Rối loạn tiền đình: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Rối loạn tiền đình là một trong những bệnh lý phổ biến thường gặp tại cộng đồng với triệu chứng điển hình: hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng cơ thể….Vậy dấu hiệu là gì? Điều trị như thế nào? Chúng ta cần là gì để phòng tránh. Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về Rối loạn tiền đình. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

Rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Rối loạn tiền đình là rối loạn chức năng của hệ tiền đình có nguyên nhân xuất phát từ hệ thống thần kinh trung ương hoặc ngoại biên khiến cơ thể khó giữ thăng bằng. Biểu hiện của bệnh trên thực tế: choáng váng, dễ vấp ngã do mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt,…

Người bị rối loạn tiền đình thường có dấu hiệu gì?

Người bị rối loạn tiền đình có triệu chứng thường gặp như:

+ Khó giữ thăng bằng: dễ vấp ngã, khó bước đi, mất định hướng trong không gian

+Cảm giác chóng mặt, choáng váng, quay cuồng

+ Rối loạn chức năng thị giác như nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng…

+ Rối loạn chức năng thính giác như ù tai, tai nghe kém,…

+ Rối loạn chức năng hệ thần kinh: đau đầu, nhức đầu

+ Thay đổi khả năng nhận thức hoặc tâm lý: mất khả năng tập trung, lơ đễnh, không chú ý, lo lắng quá mức…

Người bị rối loạn tiền đình thường có dấu hiệu gì
Người bị rối loạn tiền đình thường có dấu hiệu gì

Phân loại rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình được phân chia thành 2 dạng với biểu hiện triệu chứng khác nhau

Rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm đa số trong các trường hợp (khoảng 90 – 95% bệnh nhân). Nguyên nhân xuất phát từ tổn thương của hệ tiền đình ở tai trong. Triệu chứng hoa mắt, chóng mặt,…thường xuất hiện đột ngột, rầm rộ, tuy nhiên không nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Dưới đây là các triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên:

+ Cơ thể mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng, đi đứng loạng choạng và đứng không vững.

+ Rối loạn thị giác: chóng mặt, hoa mắt, mất phương hướng

+ Rối loạn thính giác: Ù tai. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như suy giảm thính lực (nghe kém, điếc,…)

+ Nhãn cầu rung giật: chỉ những vận động lặp đi lặp lại của nhãn cầu, rung giật nhãn cầu có thể xuất hiện một bên hoặc cả hai bên mắt

+ Xuất hiện cảm giác buồn nôn và triệu chứng nôn

+ Người mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, thường xuyên mất ngủ về đêm

+ Hạ huyết áp

Rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn tiền đình trung ương hiếm gặp hơn (chiếm khoảng 5 – 10% bệnh nhân). Nguyên nhân xuất phát từ tổn thương nhân tiền đình ở thân não và tiểu não. Biến chứng của rối loạn trung ương thường nguy hiểm hơn và khó chữa hơn so với rối loạn ngoại biên. Dấu hiệu của rối loạn trung ương thường gặp trên thực tế:

+ Chóng mặt: Triệu chứng chóng mặt thường không dữ dội và rầm rộ như bệnh nhân mắc chứng ngoại biên.

+ Suy giảm thính lực: Ù tai, khả năng cảm nhận và đáp ứng với âm thanh kém

+ Xuất hiện rung giật nhãn cầu theo nhiều hướng, có cả rung giật nhãn cầu dọc.

+ Dáng đi như người say rượu, bệnh nhân thường không đi theo một đường thẳng, hay đi hình zic zắc.

+ Mất phối hợp động tác: Bệnh nhân không thể làm chính xác động tác ví dụ như: lật sấp bàn tay, ngón tay chỉ mũi…

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình
Nguyên nhân của rối loạn tiền đình

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình ngoại biên

+ Viêm dây thần kinh tiền đình (dây thần kinh số 8): Dây thần kinh số 8 cấu tạo bởi 2 dây thần kinh có chức năng riêng biệt: thần kinh ốc tai (dẫn truyền xung động âm thanh về não bộ) và thần kinh tiền đình (giữ thăng bằng cho cơ thể). Viêm dây thần kinh số 8 thường gặp sau khi nhiễm virus gây bệnh Zona, thủy đậu, quai bị.

