Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là những biến cố tim mạch nghiêm trọng và là hai trong các nguyên nhân gây tỷ lệ tàn phế hay tử vong cao trong đời sống hiện đại. Nguyên nhân thường gặp nhất của các bệnh tim mạch hay đột quỵ là do tiến trình hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch máu.
Y học hiện đại đã xác định được các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch hay đột quỵ cũng như cách phòng ngừa. Không ít người có mối quan tâm đến sức khỏe, kể cả các nhân viên y tế, thường đặt ra các câu hỏi như: Ai sẽ dễ bị mắc các bệnh tim mạch hơn ai? Ai nên được tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về việc lượng giá nguy cơ tim mạch 10 năm thông qua các câu hỏi và trả lời súc tích.
1. Những ai cần được lượng giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay đột quỵ trong 10 năm tới?
Tất cả chúng ta, những người chưa mắc các bệnh tim mạch, đều là những ứng cử viên tiềm năng để mắc các bệnh lý tim mạch này. Nhưng không phải ai cũng sẽ mắc phải bệnh lý tim mạch. Việc đánh giá nguy cơ nên bắt đầu được thực hiện ở:
Tất cả người từ 40 tuổi trở lên,
Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào nếu có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm như cha hay anh em trai bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ trước 55 tuổi, mẹ hay chị em gái bị bệnh tim mạch trước 65 tuổi.Những người có người thân bị mắc các rối loạn tăng lipid máu gia đình.
Những người đang mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường thì không cần thiết được lượng giá nguy cơ này bởi vì họ đã nằm trong nhóm có nguy cơ cao.
Tất cả người từ 40 tuổi trở lên nên được đánh giá nguy cơ tim mạch
2. Tôi có thể biết nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong 10 năm tới của tôi không?
Hoàn toàn có thể.
Hiện nay có nhiều phương pháp dự đoán nguy cơ tim mạch và đột quị trong 10 năm tới, nhưng nhiều chuyên gia y tế thích bảng tính QRISK® với phiên bản 3 năm 2018 do có độ chính xác cao hơn vì dựa vào nhiều yếu tố hơn.
3. Việc tính toán nguy cơ tim mạch 10 năm dựa trên các yếu tố nào?
Bên cạnh việc ghi nhận các đặc điểm nhân trắc như Tuổi, giới tính, chủng tộc, nhân viên y tế sẽ giúp bạn xác định các yếu tố nguy cơ đến từ lối sống như:
Có hút thuốc lá hay không,
Dư cân hoặc béo phì,
Lối sống ít vận động
Uống bia rượu nhiều
Đồng thời, các thông tin về tình trạng sức khỏe của bạn cũng cần được ghi nhận, như:
Chỉ số huyết áp tâm thu
Các bệnh lý đi kèm: Rung nhĩ, Lupus, Viêm khớp dạng thấp, Đau đầu Migraine, Bệnh thận mạn, các rối loạn tâm lý, tâm thần, Rối loạn cương, đang dùng corticoid.
Các chỉ số xét nghiệm cũng được ghi nhận, như:
Cholesterol máu
HDL-cholesterol (chỉ số mỡ tốt)
Những người có Cholesterol máu cao nên thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe
4. Tại sao tôi nên tính nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới?
Như đã đề cập bên trên, tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, không nhiều thì ít. Việc chủ động biết trước mức nguy cơ của mình sẽ là tiền đề cho việc xây dựng mục tiêu và chiến lược giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch thông qua điều trị thuốc hay thay đổi lối sống nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể có sau này.
5. Kết quả được giải thích như thế nào?
Kết quả về nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm sẽ được hiển thị dưới dạng %.
Nguy cơ là thấp nếu < 10%.Nguy cơ là trung bình nếu 10% – 20%Nguy cơ là cao nếu ≥ 20%.
Ví dụ, nếu kết quả của bạn là 30%, có nghĩa là bạn có 30% cơ hội mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới. Một cách dễ hiểu hơn, sẽ có 3 trong số 10 người có các yếu tố nguy cơ như bạn sẽ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới.
Kết quả này phản ánh nguy cơ mắc bệnh trên cộng đồng lớn, nó không thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra trên một cá nhân cụ thể.
Một ví dụ khác, bệnh nhân A có nguy cơ 10% và bệnh nhân B có nguy cơ 25%. Chúng ta có thể hiểu rằng hiện tại bệnh nhân B đang có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hơn cần phải được quan tâm và điều chỉnh tích cực hơn trong tương lai.
