Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, bệnh còn gây nhiều tác động tiêu cực đến khả năng ngôn ngữ, tư duy. Không có cách nào có thể đảo ngược quá trình tiến triển của bệnh, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh Alzheimer chiếm tới 60 đến 80% nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Ở Mỹ, ước tính khoảng 13% số người lớn hơn 65 tuổi và 45% người hơn 85 tuổi bị bệnh Alzheimer. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới, một phần vì phụ nữ có tuổi thọ cao hơn. Tỷ lệ hiện mắc tại các nước công nghiệp hóa dự kiến sẽ tăng dần do tỷ lệ người cao tuổi tăng lên.
Thống kê cho thấy hiện nay trên thế giới có ít nhất 50 triệu người đang chung sống với bệnh Alzheimer hoặc những hội chứng sa sút trí tuệ khác. Theo Liên Hợp Quốc, con số đó nhiều hơn cả dân số của Columbia. Nếu không có những đột phá trong việc chẩn đoán và phòng ngừa, tỷ lệ này có thể vượt quá 152 triệu người khi bước vào năm 2050.
Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Bệnh Alzheimer. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.
Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer, hay đơn giản gọi là Alzheimer, là một bệnh lý thoái hóa thần kinh thường khởi phát từ từ và ngày càng tiến triển nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là sự lão hóa bình thường do đó không nên nhầm lẫn Alzheimer với hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người già thông thường.
Alzheimer chiếm 60–70 % nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trí – hiện tượng suy kém dần của trí nhớ và nhận thức do sự suy thoái không ngừng của não bộ. Người mắc phải chứng mất trí lúc đầu thường quên những việc mới xảy ra, càng về sau khi bệnh trở nên trầm trọng sẽ không còn nhận ra người thân trong nhà, thao tác vụng về, hay đi lạc, mất khả năng sinh hoạt bình thường và trở nên ngơ ngác hay ngu ngốc, phải cần người khác chăm sóc, kiểm soát mọi mặt.
Các giai đoạn của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer trên lâm sàng chia thành 7 giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Người bệnh không có các biểu hiện suy yếu.
- Giai đoạn 2: Người bệnh suy giảm nhận thức rất nhẹ.
- Giai đoạn 3: Người bệnh suy giảm nhận thức nhẹ.
- Giai đoạn 4: Người bệnh suy giảm nhận thức vừa phải.
- Giai đoạn 5: Người bệnh suy giảm nhận thức tương đối nghiêm trọng.
- Giai đoạn 6: Người bệnh suy giảm nhận thức nghiêm trọng.
- Giai đoạn 7: Người bệnh suy giảm nhận thức rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer
gây ra bệnh hiện chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học có đưa ra một vài giả thuyết về nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer:
- Sự tích tụ của một loại protein ở trong não bộ dẫn đến chết dần các tế bào não.
- Quá trình lão hóa dẫn đến sự phá hủy các myelin thần kinh làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh và kết quả làm chết các tế bào thần kinh.
- Rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa có trong cơ thể.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer có sự tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Có nhiều nghiên cứu đã xem xét các hoàn cảnh sống, bệnh tật hoặc hành vi cụ thể có khả năng làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Mặc dù vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau đây có khả năng thúc đẩy phát triển bệnh:
- Bệnh tiểu đường.
- Stress, căng thẳng, phiền muộn kéo dài.
- Cholesterol máu cao.
- Hút thuốc lá.
- Ít giao tiếp xã hội.
Triệu chứng của bệnh Alzheimer
Các triệu chứng cụ thể mà một người bị bệnh Alzheimer trải qua sẽ phụ thuộc vào phần nào của não bộ bị ảnh hưởng hoặc căn bệnh cụ thể là nguyên căn gây ra chứng mất trí của họ. Các triệu chứng lâm sàng có thể bao gồm:
Sa sút trí nhớ và giảm khả năng nhận thức
Hầu hết trí nhớ và các khả năng nhận thức khác khi về già của mọi người dần trở nên kém đi. Lúc này cơ thể không còn phản ứng nhanh và linh hoạt với các tình huống, đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Việc nhận ra và giải quyết các vấn đề phát sinh có vẻ khó khăn hơn nhưng họ vẫn có thể định hướng, suy nghĩ độc lập và đưa ra những phán đoán đúng đắn.