+ U dây thần kinh số 8

+ Người mắc các bệnh chuyển hóa: tăng ure máu, đái tháo đường, suy giảm chức năng tuyến giáp,…

+ Say tàu xe

+ Viêm tai giữa cấp tính hoặc mạn tính, chấn thương tai trong

+ Do rượu bia hoặc các chất kích thích như ma túy

+ Tác dụng phụ của một số thuốc: thuốc giảm đau chống viêm NSAIDS, kháng sinh nhóm aminoglycosid (gentamicin, streptomycin và neomycin), thuốc lợi tiểu (furosemid),…

+ Bệnh Meniere: rối loạn tai trong gây ra chóng mặt, ù tai, mất thính giác (nghe kém,…)

Nguyên nhân của rối loạn tiền đình trung ương

+ Bệnh đau nửa đầu (Migraine)

+ Tổn thương mạch máu não: thiếu máu lên não, nhồi máu não, xuất huyết não,..

+ Tổn thương não: viêm não, viêm màng não, u não, chấn thương sọ não,…

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình có thể gặp ở bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao mắc như:

+ Người cao tuổi: Về già, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu lão hóa, trong đó có hệ tiền đình. Do đó, người cao tuổi có nguy cơ mắc cao hơn so với người trẻ. Triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ…thường kéo dài hơn và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, ghi nhận không ít các trường hợp bệnh nhân té ngã dẫn đến chấn thương sọ não phải nhập viện do rối loạn ngoại biên

+ Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kì) thường có biểu hiện như: ốm nghén, chán ăn…dẫn đến cơ thể không cung cấp đủ chất dinh dưỡng gây ra thiếu máu. Thiếu máu là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt,…ở phụ nữ mang thai.

+ Người mắc bệnh lý nền: cao huyết áp, đái tháo thường, xơ vữa động mạch,…

+ Người sống và làm việc trong môi trường áp lực, thường xuyên bị căng thẳng

Biến chứng của rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm:

+ Dễ bị té ngã: dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, khó giữ thăng bằng nên rất dễ bị té ngã. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người đang điều khiển các phương tiện giao thông hay làm việc trên cao.

+ Tăng nguy cơ đột quỵ: Người mắc bệnh thường có biểu hiện thiếu máu lên não dẫn đến không đủ  nguồn cung cấp oxy cho tế bào thần kinh hoạt động. Thiếu máu não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

+ Tổn thương chức năng hệ thần kinh, suy giảm trí nhớ

Vị trí, cấu tạo và chức năng của hệ tiền đình

Vị trí của hệ tiền đình

  • Hệ tiền đình là cơ quan thuộc hệ thống thần kinh nằm sau ốc tai có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể, điều hòa, phối hợp các động tác: cúi đầu, xoay người,…
  • Tai là bộ phận cảm nhận âm thanh của cơ thể. Cấu tạo của tai theo vị trí giải phẫu từ ngoài vào trong gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong

+ Tai ngoài: tài ngoài gồm vành tai và ống tai, nơi đầu tiên tiếp xúc với sóng âm thanh của môi trường bên ngoài

+ Tai giữa: màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và các xương con bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp

+ Tai trong: nằm vị trí trong cùng của tai, có cấu tạo gồm: ốc tai và tiền đình

Cấu tạo của hệ tiền đình

  • Hệ tiền đình chia làm 2 phần: các ống bán khuyên ( gồm 3 ống ) và phần tiền đình thực sự (gồm soan nang và cầu nang). Xét về cấu tạo, hệ tiền đình gồm có tiền đình xương và tiền đình màng. Về vị trí, tiền đình màng nằm trong tiền đình xương. Giữa tiền đình màng và tiền đình xương có ngoại dịch, trong tiền đình màng có nội dịch. Mất cân bằng điện giải ở nội dịch và ngoại dịch có thể dẫn đến hội chứng Meniere: chóng mặt, ù tai, nghe kém, mất thính lực,…
  • Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào trong xương đá vào lỗ tai trong. Bắt đầu từ lỗ tai trong, dây thần kinh số 8 sẽ tỏa theo 2 hướng thành hai dây thần kinh có chức năng riêng biệt: thần kinh tiền đình chi phối hệ tiền đình (giữ thăng bằng) và thần kinh ốc tai (cảm nhận rung động âm thanh). Các bệnh lý về dây thần kinh số 8 như viêm dây thần kinh số 8, u dây thần kinh số 8….sẽ dẫn đến rối loạn chức năng của hệ tiền đình.

Chức năng của hệ tiền đình

Hệ tiền đình được coi là “bộ máy giữ thăng bằng cho cơ thể”. Nhờ có hoạt động sinh lý bình thường của hệ tiền đình, chúng ta có thể cảm nhận được vị trí, bước đi của mình trong không gian. Hệ tiền đình phối hợp với hệ vận động đưa ra các cử động của cơ thể đồng thời giữ cho cơ thể không bị mất thăng bằng khi thực hiện các tư thế như đứng lên, ngồi xuống, xoay người,…

Chẩn đoán rối loạn tiền đình

Triệu chứng lâm sàng

Bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ qua triệu chứng của bệnh nhân như chóng mặt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu.

Triệu chứng cận lâm sàng

Để xác định nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh

  • Xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm huyết học (đánh giá tình trạng thiếu máu: số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin trong máu….); Xét nghiệm hóa sinh (ure máu, creatinin máu,…)
  • Nguyên nhân xuất phát tổn thương tai: siêu âm tai
  • Nguyên nhân bắt nguồn mạch máu: Siêu âm hệ mạch xác định vị trí và mức độ mảng xơ vữa
  • Nguyên nhân xuất phát tổn thương não: Chụp CT sọ não

Điều trị rối loạn tiền đình

Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như: hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ,…cần xử trí như sau:

+ Đưa bệnh nhân vào phòng có không gian yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh

+ Để bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm thấp đầu

+ Bổ sung đủ nước và điện giải cho người bệnh

Nhóm thuốc điều trị rối loạn tiền đình

Thuốc điều trị triệu chứng đau đầu, chóng mặt

+ Thuốc an thần kinh: Diazepam, Nitrazepam….

+ Thuốc kháng histamin thế hệ 1: Clorpheniramin, Diphenhydramine…

+ Thuốc giảm đau: paracetamol

Thuốc tăng cường tuần hoàn máu não, cải thiện chức năng hệ tiền đình

+ Piracetam (Pilixitam 4g/20ml): Tiêm 30 – 160 mg/kg/ngày, ngày chia làm 2, 3, 4 lần sử dụng.

+ Betahistine (Betahistine Stada 16mg): điều trị chóng mặt. Liều dùng thông thường ½ – 1 viên 16mg mỗi lần, ngày uống 3 lần.

+ Almitrine – raubasine: Điều trị các rối loạn tiền đình ốc tai có nguồn gốc do thiếu máu cục bộ. Liều dùng thuốc thông thường: 1 – 2 viên mỗi ngày, nếu dùng 2 viên/ngày chia làm 2 lần uống thuốc.

+ Ginkgo biloba 40 mg (chiết xuất từ cao khô lá bạch quả): Liều dùng thông thường: uống 2 viên/lần, uống 2 lần/ngày.

Phòng ngừa rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học và chế độ sinh hoạt hợp lý.

+ Cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày

+ Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn: rượu bia, thuốc lá

+ Luyện tập thể dục – thể thao thường xuyên, không nên ngồi trước màn hình máy tính quá lâu

+ Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe

+ Ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng mỗi ngày); khi ngủ cần nằm thấp đầu, không kê gối quá cao

+ Tránh thay đổi tư thế đột ngột: không đứng lên hay ngồi xuống quá nhanh, không xoay người hay quay cổ đột ngột,….

+ Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Dinh dưỡng cho người bị rối loạn tiền đình

Dinh dưỡng cho người bị rối loạn tiền đình
Dinh dưỡng cho người bị rối loạn tiền đình

Người bị rối loạn tiền đình nên ăn gì?

Rối loạn tiền đình có thể xuất phát từ nguyên nhân như mạch máu, tổn thương tai, tổn thương hệ thần kinh. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất vào mỗi bữa ăn có thể cải thiện các triệu chứng

+ Bổ sung vitamin B6: Vitamin B6 có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh. Thiếu vitamin B6 có thể gây ra viêm dây thần kinh ngoại vi, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiền đình. Một số loại thực phẩm giàu vitamin B6 nên bổ sung vào thực đơn: các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu Hà Lan…); ngũ cốc; thịt gà, cá,…

+ Bổ sung vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa, chống stress. Các chuyển hóa trong cơ thể hàng ngày tạo ra vô số các gốc tự do, khiến cho hệ tiền đình bị tổn thương. Các loại thực phẩm giàu vitamin C nên bổ sung vào thực đơn cho người rối loạn chức năng hệ tiền đình: các loại quả (cam, quýt, bưởi, mâm xôi,…); các loại rau (súp lơ xanh, rau bina,…)

Người bị rối loạn tiền đình không nên ăn gì?

Người bị bệnh không nên ăn các loại đồ ăn nhanh, chiên xào nhiều giàu mỡ, thực phẩm giàu cholesterol như: trứng, bơ,…Các loại thực phẩm này có thể thúc đẩy quá trình viêm của cơ thể, tăng mức độ tổn thương hệ tiền đình.

** Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết của Nhà thuốc AZ chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến Rối loạn tiền đình. Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.