6. Yếu tố nguy cơ tim mạch là các yếu tố nào?
Hút thuốc lá
Lười vận động thể lực
Thừa cân, béo phì
Ăn mặn
Tăng huyết áp
Tiểu đường
Tăng cholesterol máu
Bệnh thận.
7. Ai cần phải điều trị để cải thiện nguy cơ tim mạch?
Việc điều trị tích cực để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch được khuyến cáo áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ từ trung bình đến cao. Bao gồm:
Người có điểm số nguy cơ >=10%.Người có bệnh tim mạch sẵn có: Mục tiêu là làm chậm tiến triển bệnh, tránh làm bệnh nặng hơn.
Người bệnh tiểu đường: Bệnh tim mạch luôn đồng hành với tiểu đường và có thể xem là một biến chứng của tiểu đường. Việc điều trị phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Người có bệnh thận mạn: Thường đồng hành với các rối loạn về huyết áp, mỡ máu, điện giải, acid uric. Tất cả đều có những ảnh hưởng không tốt đến các bệnh lý tim mạch.
8. Tôi phải làm gì để cải thiện kết quả?
Không gì khác hơn là bạn nên áp dụng một lối sống tích cực với những gợi ý cơ bản như sau:
Ngưng hút thuốc lá nếu đang hút: Nếu bạn bỏ hút thuốc lá trước 35 tuổi, tuổi thọ của bạn hầu như gần bằng người không hút thuốc lá, nếu bạn bỏ hút thuốc lá trước 50 tuổi, bạn sẽ giảm được 50% nguy cơ chết do thuốc lá.
Ăn uống lành mạnh bao gồm ăn lạt.
Tập vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Hạn chế bia rượu.
Giảm về cân nặng lý tưởng.
Kiểm soát Cholesterol máu bằng các thuốc nhóm Statin. Tùy theo từng bệnh lý các bác sĩ sẽ điều chỉnh mức Cholesterol mục tiêu khác nhau.
Dùng các thuốc hạ áp, hay giảm đường huyết nếu có tăng huyết áp hay đường huyết.
Ngưng hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe
9. Tôi sẽ phải làm gì nếu thuộc nhóm nguy cơ tim mạch thấp?
Xin chúc mừng nếu bạn có kết quả nguy cơ tim mạch là thấp!
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với bạn hoàn toàn không có nguy cơ, hoặc sẽ không bao giờ mắc bệnh tim mạch.
Có thể bạn sẽ không cần những can thiệp giảm thiểu nguy cơ bằng thuốc. Điều bạn có thể làm tốt hơn để giữ vững “phong độ” này đó là tiếp tục duy trì lối sống tích cực, như những chỉ dẫn trong câu 8 (nếu đúng).
Việc định kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm và tái đánh giá nguy cơ tim mạch được khuyến cáo.
10. Một ví dụ cụ thể về lượng giá nguy cơ tim mạch 10 năm tới
Bệnh nhân A, nam 45 tuổi, có cha ruột bị mất vì nhồi máu cơ tim lúc 58 tuổi. Anh này có hút thuốc lá 1 gói mỗi ngày trong 20 năm qua và đang điều trị tăng huyết áp thường xuyên.
Anh ta có BMI 26.6 (thừa cân) và mức huyết áp đo được 135/73 mmHg.
Xét nghiệm máu cho thấy Cholesterol 5.1 mmol/L, HDL-C 1.02 mmol/L.
Qua tính toán với bảng QRISK®3-2018, nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 10 năm tới của Bệnh nhân A là 18.6%.
Lý giải: Trong một nhóm 100 người có cùng mức nguy cơ bằng với Bệnh nhân A, có khoảng 19 người sẽ lần lượt mắc nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 10 năm tới.
So sánh với một người khác, anh B có cùng độ tuổi, chủng tộc, giới tính như Bệnh nhân A nhưng anh B không có yếu tố nguy cơ nào kể trên. Nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 10 năm tới của anh B là 2.5%. Vậy nguy cơ mắc bệnh tim mạch của anh A cao gấp 7.6 lần anh B.
Lại so sánh với một người khác, chú C là một người khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ nào kể trên, nhưng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng với Bệnh nhân A là 18.6%. Bạn có đoán được tuổi của chú C là bao nhiều không? Tuổi của chú C sẽ là 72 tuổi. Khái niệm này được gọi là tuổi thực của tim mạch. Bệnh nhân A dù đang 45 tuổi, nhưng hệ tim mạch Bệnh nhân A có tuổi thực là 72 tuổi.
Để biết thêm các thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929 620 660 hoặc truy cập vào website: https://nhathuocaz.com.vn