Điều này có sự khác biệt với những người bị Alzheimer. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất, đặc biệt ở giai đoạn đầu là người bệnh không nhớ các thông tin gần đây, trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn có thể nhớ lại những việc đẫ trải qua từ lâu. Tuy nhiên, trí nhớ dài hạn cũng sẽ mất dần theo thời gian. Khả năng tập trung cũng chịu ảnh hưởng khiến việc duy trì, định hướng theo thời gian và không gian càng ngày càng khó khăn.
Việc liên hệ những điều đã học với các tình huống hoặc ấn tượng mới trở nên khó khăn. Sẽ đến giai đoạn không còn có thể hiểu bối cảnh, đánh giá thông tin hay hình thành ý kiến để sau đó quyết định việc phải làm. Ví dụ, một bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối thấy bên ngoài trời đang mưa và tuy có thể diễn đạt bằng lời nhưng họ sẽ không thể đưa ra hành động phù hợp. Họ có thể ra ngoài mua một chiếc áo thun thay vì mua áo mưa.
Khó khăn trong biểu đạt ngôn ngữ
Người bệnh Alzheimer có thể khó khăn khi lắng nghe hay tham gia một cuộc trò chuyện. Họ biểu đạt ngắt quảng, có thể dừng lại khi đang trò chuyện, không có ý tưởng để tiếp tục cuộc trò chuyện hoặc lặp lại những câu chuyện trước đó đã từng nói.
Khi các triệu chứng của bệnh tiến triển, việc ghi nhớ đúng các từ trở nên khó khăn hơn, thay vào đó người bệnh sử dụng các từ ngữ hoặc cụm từ không phù hợp với hoàn cảnh. Điều này khiến những người khác khó hiểu họ. Những người bị sa sút trí tuệ cũng hay quên nghĩa của từ và thường không thể theo dõi cuộc trò chuyện lâu dại. vì vậy, việc giao tiếp bằng lời nói của họ gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Thay đổi hành vi, tâm trạng và tính cách
Nhiều bệnh nhân có thể có những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của mình. Tâm trạng và tính cách của người bệnh cũng có thể thay đổi. Họ có thể trở nên bối rối, nghi ngờ, sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng nổi nóng khi ở nhà, nơi làm việc, khi ở với bạn bè hoặc những nơi mà họ cảm thấy không được thoải mái.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể từ bỏ các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hoặc các môn thể thao. Người bệnh cũng có thể ngại giao tiếp với xã hội do các thay đổi mà họ đang trải qua. Đôi khi họ cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì công việc, gia đình hay trách nhiệm xã hội.
Một số người có thể cảm thấy những việc làm quen thuộc khi trước sẽ trở nên khó khăn, xa lạ hơn đối với người bệnh. Ví dụ như họ quên con đường đến một địa điểm dù trước đó đã đi qua rất nhiều lần, không thể tính được hóa đơn đơn giản hay là gặp khó khăn trong việc đọc – hiểu, không biết cách sử dụng các đồ vật trong gia đình…
Nhầm lẫn thời gian hoặc không gian
Người bệnh Alzheimer có thể quên mất ngày, tháng, mùa và chuyển biến thời gian. Ví dụ họ đang đứng ở một địa điểm nhưng lại không nhớ làm sao có thể đến đây và mình đến đây để làm gì. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp khó khăn trong việc cố hiểu một sự việc đang xảy ra ngay lúc đó.
Đặt đồ vật sai vị trí vốn có và không nhớ lại mình đã từng làm gì
Bệnh nhân Alzheimer có thể đặt đồ vật tại những nơi khác vị trí thường ngày. Họ có thể đánh mất đồ vật và không thể nhớ ra để tìm lại các đồ vật đó. Do đó không ít trường hợp người bệnh nghĩ rằng ai đó đã đánh cắp đồ của mình. Các vụ việc tương tự sẽ xảy ra với tần suất cao hơn trong tương lai.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Alzheimer
Mất trí nhớ và khả năng biểu đạt ngôn ngữ, suy giảm khả năng phán đoán và những thay đổi về nhận thức khác do hội chứng này gây ra sẽ gây khó khăn trong việc điều trị những bệnh lý khác. Một bệnh nhân Alzheimer sẽ có thể:
- Không thông báo với người chăm sóc rằng họ đang đau, ví dụ như đau răng, đau ngực…
- Không thể tuân thủ theo liệu trình điều trị,
- Không thông báo hoặc diễn tả tác dụng phụ của thuốc
Khi dần bước vào giai đoạn cuối, những thay đổi của não bộ bắt đầu ảnh hưởng đến chức năng thể chất như nuốt, kiểm soát hành vi… Đa số bệnh nhân Alzheimer sẽ không tử vong do bệnh chính mà thường là do các bệnh lý kèm theo như:
- Viêm phổi: Đây là tình trạng phổi phù nề, nhiễm trùng do hít phải các chất dịch từ dạ dày, thức ăn… và sau đó phổi, đường dẫn khí.
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân thường có thể đi tiểu không tự chủ nên phải đặt ống thông tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu. Nếu không được điều trị thì bệnh sẽ càng nặng hơn, có thể đe dọa sinh mạng.
- Bị té ngã và gặp chấn thương: Bệnh nhân thường khó khăn để định hướng khoảng cách nên nguy cơ bị ngã khi di chuyển và vận động tăng lên. Vì vậy họ có thể gãy xương, chấn thương vùng đầu, cổ nặng có thể đưa đến tình trạng xuất huyết, máu tụ… các trường hợp nặng cần nhập viện để phẫu thuật và chăm sóc nội trú.
Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả
Có nhiều bằng chứng quan sát ban đầu cho biết nguy cơ bệnh Alzheimer có thể giảm xuống nhờ kết hợp những yếu tố sau:
- Tiếp tục các hoạt động trí tuệ khó (học các kỹ năng mới, giải câu đố, ô chữ) khi đến tuổi già
- Tập luyện thể dục thường xuyên
- Kiểm soát huyết áp
- Giảm mức cholesterol máu
- Chế độ ăn uống giàu axit béo omega-3 và dùng ít chất béo no
- Hạn chế rượu bia.
Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác nhất cần có sự phối hợp của bác sĩ thăm khám ban đầu, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ chuyên lão khoa để đánh giá tổng quát bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cần chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ kiểm tra và đánh giá các tiêu chẩn đoán sau:
- Bệnh nhân có suy giảm trí nhớ hoặc khả năng nhận thức không?
- Bệnh nhân có những thay đổi về tính cách, tâm lý và hành vi không?
- Mức độ của suy giảm hay thay đổi trí nhớ và tư duy như thế nào?
- Những vấn đề tư duy ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sống hàng ngày?
- Nguyên nhân gây ra các triệu chứng?
Cụ thể, nhằm có các thông tin cần thiết chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer bác sĩ cần phải kết hợp nhiều yếu tố.
Loại trừ các nguyên nhân khác gây triệu chứng tương tự.
Các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử, khám thực thể xem liệu bệnh nhân có đang mắc phải một bệnh lý hay tình trạng rối loạn nào đó mà có thể trực tiếp hoặc góp phần gây ra các triệu chứng không. Ví dụ như các dấu hiệu của đột quỵ, bênh Parkinson, bệnh trầm cảm hay một số tình trạng bệnh lý khác cũng có biểu hiện khá giống với suy giảm nhận thức. Vì vậy cần phải loại trừ các nguyên nhân này trong quá trình chẩn đoán bệnh lý Alzheimer.
Đánh giá trí nhớ của bệnh nhân và một số triệu chứng khác
Để đánh giá triệu chứng của Alzheimer, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân trả lời các câu hỏi và thực hiện một số bài kiểm tra nhỏ liên quan đến khả năng nhận thức. cụ thể như kiểm tra trí nhớ, tư duy trừu tượng, kỹ năng giải quyết các vấn đề, sử dụng ngôn ngữ và các kỹ năng liên quan.
Kiểm tra trạng thái tâm thần
Bác sĩ có thể cho bệnh nhân một số bài kiểm tra để đánh giá trạng thái tâm thần hiện tại của bệnh nhân nhằm kiểm tra kỹ năng nhận thức và khă năng ghi nhớ. Các bác sĩ đánh giá điểm số từ các bài kiểm tra nhỏ này để làm tiêu chuẩn chẩn đoán Alzheimer và đánh giá mức độ giảm trí nhớ.
Kiểm tra tâm lý và thần kinh
Bài kiểm tra thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tâm lý và thần kinh. Các bài kiểm tra mở rộng được bệnh nhân thực hiện để đánh giá khả năng ghi nhớ và nhận thức. Qua đó, bác sĩ đánh giá khả năng bệnh nhân có thể thực hiện những công việc hàng ngày như lái xe hay quản lý tài chính một cách an toàn không. Những bài kiểm tra này cũng giúp đánh giá xem trầm cảm có phải là nguyên nhân gây nên các triệu chứng trên bệnh nhân hay không.
Phỏng vấn bạn bè và gia đình
Bác sĩ có thể hỏi người thân trong gia đình và bạn bè của bệnh nhân các thông tin liên quan đến hành vi được quan sát ở bệnh nhân. Những câu hỏi này chủ yếu liên quan đến sự thay đổi về hành vi hiện tại so với trong quá khứ. Người nhà và bạn bè của bệnh nhân thường có thể quan sát rất rõ sự thay đổi hành vi của người bệnh theo thời gian.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể làm một số xét nghiệm để loại trừ những nguyên nhân khác có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự Alzheimer như rối loạn tuyến giáp hoặc bệnh lý do thiếu vitamin B12
Xét nghiệm chụp chiếu não bộ
Xét nghiệm ngày thường không phải là tiêu chuẩn chẩn đoán Alzheimer vì có sự trùng lặp nhất định giữa thay đổi bình thường ở não bộ của người lớn tuổi và thay đổi bất thường ở người bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, kết quả chụp não có thể giúp:
- Loại trừ các nguyên nhân khác như xuất huyết não, u não
- Phân biệt các loại thoái hóa não khác nhau;
- Xác định mức độ thoái hóa ban đầu và ranh giới giữa chúng.
Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh não bộ phổ biến nhất hiện nay là:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Dùng sóng vô tuyến và từ trường mạnh nhằm tạo ra hình ảnh chi tiết về não bộ người;
- Chụp positron cắt lớp (PET): Dùng chất phóng xạ để phát hiện sự hiện diện của một số chất trong cơ thể, giúp phân biệt các dạng bệnh thoái hóa não khác nhau.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Dùng tia X để lấy được hình ảnh cắt ngang qua bộ não;
Điều trị bệnh Alzheimer
Đây là một căn bệnh phức tạp và không thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc hoặc biện pháp can thiệp khác. Những điều trị hiện nay giúp duy trì chức năng tâm thần, quản lý những triệu chứng hành vi và làm chậm một số diễn tiến như mất trí nhớ. Hiện nay các liệu pháp nhắm vào các cơ sở di truyền, phân tử và tế bào đang được phát triển để ngăn chặn nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh.
Thuốc đảm bảo duy trì chức năng tâm thần
Những thuốc được sử dụng điều trị bệnh Alzheimer từ mức độ trung bình đến nặng có cơ chế điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh, các chất trung gian hóa học truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh nhằm giảm các triệu chứng và hỗ trợ một số vấn đề về hành vi. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể hiệu quả với một số người nhưng không phải cho tất cả người bệnh và có khả năng chỉ hữu ích trong một khoảng thời gian giới hạn.
Thuốc kiểm soát hành vi
Điều trị các triệu chứng như mất ngủ, đi lang thang, dễ kích động, lo lắng và trở nên dễ nóng tính, hung dữ có thể làm cho những người bệnh thoải mái hơn và giúp cho người chăm sóc cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Các nhà khoa học đang nghiên cứu căn nguyên và các phương pháp điều trị mới gồm cả sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh.
Thử nghiệm các phương pháp điều trị mới
Các nhà khoa học đang tìm cách trì hoãn hoặc ngăn ngừa căn bệnh này cũng như điều trị những triệu chứng của nó. Trong các thử nghiệm gần đây, các nhà khoa học đang phát triển và thử nghiệm các biện pháp can thiệp mới khả thi. Một số nghiên cứu về những liệu pháp điều trị bằng thuốc như protein beta-amyloid, bảo vệ chức năng mạch máu não, mất một số khớp thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh cụ thể cũng như những can thiệp vào hoạt động thể chất, chế độ ăn uống người bệnh, rèn luyện nhận thức và có sự kết hợp của những các phương pháp với nhau.
Một số câu hỏi liên quan đến bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer có phải là bệnh lý di truyền không?
Đây là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi trong gia đình hoặc người thân có người bị Alzheimer.
Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây bệnh đang được nghiên cứu cẩn thận để tìm kiếm lời giải đáp. Các chuyên gia hiện chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây nên bệnh lý trên. Theo một số nghiên cứu, bệnh Alzheimer có thể do di truyền, tỷ lệ này chiếm khoảng dưới 10% trên tổng số người mắc bệnh.
Đó là do sự đột biến gen ở một trong ba gen:
– Protein tiền thân của amyloid trên nhiễm sắc thể số 21
– Presenilin 1 nằm trên nhiễm sắc thể số 14
– Presenilin 2 nằm trên nhiễm sắc thể số 1
Các đột biến này dẫn tới việc sản xuất bất thường protein và hình thành mảng amyloid được xem là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer.
Nếu do nguyên nhân di truyền, bệnh thường khởi phát sớm vào độ tuổi giữa 30 và 60. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho biết người mắc hội chứng Down sẽ có nguy cơ cao về già mắc bệnh Alzheimer hơn những người bình thường.
Bệnh Alzheimer điều trị có phục hồi không?
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp để điều trị căn bệnh này một cách triệt để. Những tiến bộ y học chỉ giúp giải quyết một phần những triệu chứng hành vi bên ngoài. Bên cạnh đó các thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần và cũng chưa phải là phương pháp được đánh giá cao. Hay nói cách khác, mức độ tổn thương do bệnh Alzheimer gây ra sẽ tăng dần cho đến khi người bệnh tử vong vì bệnh chưa có thuốc điều trị triệt để và các tổn thương não bộ do bệnh gây ra không thể hồi phục.
Người bị Alzheimer sống được bao lâu?
Tuổi thọ của người bệnh Alzheimer tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, giai đoạn và diễn biến bệnh ở mỗi người. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của người bị bệnh Alzheimer sau khi được chẩn đoán là khoảng 8 đến 10 năm. Nhưng đây không phải là thời gian chính xác cho toàn bộ những người đang mắc bệnh Alzheimer. Bởi vì thực tế cho thấy một số trường hợp tuổi thọ của người bị bệnh Alzheimer có thể kéo dài hoặc ngắn hơn tuổi thọ trung bình. Theo thống kê, tuổi thọ của mỗi bệnh nhân Alzheimer là không giống nhau vì mỗi người có một tiền sử sức khỏe riêng nên chính điều này là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của người bệnh.
** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.
Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Bệnh Alzheimer. Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.