GGT cao: Những điều cần biết và cách phòng ngừa

GGT là một trong những enzym có vai trò quan trọng trong chẩn đoán tình trạng ứ mật ở gan. GGT có giá trị chẩn đoán hơn các enzym khác vì nó rất nhạy cảm với sự thay đổi tình trạng ứ mật. Hoạt độ của GGT thường tăng trong một số tình trạng bệnh lý của gan như là viêm gan mãn, viêm gan virus, tổn thương gan do alcol, gan di căn. Ngoài ra, GGT cũng tăng trong bệnh tụy, nhồi máu cơ tim đặc biệt quan trọng ở dạng không có triệu chứng rõ ràng. GGT là một chỉ số dùng để theo dõi sự tiến triển bệnh gan mãn.

Dưới đây chúng tôi xin cung cấp đến quý bệnh nhân những thông tin cơ bản nhất và hữu hiệu nhất về GGT. Nếu có bất cứ thắc mắc gì xin hãy vui lòng liên hệ với Nhà thuốc AZ theo số hotline 0929.620.660 hoặc truy cập nhathuocaz.com.vn để được các Dược sĩ Đại học tư vấn một cách nhiệt tình, chính xác và nhanh chóng nhất.

GGT là gì?

GGT là một enzyme gắn ở màng tế bào, nó có vai trò xúc tác vận chuyển nhóm gamma- glutamyl từ các phân tử như glutathione đến chất nhận có thể là amino acid, peptide…

GGT có vai trò chủ đạo trong việc tổng hợp và giáng hóa của glutathione, thuốc, các chất xenobiotic. GGT có mặt ở nhiều loại mô khác nhau như thận, đường mật, tụy, tim, não, …

Mặc dù mô thận là một nơi có nồng độ GGT cao nhất trong cơ thể nhưng sự hiện diện của GGT trong máu chủ yếu là nguồn gốc từ hệ thống gan mật. Hoạt độ GGT sẽ tăng cao trong tất cả các bệnh lý gan mật, đặc biệt là trong các trường hợp tắc mật tại gan và sau gan, hoạt độ GGT có thể tăng 5-30 lần so với giới hạn bình thường. Trong đó, GGT là enzyme nhạy hơn ALP, AST, ALT trong phát hiện vàng da tắc mật, viêm túi mật, viêm đường mật, đồng thời cũng là enzyme tăng sớm hơn và thời gian kéo dài hơn các enzyme còn lại.

GGT được đào thải qua gan và theo đường mật. Vì vậy, xét nghiệm định lượng GGT rất quan trọng trong việc phát hiện tình trạng ứ mật. Bên cạnh đó, tính thấm của màng tế bào gan sẽ bị rối loạn và tốc độ tổng hợp GGT trong gan đặc biệt tăng do sự cảm ứng enzym, ví dụ trong trường hợp uống quá nhiều rượu.

Nguyên nhân gây ra GGT cao là gì?

Bệnh lý gan mật: Mọi sự tổn thương ở tế bào gan, đặc biệt là trong hội chứng ứ mật (Cholestasis).

– Bệnh viêm gan cấp, gan nhiễm mỡ, xơ gan;

– Ung thư gan;

– Các bệnh viêm gan B, viêm gan C và viêm gan D, …;

– Bệnh liên quan đến ứ mật, vàng da tắc mật;

Do lối sống, ăn uống không hợp lý, không lành mạnh

– Sử dụng quá nhiều và kéo dài các chất kích thích và rượu bia;

– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn các thực phẩm có hại cho gan như đồ nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ cay nóng, …

– Tinh thần căng thẳng gây stess kéo dài

Do dùng các loại thuốc gây cảm ứng tổng hợp enzym gan (Hepatic enzym induction):

– Thuốc chống trầm cảm;

– Thuốc chống động kinh (phenytoin sodium);

– Thuốc ngủ (barbiturates);

– Thuốc điều trị tăng huyết áp;

– Thuốc điều trị tiểu đường;

– Thuốc chống thống phong;

– Thuốc ngừa thai uống, …

Một số nguyên nhân khác, thứ phát do ảnh hưởng trên gan:

– Các bệnh về tuyến tụy như đái tháo đường, viêm tụy cấp…

– Nhồi máu cơ tim, xung huyết, suy tim…

– Tăng trong bệnh sốt rét, bệnh tự miễn ở ruột non, bệnh phổi, …

Nguyên nhân gây ra GGT cao
Nguyên nhân gây ra GGT cao

Những trường hợp chỉ định xét nghiệm GGT:

– Chẩn đoán và theo dõi bệnh lý gan mật: GGT được xem là một thông số enzyme nhạy nhất đối với bệnh lý về gan. Khi cơ thể các biểu hiện trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bệnh lý gan-mật, GGT là một trong những xét nghiệm đầu tiên cần được chỉ định.

– GGT dùng để test sàng lọc và theo dõi hội chứng nghiện rượu bị che giấu (occult alcoholism)

– Bên cạnh đó, xét nghiệm này dùng để xác định việc tăng ALP có nguồn gốc từ bệnh lý xương (GGT bình thường) hay tăng trong bệnh lý gan mật (cả GGT và ALP đều tăng). Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam khi chưa có phương tiện máy móc để định lượng isoenzym ALP của xương.

Chỉ số GGT cao bao nhiêu là nguy hiểm cho người bệnh?

Trị số GGT bình thường nằm trong khoảng dưới 60 UI/L. Chỉ số này ở nữ giới là 11 – 50 UI/L, ở nam giới chỉ số GGT nằm trong khoảng 7- 32 UI/L.

Có 3 mức độ đánh giá sự tăng của chỉ số GGT:

– Mức độ nhẹ: tăng cao từ 1-2 lần chỉ số bình thường (gan nhiễm mỡ)

– Mức độ trung bình: tăng cao từ 2-5 lần chỉ số bình thường (viêm gan virus, sử dụng thuốc, xơ gan)

– Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần chỉ số bình thường (tắc mật, xơ gan rượu)

Tuy nhiên, xét nghiệm GGT không thể phân biệt nguyên nhân gây tổn thương gan khác nhau vì nó có thể tăng trong nhiều loại bệnh liên quan đến gan (ung thư gan và viêm gan virus…) và các tình trạng khác mà không phải do gan (như hội chứng mạch vành cấp). Vì vậy, xét nghiệm GGT không khuyến khích được sử dụng thường xuyên.

Ngoài ra, mức GGT cũng có thể tăng lên khi người bệnh uống rượu. Mức độ GGT cao hơn ở những người nghiện rượu nặng mãn tính so với những người tiêu thụ ít hơn (khoảng 2 đến 3 ly mỗi ngày). Bên cạnh đó, xét nghiệm GGT còn được sử dụng để đánh giá một người đang sử dụng lạm dụng rượu cấp tính hoặc mãn tính.

Những lưu ý cần biết trước khi làm xét nghiệm GGT

Trước khi xét nghiệm GGT bệnh nhân phải ngưng sử dụng tất cả các loại chất kích thích, bia rượu, thuốc lá từ 24h – 72h để không gây ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

Bệnh nhân cũng không nên dùng các loại thuốc gây tăng nồng độ GGT trong máu như Phenobarbital, Phenytoin, … trong vòng 24h để kết quả được chính xác nhất có thể.

Đối tượng có nguy cơ gây GGT cao

Nhóm đối tượng 1:

Người có những bệnh lý liên quan đến gan mật (viêm gan virus, ung thư gan, vàng da tắc mật, viêm gan cấp và mạn, …)

Nhóm đối tượng 2:

Người có lối sống dùng nhiều và kéo dài chất kích thích (rượu, bia…)

Nhóm đối tượng 3:

Người dùng các loại thuốc ảnh hưởng chức năng gan liều cao và trong thời gian kéo dài có thể làm tăng trị số GGT.

Triệu chứng của tăng GGT

Các dấu hiệu tăng men gan thường không rõ ràng khi thay đổi nhẹ, men gan càng tăng cao thì mức độ biểu hiện triệu chứng càng rõ. Bao gồm các triệu chứng như:

– Người bệnh có các biểu hiện như chán ăn, nôn và buồn nôn, …

– Sốt nhẹ, người mệt mỏi.

– Đau hạ sườn phải: Khi men gan tăng cao, người bệnh sẽ biểu hiện cảm nhận được cơn đau nhức âm ỉ tại vùng bụng hạ sườn bên phải.

– Mẩn ngứa: Chức năng gan bị suy giảm nên chức năng thanh lọc bị suy giảm, từ đó khiến độc tố tích tụ trong cơ thể, biểu hiện trên da gây ngứa.

– Phân có màu nhạt, nước tiểu sẫm màu: Thường gặp trong men gan cao do tắc mật. Tắc mật làm cho bilirubin không đi vào được đường tiêu hoá do đó thải qua đường nước tiểu gây ra hiện tượng phân bạc màu và nước tiểu sẫm.

– Vàng da: Đây là triệu chứng bệnh men gan cao đặc trưng nhất. Tuy nhiên, khi người bệnh nhận ra sự thay đổi trên màu da thì bệnh cũng đã đáng báo động.

Biến chứng nguy hiểm của GGT cao

Men gan tăng cao thường không có triệu chứng nên bệnh nhân hầu như không biết và dễ bị bỏ qua. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng có hại cho sức khỏe người bệnh như:

Giảm tuổi thọ

Men gan cao gây tăng tỷ lệ tử vong. Chỉ số men gan càng cao tỷ lệ thuận với tỷ lệ tử vong càng cao.

Tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan:

Men gan tăng cao bất thường là do tế bào gan chết hàng loạt, từ đó cơ thể sẽ tự động kích hoạt tăng sinh tế bào gan mới, gây tăng nguy cơ đột biến tự phát tại gan và tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan

Nếu kết quả xét nghiệm GGT tăng cao, bạn cần phải làm gì?

Nếu kết quả xét nghiệm GGT của bạn tăng cao, trong khi đó đồng thời xét nghiệm các men gan khác cũng cho kết quả bất thường, điều này cho thấy tế bào gan của bạn đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng bởi bạn có thể kiểm soát chỉ số này một cách hiệu quả dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng ngừa tăng cao GGT

Đầu tiên, bạn cần làm các xét nghiệm viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C. Riêng viêm gan B, ngoài xét nghiệm HBsAg khi có dương tính còn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg, HbsAb và antiHBeAg… Nếu có điều kiện, bạn cần xét nghiệm định lượng ADN của virus.

Nếu men gan tăng mà nguyên nhân do viêm tắc đường dẫn mật thì cần hỗ trợ cải thiện triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Nếu viêm gan do rượu, cần kiêng rượu, bia, các loại nước giải khát có cồn và các thức uống có chứa chất kích thích.

Bạn nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để được chuyên gia theo dõi và đánh giá tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, chế độ ăn uống tác động trực tiếp đến các bộ phận của cơ thể đặc biệt là gan – nơi mà thường xuyên phải giải trừ độc tố từ cơ thể. Một chế độ ăn uống khoa học đem lại những lợi ích không chỉ bên trong mà còn ngoài cơ thể, nhưng một chế độ ăn uống ngập tràn rượu bia, không đúng giờ giấc… sẽ làm chức năng gan suy giảm đáng kể.

Không nên tự ý mua các loại thuốc Đông hay thuốc Nam y theo lời truyền miệng để hỗ trợ cải thiện. Các loại thuốc nếu chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa có bằng chứng rõ ràng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, tiền mất tật mang làm bệnh gan thêm trầm trọng hoặc không thể cứu chữa được nữa.

Một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm những công việc căng thẳng, ăn uống lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần phải được thực hiện kết hợp đồng thời với lối sống khoa học. Hạn chế thức khuya, lao động, làm việc vừa phải hợp lý, tránh gây quá sức cho tế bào gan hoạt động. Khi tinh thần căng thẳng stress không chỉ ảnh hưởng xấu đến gan mà nó còn tác động đến rất nhiều cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.

Một số câu hỏi liên quan đến GGT cao

Dùng thuốc gì khi GGT cao

Khi đã biết mình bị tăng men gan, bạn cần giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc quá sức. Tiếp theo, việc bạn phải làm là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về bệnh gan mật để được xác định rõ bệnh mắc phải và điều trị kịp thời, tránh được sớm những biến chứng, trong đó  đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi B. Mặt khác, bạn cần phải theo dõi thường xuyên xem số lượng men gan có thay đổi không và cũng nên làm các chỉ định siêu âm, định lượng gan để biết được tình trạng của gan, ống dẫn mật.

Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị, theo dõi và xét nghiệm định kỳ vì nếu tình trạng này xảy ra kéo dài mà không điều trị kịp thời sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng như xơ gan… Đối với những trường hợp cần thiết phải dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác thì bạn phải báo cho bác sĩ biết tình trạng của mình về tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc gây hại cho gan của bạn. Đối với bệnh nhân có tình trạng GGT (bình thường là 6 – 61U/L) tăng cao thì điều cần thiết nên làm là phải ngưng ngay việc uống rượu, bia và các loại nước uống có chất cồn, chất kích thích. Nên chú ý rượu bia là thức uống làm gan bị nhiễm độc (khi uống rượu, gan phải làm việc nhiều hơn để thải chất độc). Ngoài ra, người bệnh không hút thuốc lá, nếu xảy ra ở những người có tình trạng thừa cân béo phì thì nên kiêng cử các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, chiên xào, nên dùng chế độ ăn bổ dưỡng nhiều chất đạm và vitamin.

Bệnh nhân GGT cao nên ăn gì?

Bệnh nhân GGT cao nên bô sung vào thực đơn hằng ngày như:

  • Thức ăn thanh đạm, thức ăn dễ tiêu hóa và bảo vệ gan
  • Cần ăn rau củ quả tươi, bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi cho khả năng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Chú ý bổ sung vitamin A từ các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, rau muống, rau chân vịt, tỏi tây, bắp cải gan động vật, cà rốt, hẹ, sữa bò, …
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1, B2, B6 như giá, đậu, lạc, rau xanh, mạch nha, hoa quả…, hạt kê, đậu nành, trứng, sữa…
  • Bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin như rau cải, rau dền, ớt ngọt, tỏi, sơn tra…
  • Ngoài ra, những thực phẩm thuộc họ nấm như nấm mộc nhĩ vì nấm rất tốt cho bệnh nhân bị tăng men gan do những thực phẩm này có dinh dưỡng phong phú và có lợi ích trong việc nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể và thúc đẩy hình thành kháng thể cho cơ thể cũng là một cách có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm men gan.
  • Nên uống nước chè, đặc biệt là trà xanh chứa chất chống ôxy hóa không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh gan mà còn duy trì sức khỏe cho gan của bạn.

Bệnh nhân GGT cao nên tránh gì?

  • Hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến sẵn vì chúng có chứa nhiều chất bảo quản, chất béo và gây ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa cũng như khả năng hoạt động của gan.
  • Bia, rượu, cà phê, đồ ăn cay, chua cũng là những loại thực phẩm mà bệnh nhân cần hạn chế sử dụng.
  • Không hút thuốc lá vì gây tăng nguy cơ ung thư gan và làm tăng thêm độc tính các thuốc có hại cho gan.

Bài viết trên Nhà thuốc AZ xin cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến GGT. Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ đến SDT 0929.620.660 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập NhathuocAZ.com.vn để biết thêm chi tiết.