốc lá cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã bị chứng huyết áp cao.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm dần khi ngừng hút thuốc, kể cả đã hút nhiều và lâu năm. Nếu tiếp tục ngừng hút, mức độ nguy cơ mắc bệnh sẽ dần dần thấp gần như tương đương với mức ở người chưa từng hút thuốc. Hút thuốc lá chứa lượng nicotin thấp không làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Hơn nữa, nhiều người sử dụng thuốc này có xu hướng hút nhiều hơn và hít sâu hơn, tăng mức độ tiếp xúc với các chất độc hại trong khói thuốc và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ngoài nicotin các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những hóa chất này tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen- một yếu tố làm đông máu, điều này làm cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim.
Uống nhiều rượu
Nếu sử dụng điều độ, không quá 1-2 chén mỗi ngày, rượu có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Nhưng nếu như uống quá nhiều rượu lại làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch do làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan, biến chứng não (nhất là xuất huyết não) và một số bệnh lý tim mạch khác.
Thiếu vận động thể chất
Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người thường xuyên tập thể dục. Việc hoạt động và tập luyện sẽ đốt cháy calo, giúp kiểm soát mức cholesterol và bệnh tiểu đường đồng thời giúp huyết áp ổn định. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm các động mạch linh hoạt hơn.
Vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 45 phút sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người ta đã chứng minh việc tập luyện thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim.
Stress
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người gặp căng thẳng, lo âu sẽ gây tăng nguy cơ rối loạn mỡ trong máu, một bệnh gây rối loạn các chất mỡ trong máu làm tăng hàm lượng cholesterol xấu LDL làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch được chú ý nhiều nhất. Tăng huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả yếu tố béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể.
Huyết áp có thể thay đổi tùy vào điều kiện vận động và tuổi tác, nhưng về cơ bản, chỉ số huyết áp ở người lớn khi đang nghỉ ngơi nên ở mức 120/80 mmHg.
Cholesterol trong máu cao
Cholesterol là chất tương tự chất béo có sẵn trong máu. Gan sản xuất cholesterol để hình thành màng tế bào và tạo một số hormon nhất định. Ngoài lượng cholesterol này cơ thể còn nhận thêm một lượng cholesterol khác từ những thực phẩm được dung nạp, những thực phẩm này đa phần có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa…
Mặc dù chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho lượng cholesterol trong thức ăn khiến cho cholesterol trong máu tăng cao, nhưng thực tế thủ phạm chính là các chất béo bão hòa có trong thực phẩm. Có những thực phẩm không chứa cholesterol nhưng vẫn chứa một lượng lớn các chất béo bão hòa khác như thịt đỏ và các chế phẩm từ sữa.
Các chất béo bão hòa này làm tăng lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu làm gia tăng xơ vữa động mạch), tạo ra những mảng bám trên thành động mạch. Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, dẫn đến tăng nguy cơ đau tim.
Đái tháo đường
Người mắc bệnh đái tháo đường được coi là có khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch tương đương người đã mắc bệnh mạch vành. Ngay cả khi lượng đường trong máu mới chỉ tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn người bình thường. Ngoài việc sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, giảm cân và tập luyện thể dục thường xuyên thúc đẩy quá trình sử dụng đường trong máu và giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường.
3. Hạn chế các yếu tố nguy cơ tim mạch
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý có lợi cho tim mạch: ăn nhiều rau xanh, quả, cá.. ăn ít mỡ bão hòa và cholesterol
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Giữ cân nặng và hạn chế lượng muối tiêu thụ sẽ giúp kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Tập luyện thể dục đều đặn ít nhất 45 phút mỗi ngày.
Ngừng hút thuốc lá.
Nếu bạn uống rượu, hãy uống vừa phải.
Học cách giảm căng thẳng, lo âu, nghỉ ngơi hợp lý.
Đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn.
Tập thể dục đều đặn ít nhất 45 phút mỗi ngày
Hy vọng bài viết này với 11 yếu tố nguy cơ tim mạch đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Có thể thấy phần lớn nguyên nhân dẫn tới bệnh tim mạch thuộc về nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Do đó để duy trì một trái tim khỏe mạnh ngay hôm nay bạn hãy thực hiện một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn